Mong muốn thiếu nhi lớn lên trong hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 15:24, 20/09/2021
Dịp Tết Trung thu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” (21/9/1941) gửi đến các cháu thiếu nhi. Người viết: “Bao giờ đuổi hết Nhật Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.
Nhân dịp Tết Trung thu năm 1945, trên Báo Cứu quốc, số 45, ngày 17/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Tết Trung thu với nền độc lập. Trong bức thư, Người viết: “Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ em. Trung thu năm nay nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi tại Việt Bắc vào năm 1950. Ảnh: Tư liêụ |
Chiều ngày 21/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại Bắc Bộ Phủ để vui Tết Trung thu độc lập với các cháu thiếu nhi. Trước khi các thiếu nhi phá cỗ, Người đã trò chuyện với các em: “Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do” (Báo Cứu quốc, số 49, ngày 22/9/1945).
Dịp Tết Trung thu năm 1947, trên Báo Cứu quốc, số 713, ngày 27/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi các cháu nhi đồng cả nước: “Từ ngày nước ta được độc lập, các cháu được ǎn Tết Trung thu vui vẻ. Nǎm nay vì thực dân hung ác, muốn cướp nước ta, chúng ta phải ra sức kháng chiến để giữ lấy Tổ quốc, để các cháu khỏi phải làm nô lệ… Bác hứa với các cháu: Các bác, các chú, toàn cả đồng bào, sẽ ra sức tranh đấu, để sớm đuổi bọn thực dân phản động, để trường kỳ kháng chiến sớm thắng lợi, thống nhất độc lập sớm thành công, để các cháu được ǎn Tết Trung thu vui vẻ như nǎm kia, nǎm ngoái”.
Ngày 9/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời các cháu thiếu nhi Thủ đô Hà Nội đến tham quan Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu |
Dịp Tết Trung thu năm 1948, trên Báo Cứu quốc, số 1042, ngày 16/9/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi các cháu nhi đồng nhân Tết Trung thu: “Mặc dầu giặc Tây độc ác, chúng quyết không thể ngǎn trở trǎng thu vừa đẹp vừa tròn. Mặc dầu giặc Tây hung tàn, chúng quyết không thể ngǎn trở các cháu vui tươi và hǎng hái… Đến ngày kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công, Bác cháu ta sẽ cùng nhau ǎn những tết Trung thu tưng bừng vui vẻ”.
Dịp Tết Trung thu năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi các cháu nhi đồng nhân Tết Trung thu trên Báo Cứu quốc, số 1374, ngày 18/10/1949 rằng: “Lần này là Trung thu kháng chiến thứ ba của các cháu. Vì chúng ta kháng chiến đã ba nǎm, thức gì cũng hơi thiếu thốn hơn trước, cho nên có lẽ Trung thu này các cháu cũng ít bánh quà hơn nǎm ngoái”. Nhưng, theo Người: “nǎm nay các cháu tiến bộ hơn nǎm ngoái, về mặt thi đua học hành cũng vậy, về mặt tham gia kháng chiến cũng vậy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Tiệp Khắc trong chuyến thăm năm 1957. Ảnh: Tư liệu |
Dịp Tết Trung thu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi nhi đồng toàn quốc dịp tết Trung thu trên Báo Sự thật, số 143, ngày 2/10/1950 rằng: “Bác chắc rằng: bất kỳ ở đâu, tinh thần các cháu cũng đều hǎng hái vui vẻ… Vì các cháu đều chắc rằng kháng chiến nhất định thắng lợi, và đến ngày kháng chiến thắng lợi, thì Bác cháu ta sẽ cùng nhau ǎn những cái Tết Trung thu rất vui vẻ, sung sướng tưng bừng”.
Dịp Tết Trung thu năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng trên Báo Cứu quốc, số 1904, ngày 12/9/1951 rằng: “Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới. Các cháu đoàn kết thì thế giới hoà bình và dân chủ, sẽ không có chiến tranh. Các cháu phải thi đua, tuỳ theo sức của các cháu làm được việc gì có ích cho kháng chiến thì thi đua làm việc ấy. Các cháu biết ghét, biết yêu, biết gắng, các cháu đoàn kết và thi đua như thế thì kháng chiến sẽ chóng thắng lợi, kháng chiến thắng lợi thì Trung thu sẽ vui vẻ hơn”.
Trong dịp Tết Trung thu năm 1952, trên Báo Nhân dân, số 75, ngày 25/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng ở vùng tự do, vùng du kích, vùng tạm bị chiếm và ở ngoài nước: “Mỗi năm, đến Tết Trung Thu, Bác càng nhớ các cháu. Trung thu trăng trong gió mát là cảnh thái bình. Mục đích của Bác và Đoàn thể cùng Chính phủ là cốt xây dựng cho các cháu đời sống thái bình, tự do, sung sướng”.
Dịp Tết Trung thu năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn khởi gửi thư kể tin chiến thắng, chia vui với các cháu thiếu nhi bằng một bài thơ: “9 Tết Trung Thu/ 8 năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thơ chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những Thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần/ Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/ Thu sau so với Thu này vui hơn”.
Dịp Tết Trung thu năm 1954, trên Báo Nhân dân, số 224, từ ngày 11 đến 12/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi nhi đồng nhân dịp Trung thu: “Trung thu này là Trung thu hòa bình đầu tiên, sau 8, 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu”.
Dịp Tết Trung thu năm 1957, trên Báo Nhân dân, số 1278, ngày 8/9/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi các cháu nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu: “Nhân dịp Tết Trung thu, Bác chúc các cháu đoàn kết, ngoan ngoãn, vui vẻ, mạnh khoẻ”.
Trước đó, tháng 7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam thăm hữu nghị Tiệp Khắc. Ngày 18/7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm làng Lidice, cách Thủ đô Praha 16km, nơi bị phát xít Đức triệt hạ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Có 82 thiếu nhi của làng bị đưa vào trại tập trung ở Ba Lan và sau đó bị đầu độc bằng hơi ngạt. Tại nơi đây, Người đã nói: “Chúng ta quyết phấn đấu để cho trên thế giới không bao giờ có những cảnh thảm sát như ở Lidice nữa, để con cháu chúng ta không bao giờ phải nếm mùi khủng khiếp của chiến tranh, để con cháu chúng ta lớn lên sung sướng trong hòa bình”.
Dịp Tết Trung thu năm 1960, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài “Nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng” đăng trên báo Nhân dân số 2391, ngày 5/10/1960. Người viết: “Nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng sǎn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.