Hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN

Tin tức - Ngày đăng : 16:42, 24/08/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tiếp tục chương trình Đại hội đồng AIPA-42, trong phiên họp sáng ngày 24/8, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn đã tham dự phiên họp Ủy ban Chính trị.

Hội đồng Lập pháp Brunei chủ trì Phiên họp của Ủy ban Chính trị. Tại phiên họp, các Đoàn nghị viện thành viên AIPA tiến hành thảo luận thông qua 1 báo cáo 4 Dự thảo Nghị quyết gồm: Báo cáo Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 12; Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN (Brunei Darussalam đề xuất); Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN (Malaysia đề xuất); Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN (Thái Lan đề xuất); Sự hỗ trợ của nghị viện về tình hình Myanmar (Indonesia đề xuất).

Đối với Nghị quyết về “Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN”, các Đoàn nghị viện thành viên thống nhất cho rằng, kinh tế số sẽ tạo ra không gian mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của các nước ASEAN. Do đó khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết này.

Hội đồng Lập pháp Brunei chủ trì Phiên họp của Ủy ban Chính trị theo hình thức trực tuyến

Phát biểu tại phiên họp, Đoàn Việt Nam cơ bản ủng hộ nội dung của dự thảo Nghị quyết và khẳng định đây cũng là một ưu tiên của Việt Nam trong nỗ lực tăng cường năng lực, tham gia và thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cho biết thêm về chính sách an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu của Việt Nam, Đoàn Việt Nam nêu rõ, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và ban hành Chiến lược an ninh mạng nhằm cụ thể hóa mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng và xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật An ninh mạng (năm 2018). Sự ra đời của Luật đã đặt nền móng pháp lý chính thức đầu tiên điều chỉnh các vấn đề trong lĩnh vực an ninh mạng. Đồng thời Việt Nam cũng rất coi trọng bảo vệ quyền riêng tư của công dân trên không gian mạng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và xây dựng Chính phủ điện tử.

Đoàn Việt Nam cũng cho biết, trong những năm vừa qua, Việt Nam luôn chủ động có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong ASEAN, hợp tác giữa ASEAN và các đối tác lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Việt Nam đã có một hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn

Tại báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2020 do Tổ chức liên minh viễn thông thế giới công bố, Việt Nam xếp thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 25 bậc so với công bố năm 2019 và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trong ASEAN. Trong 5 trụ cột đánh giá thì có 2 trụ cột được điểm tuyệt đối là pháp lý và hợp tác. Việt Nam cũng đã tham gia và đưa ra một số sáng kiến hợp tác trong ASEAN nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể ASEAN số 2025, như: Thúc đẩy các hành động ưu tiên tăng phục hồi ASEAN; Mở rộng vùng bao phủ của cơ sở hạ tầng băng thông rộng; Tạo thị trường cạnh tranh; Thúc đẩy môi trường số, dịch vụ số tạo điều kiện cho thương mại; Thúc đẩy xã hội số bao trùm trong ASEAN.

Qua thảo luận trực tuyến, các Đoàn nghị viện thành viên AIPA cũng nhất trí cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang đặt ra những thách thức mới về bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng. An ninh mạng là động lực để các quốc gia tận dụng lợi ích của số hóa với phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ nền dân chủ và quyền con người.

Khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để đối mặt với các thách thức ngày càng tăng của an ninh mạng, các nghị viện thành viên AIPA thống nhất, để phát triển kinh tế số thì Chính phủ các nước phải có các biện pháp để bảo vệ an ninh, an toàn trên không gian mạng; nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. AIPA cần tái khẳng định cam kết của các nghị viện thành viên về hợp tác trong bảo đảm an ninh, an toàn mạng, bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin trên môi trường mạng, đồng thời bảo đảm các biện pháp quản lý không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Từ thực tiễn hoạt động của Việt Nam và đứng trước những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, Đoàn Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất về nội dung này. Cụ thể, cần tăng cường hợp tác trên kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai chính sách công nghệ và an toàn an ninh mạng; thông tin về các mối đe dọa về an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch COVID - 19, xây dựng chương trình tuyên truyền chung trong ASEAN và AIPA để nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn an ninh mạng, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế, với tinh thần thống nhất nhận thức và hành động của Cộng đồng ASEAN đối với an ninh mạng, tiến tới xây dựng các khuôn khổ pháp lý chung tạo thuận lợi cho phối hợp bảo đảm an ninh mạng.

Cho ý kiến tại Nghị quyết về “Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN”, Đoàn Việt Nam khuyến nghị thúc đẩy hiểu biết chung về khái niệm và cách tiếp cận an ninh con người, trên cơ sở cần đảm bảo tuân thủ Hiến chương ASEAN, Tuyên bố ASEAN về nhân quyền và các văn bản khác có liên quan của ASEAN. Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến an ninh con người, Việt Nam đề nghị các Nghị viện AIPA thúc đẩy chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống đại dịch, kiểm soát lây lan dịch bệnh, cũng như các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Những chia sẻ dữ liệu và công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này cũng góp phần bảo đảm an ninh con người, trong đó Việt Nam cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ truy vết và cảnh báo, quản lý dãn cách, quản lý tiêm chủng...

Trong Nghị quyết về “Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN”, Đoàn Việt Nam đề cao vai trò của các nghị viện trong việc nội luật hóa các cam kết quốc tế của các nước thành viên ở cả quy mô khu vực và toàn cầu; tăng cường giám sát thực hiện nghĩa vụ và cam kết trong các khuôn khổ điều ước quốc tế. Theo Việt Nam, Quốc hội các nước thành viên cần đóng vai trò tích cực trong việc xem xét ban hành sửa đổi bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, dựa trên luật pháp quốc tế (như Công ước UNCLOS 1982), củng cố lòng tin lẫn nhau, bảo đảm các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, góp phần thúc đẩy phát triển.

Ngoài ra, Đoàn Việt Nam cũng cho rằng, ngoại giao nghị viện cần góp phần thúc đẩy ngoại giao giữa các quốc gia, dân tộc, đồng thời ủng hộ các Chính phủ các nước ASEAN đẩy mạnh hội nhập khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN tôn trọng luật lệ, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới người dân, cùng ứng phó với những thách thức toàn cầu như COVID-19.

T.H