WB gợi ý giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19

Kết nối - Ngày đăng : 17:17, 28/09/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Tăng cường tiêm vắc xin, hỗ trợ tài chính vĩ mô và cải cách chính sách thu hút FDI là những giải pháp ưu tiên mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra như một gợi ý cho các quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Ngày 28/9, Ngân hàng Thế giới (WB) họp báo trực tuyến công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương tháng 10/2021, đánh giá triển vọng kinh tế khu vực và các tác động vĩ mô, vi mô của dịch COVID-19 kéo dài.

Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (ĐÁ-TBD) đang phải gánh chịu tác động nặng nề của đại dịch, trái ngược với một năm trước đó. Trong năm 2020, nhiều quốc gia trong khu vực đã kiểm soát thành công dịch COVID-19 và các hoạt động kinh tế được khôi phục, trong khi các quốc gia công nghiệp phát triển phải vật lộn với dịch bệnh và suy giảm kinh tế.

Đến năm 2021, khu vực này lại bị dịch bệnh tấn công trong khi các quốc gia công nghiệp phát triển đang trên lộ trình phục hồi. Dịch bệnh tàn phá nền kinh tế một cách lâu dài và có khả năng cao sẽ còn ở lại. Trước mắt, đại dịch dai dẳng sẽ khiến căng thẳng về con người và kinh tế kéo dài, trừ khi các cá nhân và doanh nghiệp có thể thích ứng. Trong dài hạn, COVID-19 sẽ làm giảm tăng trưởng và gia tăng bất bình đẳng, trừ khi các vết sẹo được chữa lành và cơ hội được nắm bắt. Hành động chính sách cần phải giúp các tác nhân kinh tế điều chỉnh trong thời gian trước mắt, và đưa ra những lựa chọn có thể giúp ngăn ngừa đà giảm tốc và sự chênh lệch giàu nghèo trong tương lai.

COVID-19 ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương

Theo WB, sự phục hồi vốn chưa đồng đều của khu vực ĐÁ-TBD nay lại đang gặp phải một trở ngại lớn. Mặc dù Trung Quốc được dự báo tăng trưởng với tốc độ 8,5% đúng như dự kiến, nhưng các quốc gia còn lại trong khu vực có khả năng cao sẽ tăng trưởng chậm hơn – với tốc độ 2,5% thay vì 4,4%. Trong khi sản lượng của Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam đã vượt mức trước đại dịch, nhưng sản lượng của Campuchia, Malaysia và Mông Cổ chỉ có thể phục hồi hoàn toàn và vượt mức trước đại dịch vào năm 2022, còn sản lượng của Myanmar, Phillippines, Thái Lan và nhiều quốc đảo Thái Bình Dương vẫn thấp hơn các các mức sản lượng trước đại dịch thậm chí trong năm 2023.

WB nhận định số lượng việc làm đã giảm và đói nghèo sẽ còn dai dẳng và bất bình đẳng đang gia tăng ở một số góc độ. Tỷ lệ lao động có việc làm trong khu vực giảm bình quân khoảng 2 điểm phần trăm trong giai đoạn 2019-2020. “Có đến 18 triệu người sẽ không có khả năng thoát nghèo trong năm 2021 ở các quốc gia đang phát triển thuộc khu vực ĐÁ-TBD vì COVID-19”, WB cảnh báo.

WB cho rằng các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát COVID-19 đang ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng. Xét nghiệm - truy vết - cách ly, các biện pháp mà các nước trong khu vực đã từng áp dụng thành công, đến nay không còn hiệu quả đối với biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao. Tiêm vắc-xin, một biện pháp có thể đã giúp giảm tỷ lệ tử vong và lây nhiễm, triển khai còn chậm. Chính vì vậy, chính phủ các quốc gia buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch bệnh, nhất là khi phần lớn dân số vẫn có nguy cơ với dịch bệnh. Những quốc gia có độ phủ vắc-xin tăng thêm 10%, thì tốc độ tăng trưởng GDP theo quý ước tính tăng thêm trung bình khoảng một nửa điểm phần trăm.

