Vào VN30, liệu GVR có trở thành trụ mới của sàn Hose?
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:14, 27/09/2021
|
Thành công sau cổ phần hóa
Trước đó, Tập đoàn Cao su vừa tổ chức Đại hội đồng thường niên vào ngày 25/6 và thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2021 là 26.914 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công hợp nhất 4.564 tỷ đồng.
Hiện, Tập đoàn chưa công bố tài liệu Đại hội, Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường không đề cập đến các nội dung cuộc họp. Do đó, cổ đông chưa nắm được các nội dung sẽ được thảo luận và thông qua tại cuộc họp tới đây.
Được biết, Tập đoàn Cao su là tập đoàn kinh tế nông nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, hoạt động ở 5 lĩnh vực chính: trồng, khai thác chế biến mủ cao su; chế biến gỗ; sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh khu công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sau cổ phần hóa, Tập đoàn có nhiều thành công, trở thành đầu tàu kinh tế của quốc gia, làm nòng cốt thúc đẩy ngành cao su Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế.
Cụ thể, sau khi IPO năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của GVR đã có mức tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu năm 2018 là 14.090 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 19.824 tỷ đồng, năm 2020 đạt 21.140 tỷ đồng (gấp rưỡi năm 2018). Lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 2.544 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 3.833 tỷ đồng, năm 2020 đạt 5.076 tỷ đồng (vượt 26% kế hoạch và gấp đôi so với 2018). Đã 3 năm liền Tập đoàn hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông đề ra.
Nửa đầu năm 2021, Tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất 10.550 tỷ đồng (tăng 79,6% so với nửa đầu năm 2020), lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.282 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn cho biết nguyên nhân chủ yếu lợi nhuận tăng mạnh là do giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, ổn định; doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng; giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng. Nếu cứ tiếp tục giữ đà tăng trưởng như vừa qua thì lợi nhuận năm 2021 sẽ vượt xa kế hoạch mà Đại hội đã đặt ra.
Đáng chú ý, GVR hiện đã chính thức tham gia vào danh mục VN30. Với vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng và mức vốn hóa xấp xỉ 150.000 tỷ đồng, Tập đoàn Cao su nằm trong số những DN có mức vốn hóa lớn nhất sàn Hose. Biến động giá của cổ phiếu GVR có ảnh hưởng khá lớn đến VN-Index. Hiện giá cổ phiếu GVR ở vào ngưỡng 38.000 đồng/cổ phiếu.
Kế hoạch tham vọng
Tại ĐHCĐ thường niên 2021, Tập đoàn Cao su công bố Báo cáo dự kiến kế hoạch 2021-2025 với nhiều mục tiêu tham vọng. Theo đó GVR định hướng tầm nhìn đến năm 2035 trở thành DN sản xuất cao su tự nhiên thuộc nhóm đầu thế giới. Tiếp tục duy trì là đơn vị đứng đầu về cung cấp nguồn gỗ cao su nguyên liệu, gỗ MDF cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Khai thác hiệu quả quỹ đất đủ điều kiện để phát triển các Khu CN và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu là DN đứng đầu cả nước trong lĩnh vực phát triển KCN
Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm khả năng cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao su trong nước, nguyên liệu gỗ cao su và gỗ MDF cho ngành chế biến gỗ. Duy trì diện tích cây cao su đến năm 2025 khoảng 300.000-320.000 ha (trong nước 185.000 -200.000ha, nước ngoài khoảng 115.000ha), diện tích cao su khai thác duy trì ổn định từ 250.000-260.000 ha, bảo đảm sản lượng khai thác trên 400.000 tấn/năm (tăng 30% so với hiện nay).
