Phát huy truyền thống yêu nước thương nòi
Văn hóa - Ngày đăng : 15:35, 01/09/2021
Tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc”
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính quyền cách mạng của ta lúc đó phải đối phó với muôn vàn khó khăn. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng kéo vào, theo chúng là bọn tay sai thuộc các tổ chức phản động, âm mưu cướp chính quyền mà nhân dân ta đã giành được. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ngoài ra, trên cả nước còn hơn 6 vạn quân Nhật đang chờ giải giáp. Bọn phản động trong nước ngóc đầu dậy, làm tay sai cho Pháp, chống phá cách mạng. Chính quyền cách mạng còn non trẻ; lực lượng vũ trang còn yếu. Nạn đói vẫn chưa khắc phục. Hàng hoá khan hiếm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Di sản văn hoá lạc hậu của chế độ cũ rất nặng nề, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội còn phổ biến. Ngân sách Nhà nước trống rỗng... Tình thế này đối với Nhà nước cách mạng non trẻ của ta và nền độc lập mới giành lại được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Để giải quyết tình thế khó khăn này, Đảng và Nhà nước ta đã dựa vào dân và khơi dậy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã đúc kết: “Kinh nghiệm trong nước và các nước chứng tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”(1).
Đông đảo các tầng lớp nhân dân nô nức ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội (tháng 9/1945) |
“Tuần lễ vàng” góp vào “Quỹ Độc lập”
Ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh số 04 thành lập “Quỹ Độc lập”. Sắc lệnh nêu rõ: “Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia” và “Mọi việc quyên tiền, đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính”.
Trong khuôn khổ “Quỹ Độc lập”, Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức “Tuần lễ vàng” từ ngày 17/9/1945 đến ngày 24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, nhất là tầng lớp thương nhân trong xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nói rõ về việc này. Người viết: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa “Tuần lễ vàng” là ở đó” (Báo Cứu quốc, số 45, ngày 17/9/1945).
Bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội) nhớ lại: “Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước khi Cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lượng vàng... Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất”. Kể cả đóng góp trong “Tuần lễ vàng”, tổng cộng vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ lâm thời 5.147 lượng vàng.
Ở Huế, vào ngày 17/9/1945, “Tuần lễ vàng” khai mạc tại phía Nam sông Hương. Cựu Hoàng hậu Nam Phương (vợ cựu Hoàng đế Bảo Đại) là người đầu tiên cởi toàn bộ trang sức kiềng vàng, bông tai, xuyến… đeo trên người ra quyên góp giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt của dân chúng. Với nghĩa cử cao đẹp và gương mẫu đi đầu đó, bà được mời làm chủ tọa “Tuần lễ vàng” tại Huế. Từ hành động của cựu Hoàng hậu Nam Phương mà làn sóng ủng hộ lan rộng ra khắp các tầng lớp dân chúng ở Huế. Chỉ trên dưới một tuần lễ, thành phố Huế đã thu được 945 lượng vàng.
Trong “Tuần lễ vàng”, các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá vàng khi đó là 400 đồng/lượng thì số tiền 20 triệu đồng tương đương 50.000 lượng (khoảng 1.923 kg). Như vậy, “Tuần lễ vàng” tổng cộng thu được 2.293 kg hoặc 59.618 lượng vàng.
Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc lập” tại “Tuần lễ vàng” là minh chứng cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Để từ đó, nền độc lập non trẻ của Nhà nước ta dần được giữ vững trước âm mưu phá hoại của giặc ngoại xâm.
Chống giặc đói
Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Người đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người cho rằng vấn đề cấp bách đầu tiên trong sáu “vấn đề cấp bách hơn cả” là “nhân dân đang đói”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất.
“Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”(2), Người nói.
Giữa tháng 9/1945, Chính phủ đã tổ chức một lễ phát động phong trào cứu đói. Buổi lễ này được tổ chức tại Nhà hát lớn (Hà Nội). Nhà tư sản dân tộc yêu nước Ngô Tử Hạ, chủ tịch buổi lễ, đã đọc lời kêu gọi toàn dân hãy nhường cơm sẻ áo, mỗi nhà bớt một chút gạo để cứu giúp những người đang đói. Đích thân cụ Ngô Tử Hạ kéo chiếc xe bò dẫn đầu đoàn người tham gia phong trào cứu đói qua phố Tràng Tiền (Hà Nội). Nhà nào cũng có người chờ sẵn bên hè phố, người thì bơ gạo, người thì đấu ngô, người thì góp tiền. Đi chưa hết một vòng thì xe gạo đã đầy. Về đến Nhà hát lớn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Ngô Tử Hạ báo với Người xem chiếc xe chở gạo lẫn lộn đủ các thứ: gạo đỏ, gạo trắng, gạo nếp, ngô... Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đã chỉ vào xe gạo nói rằng: “Đây mới là gạo đại đoàn kết. Nước ta có nhiều thứ gạo ngon nhưng bây giờ thì đây là thứ gạo ngon nhất”.
Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu quốc ngày 28/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(3).
Hưởng ứng kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên khắp cả nước, nhân dân ta lập “Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm”. Từ đó hàng vạn tấn gạo đã được nhân dân cả nước đóng góp, chia sẻ với đồng bào đang chịu thảm họa của nạn đói. Tiếp đó, Chính phủ còn áp dụng ngay một số biện pháp cụ thể như nghiêm trị những kẻ đầu cơ, tích trữ thóc gạo; cấm dùng gạo vào các công việc chưa thật sự cần thiết như nấu rượu, làm bánh; cấm xuất khẩu gạo, ngô, đậu; cử một ủy ban lo việc vận chuyển gạo từ miền Nam ra miền Bắc...
Ngày 2/11/1945, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội Cứu đói được tổ chức xuống tận các làng. Ngày 28/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thiết lập Ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế. Ngoài Bộ Cứu tế, một số bộ khác cũng có nhiệm vụ cứu tế và tiếp tế.
Trong tháng 10 và 11 năm 1945, Chính phủ ban hành nghị định giảm 20% thuế ruộng đất, miễn thuế hoàn toàn cho những vùng lụt. Bộ Quốc dân Kinh tế ra thông tri quy định việc kê khai số ruộng đất vắng chủ, số ruộng công và ruộng tư không làm hết, tạm cấp cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Bên cạnh đó, ngày 19/11/1945, Chính phủ thiết lập Ủy ban Trung ương phụ trách vấn đề sản xuất. Nhiều chính sách đã được triển khai đồng bộ lúc này như việc ra báo để hướng dẫn nhân dân sản xuất, cho nhân dân vay thóc, vay tiền để sản xuất, cử cán bộ thú y về nông thôn chăm sóc gia súc, gia cầm, chi ngân sách sửa chữa các quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới.
Trong bài viết Gửi nông gia Việt Nam in trên báo Tấc đất (12/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc tăng gia sản xuất: “Thực túc thì binh cường. Cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện tấc đất tấc vàng thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập”(4).
Trong 5 tháng, từ tháng 11/1945 đến tháng 5/1946, sản lượng lương thực, chủ yếu là hoa màu, đạt tương đương 506.000 tấn lúa, đủ bù đắp số lương thực thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Nạn đói cơ bản đã được giải quyết. Trong lễ kỷ niệm một năm độc lập, Quốc khánh diễn ra vào ngày 2/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ”.
Phát huy truyền thống yêu nước thương nòi
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã hoành hành trên nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế cũng như đời sống của người dân. Nước ta đang hứng chịu làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư. Phát huy truyền thống yêu nước thương nòi, hiện nay, nhân dân ta đang chung sức chung lòng với Đảng và Nhà nước để chống lại dịch bệnh COVID-19. Tổng cộng số tiền đã chuyển tới Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 tính đến ngày 16/8/2021 là 8.627 tỷ đồng. Bộ Tài chính kỳ vọng Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 sẽ tiếp nhận được 10.000-11.000 tỷ đồng, cùng với nguồn ngân sách nhà nước, để mua vắc xin tiêm cho toàn dân.
Những ngày tháng Tám này, khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận phía Nam trở thành điểm nóng của dịch bệnh Covid-19, lực lượng tình nguyện viên, các y bác sĩ từ nhiều tỉnh thành đã đến cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cũng tham gia ủng hộ nhiều loại vật tư, trang thiết bị y tế. Nhân dân cả nước cũng chung tay cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân Thành phố.
Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tương thân, tương ái, yêu nước thương nòi, hy vọng chúng ta cũng sẽ sớm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh để trở về trạng thái “bình thường mới”
CHÚ THÍCH:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 335
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập,tập 8, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000 tr. 1-3
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 31
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 7-8