Cải cách chính sách thu hút FDI cũng có thể đẩy mạnh tăng trưởng

Theo bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, quá trình phục hồi kinh tế ở các quốc gia đang phát triển khu vực ĐÁ-TBD đang bị đảo ngược. “Mặc dù khu vực đã kiềm chế COVID-19 thành công trong năm 2020 trong khi các khu vực khác trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt trong năm nay làm giảm viễn cảnh tăng trưởng cho năm 2021. Tuy nhiên, trong những lần những khủng hoảng trước đó, khu vực đã trở lại mạnh mẽ hơn và và lần này cũng có thể được như vậy nếu có những chính sách đúng đắn.”, bà Manuela Ferro chia sẻ.

Báo cáo của WB đánh giá có hai yếu tố đã giảm nhẹ hậu quả của đợt bùng phát dịch hiện nay.

Thứ nhất, các hoạt động kinh tế nội địa đến nay đã ít nhạy cảm hơn với lây nhiễm dịch bệnh. Thêm một ca nhiễm trên một ngàn người ước tính đã làm giảm sản lượng công nghiệp bình quân khoảng 5% trong tháng 5/2020 nhưng có tác động không đáng kể trong tháng 6/2021.

Thứ hai, môi trường kinh tế đối ngoại sôi động đã giúp duy trì xuất khẩu của các nước trong khu vực. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng đến 28% so với quý IV/ 2019 và của các quốc gia ĐÁ-TBD khác tăng 21,5%.

Tuy nhiên, tình hình thương mại hàng hóa đang thay đổi, trong khi xuất khẩu dịch vụ vẫn èo uột. Nhu cầu nhập khẩu toàn cầu đã đạt đỉnh vào quý II/2020 và xuất khẩu của khu vực đang phải đối mặt với cạnh tranh nhiều hơn khi các khu vực khác đang phục hồi. Giá hàng hóa thế giới đã ngừng tăng. Biến chủng Delta đang gây gián đoạn sản xuất ở trong nước và tại các quốc gia cung cấp nguyên liệu đầu vào, dẫn đến thiếu hụt cung và làm tăng thời gian và chi phí vận tải. Du lịch vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Khó khăn kinh tế kéo dài đang tạo ra áp lực lớn lên khả năng đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế của các chính phủ.

Khi hạn chế về ngân sách bắt đầu tạo áp lực, thì hỗ trợ tài khóa trong khu vực giảm từ mức bình quân 7,7% năm 2020 xuống còn 4,9% trong năm 2021, mặc dù các nền kinh tế vẫn đang vận hành dưới mức tiềm năng. Ngược lại, do chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng dưới chỉ tiêu của ngân hàng trung ương ở hầu hết các quốc gia, nên chính sách tiền tệ vẫn mang tính hỗ trợ, và lãi suất chưa tăng cao như ở một số thị trường mới nổi khác. Mặc dù vốn vay có rủi ro đang gia tăng, nhưng hầu hết các quốc gia (không kể Trung Quốc) vẫn chưa thắt chặt quy định về khu vực tài chính hoặc rút lại chính sách gia hạn thời hạn trả nợ theo quy định.

Dự báo về rủi ro kinh tế trong ngắn hạn, WB đánh giá COVID-19 có thể sẽ ảnh hưởng thậm chí còn nặng nề hơn nữa đến tất cả các quốc gia trong khu vực, như cảnh tượng tan hoang sau thảm họa sóng thần. Sự thiếu hụt vắc-xin kéo dài và xét nghiệm hạn chế có thể dẫn đến các đợt lây nhiễm thường xuyên, có thể do những chủng vi-rút mới đang gây quan ngại, trong khi hệ thống y tế các quốc gia vẫn chưa được chuẩn bị để ứng phó với tình trạng COVID bị kéo dài.