Tập đoàn hiện nắm trong tay 402.650 hecta cao su tại 3 nước Đông Dương, trong đó diện tích ở ViệtNam là 288.000ha, mỗi năm sản xuất 320.000 tấn cao su chiếm 30% sản lượng cả nước. Sản phẩm cao su của GVR chủ yếu gồm 3 loại: cao su định chuẩn kỹ thuật, cao su ly tâm và cao su tờ, xuất khẩu tới gần 70 quốc gia, với nhiều khách hàng lớn như Goodyear, Bridgestone, Michelin, Yokohama, Kumho, Sailun… GVR đặt mục tiêu đến năm 2025 tổng sản lượng chế biến và tiêu thụ toàn Tập đoàn đạt khoảng 500.000 tấn/năm.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh các năm qua, trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 11 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 20% so với 2018). Bất chấp dịch COVID-19, năm 2020 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,6 tỷ USD, gấp rưỡi kim ngạch xuất khẩu thủy sản (8,4 tỷUSD), gấp 4 lần kim ngạch XK gạo (3,1 tỷUSD) và 4,5 lần cà phê (2,7 tỷUSD). Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD. Các năm gần đây công nghệ chế biến có nhiều tiến bộ nên gỗ cao su trở thành nguyên liệu quý để đóng đồ nội thất. Do xu hướng bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, các nước trên thế giới từng bước hạn chế khai thác rừng khiến cho giá gỗ ngày càng tăng.
Hiện Tập đoàn Cao su có 150.000 ha cao su có phương án quản lý rừng bền vững và 56.500 ha đã đạt VFSC - đứng đầu toàn quốc về diện tích đạt chứng chỉ rừng bền vững quốc gia. Tập đoàn đặt mục tiêu hết năm 2022 thực hiện phương án quản lý rừng bền vững trên toàn bộ diện tích 288.000 ha tại Việt Nam và diện tích có chứng chỉ VFSC đạt 150.000ha. Nhiều nước Mỹ, EU, Nhật… quy định sản phẩm gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ rừng bền vững FSC nên gỗ cao su ngày càng trở nên đắt giá. Mặc dù có thế mạnh vượt trội về nguồn nguyên liệu, nhưng hiện doanh thu và lợi nhuận mảng gỗ của Tập đoàn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, giới chuyên gia đánh giá dư địa tăng trưởng mảng này của Tập đoàn còn rất lớn. Năm 2021 GVR dự kiến tăng sản lượng chế biến gỗ cao su, tăng lượng gỗ ghép tấm để gia tăng giá trị xuất khẩu, giảm tỷ lệ phế phẩm, tăng các loại ván có giá trị cao như ván phủ Melamin, Vener…
Ngoài ra, Tập đoàn đặt mục tiêu khai thác có hiệu quả và đầu tư mở rộng các Khu công nghiệp đã có, đầu tư mới các Khu công nghiệp theo quy hoạch. Đặc biệt xin thành lập các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ - tái định cư… với quy mô đất thương phẩm từ 10.000- 15.000 ha, trong đó giai đoạn đến 2025 trung bình mỗi năm cho thuê khoảng 600-1.000ha, tổng diện tích cho thuê cả chu kỳ khoảng 3.000-5.000 ha, tương đương quy mô đã phát triển trong hơn 10 năm qua. Nhìn chung, phát triển dự án khu công nghiệp trên đất cao su có nhiều ưu điểm so với phát triển trên đất lúa như tiết kiệm thời gian đền bù giải phóng mặt bằng, giá thành hạ tầng thấp hơn... Quỹ đất lớn ở những vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông là lợi thế lớn để Tập đoàn phát triển mảng kinh doanh này trong tương lai.
Để hoàn thành kế hoạch đòi hỏi Tập đoàn phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện năng lực quản trị, tối ưu hóa chi phí. Mặc dù quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản trị đang từng bước giúp Tập đoàn cải thiện hiệu quả kinh doanh nhưng Tập đoàn cũng đứng trước nhiều thách thức như thực hiện tốt công tác quản lý giá thành, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường giám sát, chỉ đạo việc thực hiện đấu thầu qua mạng khi mua sắm vật tư, hàng hóa; nâng cao năng suất mủ, tinh giản bộ máy, tăng năng suất lao động.