Chứng khoán tuần: Rủi ro tăng lên, hạn chế sử dụng đòn bẩy

Thị trường - Ngày đăng : 12:29, 23/08/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chuyên gia chứng khoán cho rằng rủi ro thị trường đang tăng lên, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy, hạn chế giải ngân mua mới.

Sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp, chỉ số VN-Index ghi nhận giảm điểm khi kết thúc tuần giao dịch từ ngày 16-20/8. Với 3/5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ và 202 mã giảm và 168 mã tăng, chỉ số VN-Index đánh mất 27,62 điểm, tương đương giảm 2,04%, xuống còn 1.329,43 điểm. VHM, GAS và CTG là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi lần lượt 10,72; 2,83 và 2,30 điểm. Ở chiều ngược lại, GVR, SSI và VCB là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho VN-Index trong tuần trước, đóng góp lần lượt 1,67; 0,62 và 0,59 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 28.159,59 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng 5.687,30 tỷ đồng trên sàn HSX.

Ngược lại, trên sàn HNX, sau khi tăng điểm trong 3/5 phiên giao dịch, với 163 mã tăng và 124 mã giảm, chỉ số Hnx-Index kết thúc tuần giao dịch trong sắc xanh, đóng cửa tại mức 338,06 điểm, tăng 1,10 điểm, tương đương 0,33%. VND, IDC và THD là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của chỉ số, đóng góp 0,83; 0,73 và 0,45 điểm. Trong khi đó, SHB, NVB và PAN là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên HnxIndex, lấy đi 1,29; 1,13 và 0,40 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 5.014,17 tỷ đồng/phiên. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 153,66 tỷ đồng trên sàn HNX.

Công ty chứng khoán Bảo Việt BVSC dự báo Vn-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.280-1.300 điểm trong ngắn hạn. Việc tăng thêm thời gian giãn cách xã hội ở nhiều thành phố lớn khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, qua đó có thể khiến áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh trong những phiên đầu tuần tới. Diễn biến điều chỉnh của thị trường chứng khoán thế giới cùng hoạt động bán ròng của khối ngoại cũng sẽ là các yếu tố có thể gia tăng rủi ro điều chỉnh cho thị trường ở thời điểm hiện tại.

BVSC cho rằng nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức trung bình 35-45% cổ phiếu và có thể xem xét bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục về mức an toàn trong các nhịp hồi phục kỹ thuật của thị trường.

Nhận định về thị trường, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng chỉ số VN-Index đã có một tuần giao dịch đầy biến động, kết thúc bằng một phiên giảm mạnh trong phiên ngày cuối tuần và đóng cửa tại 1.329,4 điểm (giảm 2,1% so với cuối tuần trước). Cụ thể thị trường đã có 4 phiên đầu tuần giằng co với 2 phiên tăng 2 phiên giảm. Tuy nhiên, xu thế này bị phá vỡ trong phiên cuối tuần khi áp lực bán tăng mạnh sau những thông tin tiêu cực về tình hình dịch COVID-19. Chỉ số VN-Index đánh mất 45,4 điểm (-3,3%) trong phiên cuối tuần với mức thanh khoản kỷ lục trên HOSE, đạt 38,3 nghìn tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu lớn ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong tuần qua như VHM (-9,9%), VRE (-3,4%) của nhóm bất động sản và GAS (-3,8%), PLX (-2,9%) của nhóm năng lượng. Ngược lại, nhiều cổ phiếu chứng khoán ghi nhận tuần tăng giá mạnh như VCI (+8,9%), HCM (+7,8%), SSI (+5,9%), VND (+3,1%), SHS (+2,0%).

Thanh khoản tiếp tục tăng trong tuần qua với giá trị giao dịch trung bình phiên lên tới 35.460 tỷ đồng trên 3 sàn, tăng 19,8% so với tuần trước. Điều này cho thấy nhà đầu tư tích cực hoạt động mua bán trong bối cảnh thị trường đầy biến động với những phiên tăng giảm điểm mạnh đan xen. Khối ngoại duy trì xu thế bán ròng với giá trị bán ròng tăng mạnh trên HOSE, đạt 5.687 tỷ đồng (tăng gấp 2,6 lần so với tuần trước đó), trong khi mua ròng nhẹ 261 tỷ đồng trên sàn HNX và UPCOM.

Đối với thị trường tuần này, ông Đinh Quang Hinh cho rằng rủi ro thị trường đang tăng lên sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần vừa rồi với thanh khoản đạt kỷ lục. Áp lực bán ra có thể duy trì trong những phiên đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.300 điểm. Trong bối cảnh rủi ro hiện hữu, nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng đòn bẩy và hạn chế giải ngân mua mới ở thời điểm hiện tại.

Bùi Trang