MBKE: Thông tư 14/2021/TT-NHNN là động thái hợp lý và rất được mong đợi

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 11:24, 20/09/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời hạn cơ cấu nợ để hỗ trợ nền kinh tế trước những bất ổn của tình hình COVID-19 là động thái hợp lý nhằm hỗ trợ các cá nhân/doanh nghiệp vay vốn trong nước gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Điều này tạo điều kiện cho cả ngân hàng lẫn người đi vay quản lý/giải quyết các tác động trung hạn bởi đại dịch.

 Hình minh họa - Nguồn: Internet

Nhận định trên vừa được Bộ phận Phân tích của Công Ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) đưa ra báo cáo với tựa đề "Ngành Ngân hàng: NHNN kéo dài thời hạn cơ cấu nợ để hỗ trợ nền kinh tế trước những bất ổn của tình hình COVID-19" vừa được công bố.  

Báo cáo viết, NHNN Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 quy định việc tổ chức tín dụng,chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Thông tư 14. Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 7/9/2021.

Theo quy định của Thông tư 14, các NHTM có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 – 30/6/2022 đối với các khoản nợ bị tác động bởi COVID-19 lên đến 12 tháng mà không cần thay đổi nhóm nợ cho các khoản nợ này. Các NHTM phải tiến hành thẩm định để xác định các khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch (như các doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm do COVID-19); Áp dụng cho các khoản nợ giải ngân trước ngày 1/8/2021 (Thông tư trước đó chỉ áp dụng cho các khoản nợ giải ngân trước ngày 10/6/2020) do tác động của làn sóng COVID-19 thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay.

Thông tư 14 không có những thay đổi về yêu cầu trích lập dự phòng. Như vậy, với các khoản nợ tái cơ cấu mà trước đó thuộc nợ nhóm 2-3-4, ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này theo lộ trình 3 năm, trong đó: trích lập dự phòng tối thiểu 30% vào cuối năm 2021, tối thiểu 60% vào cuối năm 2022 và 100% vào cuối năm 2023.

Với các điểm nhấn trên, các chuyên gia của MBKE đánh giá: "Đây là động thái hợp lý và rất được mong đợi từ Ngân hàng Trung ương nhằm hỗ trợ các cá nhân/doanh nghiệp vay vốn trong nước trước những bất ổn của tình hình COVID-19. Điều này tạo điều kiện cho cả ngân hàng lẫn người đi vay quản lý/ giải quyết các tác động trung hạn bởi đại dịch".

Đối với các ngân hàng nói riêng, Thông tư 14 cho phép ngân hàng quản lý gánh nặng trích lập dự phòng, bởi ngân hàng có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà không cần thay đổi nhóm nợ đối với các khoản vay này, đồng thời ngân hàng có thể dàn trải dự phòng cho các khoản vay nhóm 2-4 (nhóm dư nợ cần chú ý) trên 3 năm.

Xét đến nền tảng nợ xấu thấp của các ngân hàng Việt Nam hiện tại và bộ đệm dự phòng rủi ro hiện đã cao hơn nhờ sự hỗ trợ bởi quy định giãn nợ này, các chuyên gia của MBKE duy trì quan điểm rằng: "sẽ không có cú sốc về tỉ lệ trích lập dự phòng/phí suất tín dụng đối với các ngân hàng trong nửa sau 2021. Điều này sẽ giúp các ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021".

Với việc duy trì tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro khá ổn định trong giai đoạn năm 2020 và nửa đầu năm 2021 để gia tăng dự phòng bao nợ xấu. Các chuyên gia của MBKE nhận định: "các ngân hàng Việt Nam hiện đã có tiềm lực tốt hơn để chống chọi các cú sốc về nợ xấu trong trung hạn".

T.H