Tác động kinh tế của việc tăng cường giãn cách xã hội tại TP. Hồ Chí Minh
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 11:13, 06/09/2021
Kể từ 0h ngày 23/8/2021, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng triệt để hơn tại TP. Hồ Chí Minh, theo đó, người dân thành phố được yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”, ít nhất cho đến hết ngày 6/9/2021. Do số ca tử vong do COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng tăng lên, đồng thời hơn 80% số ca nhiễm gần đây của Việt Nam được ghi nhận tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận kể từ cuối tháng 7/2021, việc thực hiện các biện pháp giãn cách quyết liệt hơn là thực sự cần thiết. Thành phố sẽ có thể từng bước tái mở cửa khi đáp ứng được các tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 với các nhóm chỉ số cụ thể và khách quan mà Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định kèm hướng dẫn gần đây.
Các hãng truyền thông quốc tế cũng đã đưa tin về việc TP. Hồ Chí Minh sẽ siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống COVID-19, bao gồm tạm thời đóng cửa các siêu thị và giao cho quân đội nhiệm vụ phân phối lương thực thực phẩm cho người dân thành phố trong suốt hai tuần giãn cách nghiêm ngặt. Vế thứ hai đã thu hút nhiều sự chú ý vì một số quốc gia khác cũng đã dùng quân đội hỗ trợ phòng chống dịch, tuy nhiên bên cạnh phân phối thực phẩm, lực lượng này còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, gồm cả việc quản lý 10 trạm xét nghiệm COVID-19 di động.
Tất cả 312 xã, phường tại TP. Hồ Chí Minh đều được phân thành các nhóm nguy cơ COVID-19 dựa trên các tiêu chí thực nghiệm, bao gồm số lượng và hiện trạng của các ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn. “Vùng đỏ” là vùng có mức nguy cơ rất cao, trong khi “vùng cam” được coi là có mức nguy cơ cao; các “vùng vàng” và “vùng xanh” có mức độ nguy cơ thấp hơn. Mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp giãn cách xã hội trong từng khu vực cụ thể cũng được thực hiện dựa trên mức độ nguy cơ của khu vực đó.
Không hoàn toàn đóng cửa TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận
Theo báo chí trong nước, có 3.000 siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh vẫn mở cửa và vài ngày qua, chúng tôi đã đến vài nơi để tận mắt nhìn thấy số lượng người tiêu dùng trực tiếp mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm cũng như việc mở rộng hoạt động giao hàng đến nhà dân.
Tất cả các cửa hàng này đã bổ sung hàng hóa sau đợt người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ để chuẩn bị cho những ngày “ở yên” bắt đầu từ thứ Hai (ngày 23/8/2021), nhiều hình ảnh kệ hàng siêu thị trống trơn vào thời điểm đó đã được đăng tải trên các bản tin.
Chúng tôi cũng đã được chứng kiến quy trình “lấy hàng và đóng gói” rất ấn tượng, làm liên tưởng đến quang cảnh tại một kho hàng Amazon, với hình ảnh các nhân viên siêu thị đang chất đầy các túi hàng để giao đến các hộ gia đình (điển hình là “COOP Mart”, một đơn vị bán lẻ sở hữu của Nhà nước có hoạt động giao hàng tận nhà rất hiệu quả). Chúng tôi cũng đi ngang một vài chợ rau ven đường và chứng kiến một dòng người giao hàng bằng xe máy lần lượt đến và rời khỏi những khu chợ nhỏ đó.
Đối với hoạt động sản xuất, nhiều nhà máy ở các khu công nghiệp ngoại ô TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục hoạt động dù công suất giảm. Chúng tôi đang theo dõi một số chỉ số phi chính thống về hoạt động công nghiệp tại các nhà máy sản xuất các sản phẩm có giá trị cao (áp dụng cách mà các quỹ đầu tư phòng hộ đã sử dụng dữ liệu phi chính thống, như hình ảnh vệ tinh về bãi đậu xe của Walmart). Theo quan sát, lượng xe buýt đưa đón nhân viên giữa các khách sạn ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh và các nhà máy nằm ở các khu công nghiệp của Việt Nam từ đầu tháng 7 và trong tuần áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đã không sụt giảm nhiều.
