Việt Nam - Trung Đông: Nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác mới
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 18:21, 26/08/2021
Hội thảo nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút và triển khai các dự án FDI/FII từ khu vực Trung Đông vào Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, chế biến chế tạo, du lịch, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp... Đồng thời, cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách mới, tiềm năng thị trường của nhau và giúp các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt đúng quan tâm của các nhà đầu tư từ khu vực Trung Đông, để từ đó có biện pháp quảng bá, thu hút đầu tự phù hợp.
Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số địa phương và doanh nghiệp đang có hợp tác với khu vực Trung Đông.. cùng Đại sứ/Đại biện các nước Trung Đông, đại diện Quỹ đầu tư, Tập đoàn công ty khu vực Trung Đông - Bắc Phi đang hoạt động tại Việt Nam. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng tham dự và có bài phát biểu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới, khu vực Trung Đông và Việt Nam. Để ứng phó với đại dịch và dần mở cửa, nhiều nước Trung Đông và Việt Nam đã và đang có những điều chỉnh chính sách về kinh tế, thương mại đầu tư và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực kinh tế và khả năng cạnh tranh quốc gia, phát triển theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo hơn. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần mở ra cơ hội hợp tác mới, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Trung Đông. Kiểm soát tốt dịch bệnh và phát triển kinh tế bền vững là nhu cầu cấp bách đối với cả Trung Đông và Việt Nam.
Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu |
Theo ông Hiệu, đầu tư ra nước ngoài của các nước Trung Đông rất đa dạng và linh hoạt về hình thức đầu tư như trực tiếp, gián tiếp, đầu tư hợp tác nhiều bên, qua quỹ đầu tư chung… Đây là cơ hội rất lớn cho các nước có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế năng động và hội nhập kinh tế sâu rộng với nhiều tiềm năng như Việt Nam. Với tinh thần chủ động hợp tác sâu rộng và toàn diện, Việt Nam đã trở thành ‘mắt xích’ quan trọng và nhiều bên cho nền kinh tế toàn cầu và khu vực, liên khu vực với các hiệp định đối tác kinh tế thương mại như CPTPP, Việt Nam - Liên minh châu Â, EVFTA và hiệp định đối tác kinh tế toàn khu vực. Điều đó cho thấy tiềm năng và cơ hội rất lớn ở Việt Nam. Với mục tiêu phát triển xanh, bền vững, sáng tạo, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường cải thiện đầu tư và kinh doanh hơn.“Nhiều quốc gia trong khu vực đã khẳng định vị thế cường quốc về khoa học công nghệ, nhiều nước Trung Đông cũng đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển các ngành mũi nhọn như năng lượng sạch, tài chính, ngân hàng, du lịch, bất động sản, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và giáo dục… Trong đó, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài tiếp tục là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế các nước khu vực Trung Đông”, ông Hiệu chia sẻ. Điểm qua những thế mạnh và tiềm năng của các quốc gia khu vực Trung Đông, ông Hiệu cho biết, Trung Đông là khu vực rộng lớn với dân số hơn 350 triệu người và GDP hơn 6.000 tỷ USD, đây là nơi tập trung nhiều nền kinh tế phát triển của các khu vực vùng Vịnh, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ nổi tiếng với tiềm năng về trữ lượng dầu khí, Trung Đông còn có tiềm năng rất lớn về nguồn lực tài chính, nhiều quỹ đầu tư công uy tín và lớn nhất thế giới với tổng số vốn trên 2.000 tỷ USD, 4/10 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới ở Trung Đông, chiếm hơn 40% tổng tài sản quỹ đầu tư công thuộc Chính phủ trên phạm vi toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam duy trì được sự phát triển kinh tế, xã hội ổn định, bền vững. Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, là một trong ít quốc gia duy trì được tăng trưởng dương và kết quả 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng mức 5,64%.
Dưới tác động của dịch COVID-19, dòng đầu tư trên toàn cầu có xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, kết quả thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn đạt kết quả đáng khích lệ. Hiện có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 400 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2021, vốn đăng ký FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng, đạt 19,1%. Đặc biệt, vốn thực hiện và giải ngân đã tăng 16,3% (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước).
Chia sẻ về lợi thế đầu tư trong nước, bà Ngọc cho biết, Việt Nam có nhiều đặc trưng nổi bật, được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, bởi đây là thị trường mới nổi, có lợi thế vị trí địa chính trị rất quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, có quá trình tăng trưởng nhanh và ổn định, hệ thống chính trị ổn định, nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200% so với các nước đang phát triển). Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào gần 100 triệu dân, với lực lượng lao động trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng (chiếm 15% dân số), tạo thành thị trường có chỉ số bán lẻ hấp dẫn nhất (đứng thứ 6 thế giới).
T.S Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Là diễn giả tham dự hội thảo, T.S Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông và châu Phi, giai đoạn 2016-2025" và từ đó đến nay đã được các bên chú trọng, nâng tầm quan hệ, không ngừng được củng cố và đi vào chiều sâu thông qua nhiều hình thức linh hoạt, thể hiện qua những kết quả, thành tựu rất đáng khích lệ, nổi bật qua quan hệ kinh tế, lĩnh vực thương mại và đầu tư bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Về lĩnh vực ngân hàng, đến hết năm 2020, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã thiết lập hơn 493 quan hệ đại lý với các quốc gia tại thị trường Trung Đông, doanh số thanh toán, chuyển tiền đạt hơn 4,3 tỷ USD. Trong đó doanh số giao dịch thanh toán quốc tế với Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đạt hơn 2,3 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng doanh số giao dịch với thị trường Trung Đông bởi quốc gia này không chỉ có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn hàng hoá với Việt Nam, mà còn là, trung gian thanh toán với thị trường các nước khác nhất là thị trường châu Phi (thị trường thứ ba, với các quốc gia ở châu Phi). Một số ngân hàng thương mại Việt Nam hoạt động tích cực tại thị trường này phải kể đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Viecombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang tiến hành trao đổi để thống nhất nội dung, tiến tới ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác chung với một số Ngân hàng Trung ương các nước Trung Đông. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, quá trình trao đổi bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung Ương Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bị gián đoạn và kéo dài, song Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đang tích cực liên hệ để hoàn thiện, có thể tiến hành ký kết trong thời điểm thích hợp trong thời gian tới.
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai tham vấn, xây dựng cơ chế họp ủy ban hỗn hợp, ủy ban liên chính phủ; tổ chức giao lưu trực tuyến với các quốc gia, đối tác khu vực để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể và tìm kiếm các cơ hội mới. Bên cạnh đó thường xuyên cử đại diện tham dự các kỳ họp, để nắm bắt thông tin, giải đáp các vướng mắc trong hợp tác ngân hàng, đồng thời sẵn sàng chia sẻ đầu mối liên hệ trong trường hợp cần thiết để xây dựng cơ chế trao đổi thông tin chính thức về Chính sách quản lý tiền tệ, ngoại hối; Cập nhật Danh sách các ngân hàng thương mại uy tín và Định kỳ tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc trong thanh toán quốc tế, trong hoạt động ngân hàng giữa hai bên để cùng trao đổi, thảo luận các biện pháp tháo gỡ. Về hoạt động thanh toán đối với các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông (ngoại trừ Iran đang chịu các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và EU) không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được thực hiện phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về triển vọng kinh tế trong thời gian tới, T.S Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, phục hồi kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tương đối nhanh trong đó có Việt Nam. Theo Quỹ tiền Tệ quốc tế (IMF), năm 2021, kinh tế thế giới phục hồi rất mạnh mẽ, có thể tới 6%. Thương mại – động lực quan trọng cho nền kinh tế phục hồi gần 9%. Tuy nhiên năm 2022 sẽ phục hồi chậm hơn vì khả năng ‘bật lò xo’ đã giảm.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng tích cực, tuy nhiên khu vực Trung Đông vẫn chưa xứng với tiềm năng hiện có và kỳ vọng sẽ tăng lên so với con số “khiêm tốn” vốn đăng ký 917 triệu USD hiện nay. Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng lớn lao động ở Trung Đông, đóng góp đáng kể vào lượng kiều hối. Dự báo năm nay và 2022, kiều hối tăng 5%. Việt Nam đang cải thiện quyết liệt môi trường đầu tư kinh doanh và được đánh giá là điểm sáng đầu tư ở Đông Nam Á.