Áp lực lạm phát từ bên ngoài đáng lo ngại hơn là lạm phát trong khu vực. Áp lực lạm phát trong nước chỉ ở mức thấp, ngoại trừ tại Mông Cổ và Philippines do kỳ vọng lạm phát được neo giữ tốt. Nhưng quá trình phục hồi nhanh hơn và lạm phát ở các quốc gia công nghiệp phát triển có thể khiến lãi suất ở đó tăng lên và buộc các quốc gia ĐÁ-TBD đi sau phải thắt chặt tài chính quá sớm.

Rủi ro tài chính vĩ mô đang gia tăng, và cần phải thận trọng. Tất cả các quốc gia trong khu vực đều có các ngân hàng đảm bảo an toàn vốn, nhưng các biện pháp gia hạn thời hạn trả nợ theo quy định có thể che đi những rủi ro trong khu vực tài chính. Từ tháng 6 đến tháng 8/2020, gần một nửa các doanh nghiệp ở Việt Nam và trên 70% doanh nghiệp ở Mông Cổ đã có nợ đọng và dự kiến sẽ có nợ đọng trong 6 tháng tới. Nợ tích tụ ở các doanh nghiệp và hộ gia đình, và nợ xấu ở các ngân hàng đang làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính.

Các chính sách phục hồi

Nhằm khuyến nghị các quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương khôi phục kinh tế, WB cho rằng cần kiểm soát, kiềm chế COVID-19 thông qua tăng cường tiêm vắc-xin có thể giúp ích cho quá trình chuyển tiếp của khu vực ĐÁ-TBD sang giai đoạn tương đối lành tính mà COVID-19 trở thành “bệnh dịch được kiểm soát”. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao như Pháp, Đức, Israel và Anh đã giảm được số ca bệnh nặng và tử vong.

Mặc dù tỷ lệ bao phủ vắc-xin hiện còn chưa đồng đều, nhưng một số nền kinh tế khu vực ĐÁ-TBD về nguyên tắc có thể đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở mức 60% trong vòng 9 tháng tới - nếu giải quyết được các nút thắt trong phân phối và tâm lý e ngại tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, các quốc gia ĐÁ-TBD vẫn phải duy trì xét nghiệm, tăng cường năng lực của hệ thống y tế và mở rộng sản xuất vắc-xin trong khu vực. Trước hết, các biện pháp y tế công cộng như xét nghiệm cần được sử dụng để kiềm chế dịch lây lan - như cách Singapore, Malaysia và Việt Nam đang làm. Nếu không, các biến chủng mới có thể làm tăng số ca lây nhiễm và tiếp theo là tử vong.

Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng chưa chắc đã khả thi, nên ưu tiên đặt ra là phải tăng cường năng lực hệ thống y tế để xử lý COVID tồn tại lâu dài. Bên cạnh đó, sản xuất vắc-xin trong khu vực phải mở rộng để ứng phó với nhu cầu cao kéo dài và nguồn cung toàn cầu không ổn định.

Ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, việc đẩy nhanh tiêm vắc-xin và xét nghiệm để kiểm soát COVID-19 lây lan có thể là cách để những quốc gia đang gặp khó khăn hồi sinh các hoạt động kinh tế từ nửa đầu năm 2022, đồng thời có thể nhân đôi tốc độ tăng trưởng trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, ông Aaditya Mattoo cho rằng về lâu dài, chỉ có những cải cách đi vào chiều sâu mới có thể ngăn ngừa tăng trưởng chững lại và bất bình đẳng gia tăng, là một cặp tác động gây bần cùng chưa từng thấy trong thế kỷ này.