Các xe buýt được sử dụng để đưa đón công nhân, người lao động thường có biển báo trên cửa kính chắn gió cho biết “2 điểm đến” trên “1 cung đường” là địa chỉ công ty mà họ sẽ chở công nhân đến vào buổi sáng, như Panasonic, Sanyo và Samsung, cũng như khách sạn mà họ sẽ đưa công nhân về vào buổi chiều. Các chuyến xe này sẽ thả công nhân tại một số khách sạn ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh và chúng tôi cũng đã theo dõi tỷ lệ lấp đầy của một số khách sạn ở trung tâm kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trước tháng 7, những khách sạn này đều rơi vào cảnh vắng khách (có thể quan sát thấy mỗi ngày chỉ có 1-2 phòng có đèn bật sáng vào buổi tối). Đến đầu tháng 7, khi các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn được áp dụng ở TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn này đã tăng lên khoảng 20%, do các doanh nghiệp đã thuê phòng làm chỗ ở cho các quản lý cấp trung của mình (người phát ngôn của Intel cho biết công ty đang chi trả 6 triệu đô la mỗi tháng để lo chỗ ở cho nhân viên cũng như các biện pháp phòng, chống và khắc phục COVID-19 khác). Trong tuần gần đây, tỷ lệ lấp đầy của những khách sạn này đã tăng lên hơn 70%, rõ ràng là do tác động của việc tăng cường giãn cách xã hội ở TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận.
Tăng trưởng GDP chậm hơn trong năm 2021
Các công ty FDI được thảo luận ở trên, chủ yếu là các nhà sản xuất hàng điện tử, là những đơn vị có khả năng chi trả chỗ ở cho nhân viên tại các khách sạn và/hoặc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 khác.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất lại thấp hơn nhiều so với các công ty sản xuất điện tử tiêu dùng nên họ đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, việc xuất khẩu các sản phẩm này cũng đã giảm mạnh trong tháng 8/2021. Sự sụt giảm này sẽ tác động đến mức tăng trưởng GDP của Việt Nam, cũng giống như sự suy giảm trong di chuyển cá nhân ở TP. Hồ Chí Minh xuống mức thấp hơn nhiều so với đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên vào tháng 4/2020 đã ảnh hưởng đáng kể đến tiêu dùng trong nước.
Trước tác động kể trên của đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư, các dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đã được giảm từ khoảng 6% cách đây vài tuần xuống còn khoảng 4,5% hiện tại (Ngân hàng Thế giới 'World Bank' cũng đã hạ dự báo xuống 4,8% trong báo cáo mới nhất được công bố mới đây).
VinaCapital cũng đang điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Chúng tôi cũng cho rằng kỳ vọng tăng trưởng EPS 38% trong năm 2021 là khó khả thi. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ tăng mạnh trong năm tới, vì vậy chúng tôi muốn khuyến nghị các nhà đầu tư không nên quá tin tưởng vào chiến lược “chọn đúng thời điểm thị trường” và bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này hay cố gắng tính toán thời điểm quay trở lại thị trường.
Mục tiêu kiểm soát COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát được đợt bùng phát COVID-19 hiện tại ở TP. Hồ Chí Minh trước ngày 15/9/2021, có nghĩa là: 1) Giảm 20% số ca tử vong do COVID-19 hàng ngày, 2) Giảm 20% số bệnh nhân COVID-19 nội viện chuyển biến nguy kịch, 3) Số ca nhiễm mới cần nhập viện hàng ngày ít hơn số bệnh nhân được xuất viện trong ngày. Chính phủ hiện đang yêu cầu triển khai xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng và đặt mục tiêu 70% dân số của TP. Hồ Chí Minh từ 18 tuổi trở lên được tiêm liều vắc-xin đầu tiên trước ngày 15/9 (so với mức dưới 20% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vào cuối tháng 7). Chính phủ cũng ưu tiên tiêm chủng cho người dân ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, do tầm quan trọng về kinh tế của khu vực này (TP. Hồ Chí Minh, cùng với các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và Long An hiện đóng góp hơn 1/3 GDP cả nước). Một ghi nhận khác rằng, tỷ lệ dân số Việt Nam từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19 đã tăng từ dưới 5% vào cuối tháng 7 lên hơn 15% tính đến thời điểm hiện tại |
(*) Chuyên gia Kinh tế trưởng, VinaCapital