Không áp dụng quy định thời hiệu khi ngân hàng khởi kiện đòi nợ
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 07:47, 21/08/2021
Tòa án nhân dân Tối cao vừa ban hành văn bản số 02/TANDTC-PC giải đáp một số vướng mắc trong xét xử trong đó nội dung tranh chấp dân sự có vấn đề hiệu lực hợp đồng thế chấp khi hợp đồng chuyển nhượng nhà đất vô hiệu.
Ông A vay ngân hàng 1 tỷ đồng, thời hạn vay 01 tháng kể từ ngày 2/1/2017, lãi suất 2%/tháng. Sau thời hạn 1 tháng, ông A không trả được nợ gốc và lãi. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 3/2/2017 đến ngày 3/2/202, ngân hàng không khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ. Đến nay, ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ thì ông A có được quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không?
Văn bản số 02 của Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng theo quy định Điều 429 của Bộ luật dân sự thì “thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Căn cứ quy định nêu trên thì thời hiệu khởi kiện để Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết. Tuy nhiên, theo quy định Khoản 2 Điều 155 của Bộ luật dân sự 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Do đó, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn ngân hàng có thể khởi kiện ông A đòi lại tài sản (nợ gốc) và Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không.