Quy chế tài chính mới của Công ty mua bán nợ Việt Nam
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 14:12, 26/08/2021
Mỗi khoản nợ mua của công ty (theo thỏa thuận hoặc chỉ định) được xác định là một loại hàng hóa, công ty có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi từng khoản nợ mua. Theo quy chế được ban hành kèm theo Thông tư, về nguyên tắc chung, DATC được xác lập quyền sở hữu, quyền quản lý và sử dụng đối với nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận; thực hiện quản lý, sử dụng và hạch toán theo dõi các khoản nợ và tài sản theo quy định tại quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
Đối với các khoản nợ và tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc tiếp nhận theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, sau khi tiếp nhận, Công ty quản lý, theo dõi ngoài báo cáo tình hình tài chính và xử lý theo quy định của pháp luật và quy chế này.
Việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu được thực hiện theo phương án đã thỏa thuận (bằng văn bản) với cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án tái cơ cấu DN, phù hợp quy định của pháp luật về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DN.
Đối với các DN khác, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu DN thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận với chủ sở hữu DN.
Việc sử dụng các khoản nợ và tài sản để góp vốn theo nguyên tắc có hiệu quả trên cơ sở phương án mua, xử lý nợ và tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Các tài sản (không bao gồm nợ) trước khi góp vốn phải được xác định lại giá trị bởi các tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
DATC thực hiện thoái vốn trong thời hạn 5 năm kể từ ngày DATC chính thức trở thành cổ đông tại các doanh nghiệp có vốn góp chi phối thông qua tái cơ cấu. Trường hợp quá thời hạn 5 năm mà DATC chưa thực hiện thoái vốn, DATC báo cáo nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý để Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến bằng văn bản.
Về nguyên tắc sử dụng vốn, công ty được quyền chủ động sử dụng vốn của mình để phục vụ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực của DATC để hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản.
Sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài công ty, mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế này. Tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường. Sử dụng vốn để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phù hợp với ngành nghề kinh doanh của công ty. Sử dụng nguồn vốn hoạt động của mình để sửa chữa, nâng cấp tài sản nhằm mục đích gia tăng giá trị và tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản để thu hồi vốn. Hoạt động đầu tư cải tạo, nâng cấp tài sản thuộc về đầu tư xây dựng cơ bản phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.
DATC có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại công ty theo quy định. Định kỳ hằng năm DATC phải đánh giá mức độ bảo toàn vốn của công ty.
Về nguyên tắc đầu tư vốn DATC được quyền sử dụng tài sản (bao gồm cả tiền, tài sản cố định và các tài sản khác) thuộc quyền quản lý của công ty để đầu tư theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn vốn, phù hợp với quy định của pháp luật và chiến lược, kế hoạch đầu tư của công ty được chủ sở hữu phê duyệt.
DATC không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán… DATC được chủ động quyết định mua, bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua cổ phần tại các doanh nghiệp mà công ty có cổ phần hoặc có phương án tái cơ cấu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp bên nợ và xử lý các khoản nợ, tài sản đã mua, tiếp nhận.
DATC không được đầu tư ra ngoài công ty trong các trường hợp: tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là người có liên quan; góp vốn cùng doanh nghiệp mà DATC giữ vốn góp chi phối để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Công ty không được sử dụng tài sản do công ty đang đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ (ngoại trừ tài sản tiếp nhận) để đầu tư ra ngoài công ty.
Hàng năm, Hội đồng thành viên công ty đánh giá hiệu quả hoạt động và báo cáo Bộ Tài chính xem xét, công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp trên cơ sở các chỉ tiêu đánh giá phù hợp với đặc thù hoạt động của công ty theo quy định đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cuối kỳ kế toán – hàng quý, hàng năm, công ty phải lập, trình bày, gửi các báo cáo tài chính, báo cáo thống kê cho các cơ quan nhà nước và thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành. Hội đồng thành viên công ty chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo tài chính, thống kê và việc thực hiện công khai tài chính.
Về điều khoản chuyển tiếp, các phương án mua, xử lý nợ và tài sản được phê duyệt trước ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành, DATC tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt hoặc DATC có thể sửa đổi, bổ sung phương án để áp dụng quy định tại Quy chế này. Các khoản dự phòng đã trích lập trước ngày Quy chế có hiệu lực thi hành, nếu đã trích lập cao hơn mức quy định tại Quy chế này thì DATC không phải hoàn nhập các khoản dự phòng; nếu thấp hơn, DATC trích lập bổ sung cho đủ.