Campuchia - Lào - Việt Nam kêu gọi các nước phát triển ủng hộ việc miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19
Tin tức - Ngày đăng : 10:18, 24/09/2021
Hội nghị do Campuchia chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến |
Hội nghị do Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông Quốc hội Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến, với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì sự phát triển bền vững và ứng phó với khủng hoảng COVID-19 ở khu vực Tam giác Phát triển”.
Hội nghị Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 8 với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì phát triển bền vững và ứng phó với khủng khoảng COVID-19 ở Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam” nhằm hiện thực hóa các lợi ích chung cũng như ứng phó với khủng hoảng COVID-19 vì sự thịnh vượng và đoàn kết của Nhân dân Khu vực Tam giác Phát triển để thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết lâu dài giữa ba nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để cho ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông của Quốc hội Campuchia Chheang Vun nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đời sống xã hội của nhân dân trên toàn thế giới. Để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, Campuchia đang đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho người dân nhằm tạo sự miễn dịch trong cộng đồng. Campuchia khẳng định không sử dụng một loại vắc-xin duy nhất của nước nào hay có phân biệt đối xử giữa vắc-xin của nước này với nước khác.
Campuchia mong muốn nhận được sự hỗ trợ về vắc-xin cũng như chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất vắc-xin phòng chống dịch bệnh COVID-19 từ tất cả các nước trên thế giới để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Song hành với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Campuchia cũng đang có nhiều hoạt động nhằm phục hồi ngành du lịch, đảm bảo an sinh xã hội, tạo công việc ổn định cho người lao động...
Đề cập công tác giám sát của Ủy ban Đối ngoại về việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển và triển khai các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 của Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ cho biết: Ngay khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện vào năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và những người có thu nhập thấp để vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Quốc hội Việt Nam đã cho ý kiến vào Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế, chính sách xã hội hóa mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất trong nước và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và trình Quốc hội Luật Dự phòng và nâng cao sức khỏe nhân dân để hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực y tế dự phòng.
Tháng 5/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc sử dụng sử dụng ngân sách nhà nước để mua vắc- xin phòng COVID-19. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời cho phép trong trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật mà ngoài thời gian kỳ họp Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn...
Về hợp tác ứng phó COVID-19, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ cho biết, ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam kêu gọi các quốc gia có ưu thế sản xuất vắc-xin, có cơ chế chia sẻ vắc-xin, tăng cường hỗ trợ để nhân dân, trong đó có Khu vực Tam giác phát triển được tiếp cận công bằng, kịp thời vắc-xin và các trang thiết bị y tế hiện đại với chi phí hợp lý; Kêu gọi các nước phát triển ủng hộ việc miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19 để vắc-xin sớm được phổ biến rộng rãi đến tất cả các nước trên thế giới. Ba Quốc hội có các hình thức trao đổi trực tuyến/trực tiếp về kinh nghiệm xây dựng pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các Chính phủ triển khai các hoạt động ứng phó đại dịch COVID-19 và tái phục hồi kinh tế.
Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ cho biết, Quốc hội Việt Nam đã thông qua và đánh giá cao nỗ lực của các Chính phủ trong việc đàm phán, ký kết các văn bản bản pháp lý về biên giới giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia. Quốc hội Việt Nam mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Lào, Quốc hội Campuchia đôn đốc, giám sát việc hợp tác giữa các Chính phủ trong việc xây dựng, quản lý đường biên giới hữu nghị, hòa bình và phát triển tại Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Tại Hội nghị, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương cùng Ủy ban Đối ngoại ba nước đã trao đổi thẳng thắn, thảo luận sôi nổi, phân tích sâu sắc về những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển, đề ra các kiến nghị và đề xuất các pháp hợp tác vì sự phát triển bền vững của Khu vực Tam giác phát triển thời gian tới, các biện pháp ứng phó với khủng hoảng COVID-19, vì sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người dân, vì lợi ích phát triển bền vững của khu vực. Các nước đánh giá cao những sáng kiến, giải pháp được đưa ra tại Hội nghị về hoàn thiện thể chế và các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ ba nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác cho Khu vực Tam giác phát triển; các giải pháp đưa quan hệ ba nước, ba Quốc hội đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Trong phiên Bế mạc hội nghị, ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam đã thông qua và ký Tuyên bố chung Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam về khu vực Tam giác phát triển. Ngoài ra, các nước cũng thống nhất và bàn giao nhiệm vụ tổ chức Hội nghị lần thứ 9 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về Khu vực Tam giác phát triển diễn ra vào năm 2022 sẽ do Quốc hội CHDCND Lào đăng cai tổ chức.