Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Tin tức - Ngày đăng : 09:50, 02/09/2021
Quyết định quy định nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ làm việc, cơ chế điều hành, chế độ báo cáo và điều kiện đảm bảo hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Tổ công tác).
Về nguyên tắc và phương thức hoạt động của Tổ công tác, Quyết định nêu rõ: Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc quy định tại Điều 5 Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và Quy chế này.
Hoạt động của Tổ công tác được thực hiện thông qua cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Tổ công tác, thành viên Nhóm giúp việc. Ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Tổ công tác làm việc. Các thành viên Tổ công tác cử cán bộ đại diện thuộc cơ quan mình tham gia Nhóm giúp việc và làm đầu mối phối hợp với Nhóm giúp việc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác.
Quyết định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng Tổ công tác gồm: Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Tổ công tác; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác; quyết định việc bổ sung, thay đổi thành viên Tổ công tác; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ công tác; phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của Tổ công tác; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác; phân công nhiệm vụ cho Tổ phó thường trực, Tổ phó và các thành viên Tổ công tác...
Tổ phó thường trực Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo, điều hành chung các hoạt động của Tổ công tác; chủ động giải quyết các vấn đề được phân công; báo cáo Tổ trưởng quyết định hoặc xin ý kiến chỉ đạo đối với những vấn đề quan trọng, vượt thẩm quyền; thiết lập và công bố đường dây nóng, hòm thư điện thử, trang thông tin tiếp nhận phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19...
Nhiệm vụ của Tổ phó Tổ công tác là giúp Tổ trưởng chỉ đạo, điều hành các công việc của Tổ công tác trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành, cơ quan mình và theo kế hoạch, nhiệm vụ được Tổ trưởng Tổ công tác phân công hoặc ủy quyền; chủ động giải quyết các vấn đề được phân công, xin ý kiến chỉ đạo của Tổ trưởng đối với những vấn đề quan trọng, vượt thẩm quyền...
Thành viên Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Tổ trưởng Tổ công tác; nghiên cứu, đóng góp ý kiến chuyên môn, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong quá trình thực hiện hoạt động của Tổ công tác và chịu trách nhiệm về việc triển khai nhiệm vụ được phân công trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành, cơ quan mình; làm đầu mối phối hợp giữa Tổ công tác với bộ, cơ quan đã cử thành viên đó tham gia Tổ công tác...
Về chế độ họp, Quyết định nêu rõ, Tổ công tác tổ chức họp để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đánh giá kết quả hoạt động và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong triển khai các hoạt động của Tổ công tác.
Tùy theo tính chất, nội dung cuộc họp, Tổ trưởng Tổ công tác quyết định mời các thành viên Tổ công tác có liên quan và đại diện các cơ quan, hiệp hội, cá nhân khác tham dự cuộc họp của Tổ công tác. Trường hợp không tổ chức họp, thành viên Tổ công tác có ý kiến bằng văn bản về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Về chế độ thông tin, báo cáo: Định kỳ ngày 30 hằng tháng hoặc trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tổ công tác được đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao