Việt Nam mở rộng đối ngoại, phát triển đất nước

Văn hóa - Ngày đăng : 16:59, 23/09/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” .

Khi trả lời nhà báo Ấn Độ vào tháng 5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”[1] và “Chính sách đối ngoại là thân thiện với tất cả các láng giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Miên, Ai Lao,... mà không thù gì với nước nào”[2].

Trả lời nhà báo Mỹ S. Elie Massie, hãng International News Service, vào tháng 9/1949 về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chủ trương “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[3].

Năm 1966, đồng chí Raul Castro (người mặc quân phục), em trai đồng chí Fidel Castro, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cuba đã sang thăm Việt Nam và có cuộc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu lịch sử.

Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”[4].

Ngày 23/6/1955, trong lời phát biểu khi thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hoà bình toàn thế giới”[5].

Ngày 12/1/1967, khi tiếp đoàn nhà báo Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”[6].

Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2/12/1960 và Chủ tịch Cuba từng nhận định: “Quan hệ Việt Nam - Cuba là mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế”.

Hiện nay, về đối ngoại của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng đã xác định rõ chủ trương quan hệ đối ngoại của Đảng ta là: “Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. Hiện nay, Đảng ta đã có quan hệ ở các mức độ khác nhau với trên 200 đảng ở 115 nước khắp các châu lục; trong đó có trên 100 Đảng Cộng sản và công nhân.

Về ngoại giao nhà nước, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và tạo lập khuôn khổ quan hệ ổn định với 30 đối tác chiến lược, toàn diện. Nước ta cũng đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về đối ngoại nhân dân, hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thêm bạn bớt thù, đoàn kết vì lợi ích chân chính của nhân dân ta và nhân dân thế giới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng với các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân của cả nước đã có những đóng góp to lớn trong việc huy động nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phá bao vây, cấm vận và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố hoà bình, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao. Bởi vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”[7].

Chú thích:


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 163

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 199

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 256

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 311

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 12

[6] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, “Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử”, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 11-12

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 162

Nguyễn Văn Toàn