Chứng khoán tuần: Thị trường duy trì xu hướng tích lũy đi lên

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 11:21, 20/09/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chuyên gia chứng khoán nhận định tuần này thị trường chứng khoán tiếp tục tích lũy đi lên, các nhà đầu tư có thể tái cơ cấu danh mục chuyển hướng sang các ngành thực phẩm-đồ uống, bán lẻ và những ngành được hưởng lợi từ đầu tư công,

 

Tuần trước, thị trường có 3/5 phiên đóng cửa trong sắc xanh với độ rộng thị trường tích cực, 250 mã tăng và 131 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 7,33 điểm – tương đương 0,54%, đóng cửa ở mức 1.352,64 điểm. MSN, GAS và SAB là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho VN-Index, đóng góp lần lượt 5,14; 1,72 và 1,64 điểm. Ở chiều ngược lại, VIC, VCB và GVR là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi 4,17; 2,01 và 0,8 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 21.032,89 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng 4.234,94 tỷ đồng trên sàn HSX.

Tương tự, trên sàn HNX, sau khi tăng điểm trong 3/5 phiên giao dịch, với 212 mã tăng và 82 mã giảm, chỉ số Hnx-Index tiếp tục kết thúc tuần giao dịch trong sắc xanh, đóng cửa tại mức 357,97 điểm, tăng 7,92 điểm, tương đương 2,26%. THD, SHB và PVS là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của chỉ số, đóng góp 2,09; 1,23 và 0,97 điểm. Trong khi đó, NVB, SHS và MBS là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên Hnx-Index, lấy đi 2,83; 0,18 và 0,1 điểm. Giá trị giao dịch đạt 3.539,76 tỷ đồng/phiên. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 147,42 tỷ đồng trên sàn HNX.

Về giao dịch trong tuần này, Công ty chứng khoán Bảo Việt BVSC đánh giá thị trường dự báo sẽ diễn biến theo hướng giằng co, vừa tăng vừa tích lũy với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. VN-Index dự kiến sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.355-1.358 điểm trong những phiên đầu tuần tới. Đây vẫn là vùng cản có thể tạo ra áp lực rung lắc, điều chỉnh cho thị trường khi tiếp cận. Sau sự kiện đáo hạn hợp đồng tương lai và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến thông tin kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III. Với tình hình giãn cách trong phần lớn thời gian của quý III, triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ không tích cực. Đây sẽ là yếu tố có thể tạo áp lực đáng kể đến xu thế đi lên hiện tại của thị trường. Nhà đầu tư có thể duy trì tỷ trọng danh mục ở mức trung bình 35-45% cổ phiếu. Các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng các nhịp tăng điểm của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn, đặc biệt là từ vùng 1.355-1.358 điểm trở đi.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT, vào tuần trước chỉ số VN-Index đã có một tuần giao dịch ít biến động với biên độ hẹp, dao động trong khoảng từ 1.339,70 – 1.352,64 điểm, với 2 phiên giảm đầu tuần, 3 phiên tăng cuối tuần và đóng cửa tại 1.352,64 điểm (tăng nhẹ 0,54% so với phiên giao dịch cuối tuần trước). Trong khi đó, chỉ số Hnx-Index và Upcom-Index ghi nhận mức tăng ấn tượng, lần lượt là 2,3% và 2,1% so với mức đóng cửa tuần trước.

Các ngành tăng nổi bật là thực phẩm (6,67%), bán lẻ (4,03%), dệt may (4,07%). Cụ thể, các cổ phiếu đầu ngành bán lẻ tăng mạnh, bao gồm VRE (4,29%), MWG (3,45%), FRT(15,06%), sau khi một số địa phương đã nới lỏng quy định về giãn cách xã hội. Ngành thực phẩm chứng kiến sự tăng mạnh của MSN (12,3%), DBC (4,35%). Ngoài ra, ngành dệt may chứng kiến sự bứt phá của một số cổ phiếu như MSH (6,17%), GIL (10,12%) bất chấp tình hình dịch bệnh kéo dài gây khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu của ngành này.

Trong diễn biến ngược lại, ngành chứng khoán, ngân hàng, bất động sản có mức giảm lần lượt là 2,06%, 1,2% và 1,27%. Cụ thể, các cổ phiếu lớn thuộc ngành chứng khoán như SSI, HCM ghi nhận mức giảm lần lượt là 1,83% và 2,72 so với mức đóng cửa tuần trước đó. Trong khi đó, ngành ngân hàng tuy giảm nhưng lại có sự phân hóa khá mạnh giữa các cổ phiếu, với một số mã giảm như VCB (2,02%), MBB (1,24%), trong khi một số cổ phiếu khác lại tăng khá ấn tượng như TPB (9,09%) và VPB (3,72%). Ngành bất động sản chứng kiến sự sụt giảm chính đến từ nhóm bất động sản khu công nghiệp như PHR (4,44%), SZC (3,28%).

Thanh khoản có sự sụt giảm nhẹ 3,31% so với tuần trước với giá trị trung bình phiên trên 3 sàn là 27.026 tỷ đồng. Cụ thể, thanh khoản 3 phiên giữa tuần ở mức khoảng 24.000 tỷ đồng, nhưng đã có sự hồi phục tại phiên cuối tuần với giá trị giao dịch là 32.610 tỷ đồng. Trong tuần này, khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn HOSE đạt 4.205,8 tỷ đồng (tăng 45,8% so với tuần trước). Tuy nhiên đã mua ròng trở lại trên sàn HNX đạt 737,1 tỷ đồng và tiếp tục mua ròng trên sàn Upcom đạt 147,1 tỷ đồng (tăng 90,85%) so với tuần trước.

Về thị trường tuần này, ông Đinh Quang Hinh cho rằng tuần trước thị trường đã chứng kiến một tuần giao dịch giằng co và chỉ thực sự bứt phá thành công khỏi mốc kháng cự 1.350 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần nhờ một số thông tin tích cực về nới lỏng giãn cách xã hội và số ca mắc COVID-19 mới có dấu hiệu giảm nhẹ. Sang tuần tới, thị trường sẽ duy trì xu hướng tích lũy đi lên và hướng tới mốc kháng cự 1.370 điểm. Nhà đầu tư có thể chủ động tái cơ cấu danh mục, ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu trong những ngành có triển vọng phục hồi mạnh sau nới lỏng giãn cách xã hội như thực phẩm-đồ uống, bán lẻ và những ngành được hưởng lợi từ đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng như ngành vật liệu xây dựng (sắt, thép, đá xây dựng, xi măng), bất động sản nhà ở và nhóm hưởng lợi từ triển vọng xuất khẩu phục hồi như cảng biển, logistic, bất động sản khu công nghiệp.

 

 

Bùi Trang