Hỗ trợ tài chính vĩ mô cũng là một trong những giải pháp phục hồi kinh tế mà WB khuyến nghị. Theo đó, hành động trong nước và quốc tế có thể giúp chính phủ các quốc gia nới rộng hỗ trợ tài khóa mà không ảnh hưởng xấu đến ổn định tài khóa. Ở trong nước, (tái) ban hành quy tắc tài khóa – như tại Indonesia và Malaysia – như một cam kết sẽ hạn chế bội chi và nợ trong tương lai; và ban hành các văn bản pháp luật cam kết cải cách sâu hơn về cả thu và chi. Trên phạm vi quốc tế, phối hợp các gói kích thích tài khóa và hợp tác về thuế để cho phép huy động thu nội địa khi phải đối mặt với dòng vốn có khả năng dịch chuyển nhanh chóng.

Nhiều quốc gia ĐÁ-TBD có thể sử dụng dư địa chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng phải cảnh giác với rủi ro thắt chặt tài chính toàn cầu đột ngột. Tăng cường tính độc lập và độ tin cậy của ngân hàng trung ương là cách giúp neo giữ kỳ vọng lạm phát. Cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn cho phép theo đuổi chính sách tiền tệ độc lập hơn và giảm nhẹ áp lực lên dự trữ, chẳng hạn như ở Lào và Myanmar. Việc tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn phải đi kèm với phòng trừ bất ổn tài chính tiềm tàng. Các biện pháp gia hạn thời hạn trả nợ hiện nay đang song hành với kỷ lục về tích tụ nợ ở khu vực tư nhân ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Các biện pháp này cần dần được gỡ bỏ một cách hệ thống và minh bạch, như một số quốc gia đã bắt đầu thực hiện. Các quốc gia trong khu vực cần tăng cường khung xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán để tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu và giải quyết nợ của doanh nghiệp.

WB cũng khuyến nghị các quốc gia ĐÁ-TBD tăng cường hội nhập quốc tế. Chính sách mở cửa thương mại có nhiều khả năng có thể hỗ trợ khôi phục kinh tế toàn cầu. Các chính sách dịch chuyển hoạt động sản xuất về nước của các quốc gia công nghiệp hiện đại có thể “chuyển chuỗi giá trị về nhà” nhưng có thể sẽ làm giảm thu nhập thực tế 3% so với kịch bản cơ sở vào năm 2030 ở khu vực ĐÁ-TBD, trong đó quốc gia phụ thuộc vào thương mại như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Nếu bị vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái”, WB ví von và cho rằng tự do hóa và tạo thuận lợi thương mại có thể làm thu nhập thực tế tăng ròng ở hầu hết các quốc gia, bao gồm cả ở khu vực ĐÁ-TBD, và đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi.

Ngoài ra, cải cách chính sách thu hút FDI cũng có thể đẩy mạnh tăng trưởng. Cải cách chính sách đầu tư gần đây ở Indonesia ước tính có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP tăng đến 0,2 điểm phần trăm. Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có thể tiếp tục cải cách các cơ chế, chính sách đầu tư trong các ngành dịch vụ.

Hợp tác song phương và khu vực có thể tạo thuận lợi về di chuyển lao động cho khách du lịch và lao động thời vụ. Các quốc đảo ở Thái Bình Dương có thể thiết lập “hộ chiếu vắc-xin” số, được công nhận chung, cũng như chứng nhận kết quả xét nghiệm đáng tin cậy với một số quốc gia quan trọng, là nguồn khách du lịch chính và điểm đến của đa số lao động thời vụ.

Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo về rủi ro kinh tế trong dài hạn, COVID-19 đe dọa gây ra tác động kép: tăng trưởng chậm và bất bình đẳng gia tăng, dẫn đến bần cùng chưa từng có trong thời gian gần đây ở ĐÁ-TBD. Kết quả có thể là tình trạng thiếu hụt tuyệt đối ở quy mô chưa từng thấy ở khu vực trong hai thập niên qua. 

Bảo Đăng - Minh Hoàng