Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững
Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 17:12, 29/09/2021
Các diễn giả tham gia hội thảo trực tuyến - Ảnh chụp màn hình |
Đây là chia sẻ của Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam tại Hội thảo trực tuyến về phát triển bền vững với chủ đề: “Thị trường các-bon, trung hòa phát thải các-bon và vài trò đối với quá trình giảm phát thải khí nhà kính, góc nhìn từ Việt Nam và châu Á” do Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc Việt Nam (Britcham) đã tổ chức chiều ngày 28/9. Đây cũng là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các hội thảo trực tuyến do Standard Chartered và Britcham phối hợp tổ chức trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai bên được ký kết gần đây nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam và ứng dụng các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong doanh nghiệp.
Việt Nam đã sớm quan tâm và có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo ông Tăng Thế Cường, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động nghiêm trọng đến cuộc sống và sự phát triển bền vững của toàn thế giới. Nhiều nền văn hoá, hệ sinh thái đang dần bị mất đi do tác động của BĐKH. BĐKH cũng đã tác động mạnh mẽ đến các nước cả về mặt chính trị, ngoại giao, thương mại và nảy sinh nhiều vấn đề an ninh.
Thời gian tới, BĐKH sẽ tiếp tục diễn biến khó lường và những tác động bất lợi sẽ ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo công bố cuối năm 2020 của Viện Toàn cầu Mckinsey, do tác động của BĐKH, các nước Đông Nam Á sẽ tổn thất khoảng 8-13% GDP mỗi năm cho đến năm 2050.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Do đó, ngay từ rất sớm, Việt Nam đã quan tâm và có những hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cũng như sử dụng có hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ông Tăng Thế Cường cho biết, điều này được thể hiện trong "Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam" gửi Ban Thư ký của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 cũng đang được cập nhật với những mục tiêu kỳ vọng về giảm phát thải khí nhà kính cao hơn cùng với các mục tiêu đạt phát thải đỉnh và hướng tới phát thải trung hòa các-bon....
Việt Nam cũng sớm nhận thấy vai trò của định giá các-bon và tham gia Chương trình Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon (PMR) triển khai Dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020, đến nay đã đạt được nhiều kết quả. Đồng thời, Việt Nam cũng chuẩn bị tham gia Chương trình đối tác thực hiện thị trường các-bon (PMI) trong giai đoạn đến năm 2030. Cho đến nay đã có 96/185 quốc gia trong đó có Việt Nam đã đưa áp dụng định giá các-bon để đạt được các mục tiêu trong NDC.
"Trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nguồn lực của Chính phủ còn hạn chế, vai trò của khối doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng", ông Tăng Thế Cường chia sẻ.
Thời gian qua Chính phủ đã tích cực tham gia vào các cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ song phương và đa phương nhằm tạo các kênh thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Cơ chế phát triển sạch (CDM), Việt Nam hiện có 257 dự án và 13 chương trình hoạt động. Việt Nam được xếp thứ tư trên thế giới về số lượng dự án CDM được đăng ký. Tổng lượng khí nhà kính giảm nhẹ của 257 dự án CDM vào khoảng 140 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng.
Từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã phối hợp triển khai Cơ chế tín chỉ chung (JCM) với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải các-bon thấp. Đến nay đã có 14 dự án đi vào hoạt động, với tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính đạt 16.000 tấn CO2 tương đương/năm.
Ông Tăng Thế Cường cho biết thêm, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã tham gia một số cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ tự nguyện khác như Tiêu chuẩn vàng, Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra hay Tiêu chuẩn chứng chỉ năng lượng tái tạo. Cụ thể, theo Tiêu chuẩn vàng (GS) có 20 dự án được đăng ký và cấp tín chỉ các-bon. Tổng lượng tín chỉ được ban hành theo GS là 3.300.000 tín chỉ. Theo Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra (VCS) có 17 dự án được đăng ký. Tổng lượng tín chỉ được ban hành theo VCS là 603.000 tín chỉ. Theo Tiêu chuẩn chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) có 4 dự án được đăng ký với tổng cộng 192.000 chứng chỉ được ban hành.
Hướng tới mục tiêu lượng khí thải toàn cầu bằng 0 vào năm 2050
Phát biểu tại Hội nghị, Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, chia sẻ góc nhìn về các sáng kiến của Hội nghị khí hậu COP26 và vai trò của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy một môi trường các-bon thấp, đóng góp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. COP26 sẽ quy tụ các nguyên thủ quốc gia, các chuyên gia về khí hậu, các doanh nghiệp và các tổ chức vận động chiến dịch để thống nhất hành động phối hợp nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Các bước tiếp theo để đạt mục tiêu lượng khí thải toàn cầu bằng 0 vào năm 2050 dự kiến sẽ được thống nhất tại Hội nghị quan trọng này.
“Tôi có thể nhận thấy những tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp tiên phong đang đưa ra các cam kết mạnh mẽ và có những cải thiện nhanh chóng để hướng tới một tương lai với lượng carbon ròng bằng không. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp và chính phủ đưa ra công bố “net-zero”, ngày càng có nhiều sáng kiến toàn cầu tập hợp các doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất trên thế giới thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo như RE100, EV100, Climate Action 100+, TCFD.... Tuy nhiên, chúng ta cần phải đẩy nhanh quy mô của những sáng kiến này để đạt được một thế giới không phát thải ròng vào năm 2050”, Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ.
Còn theo bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt khi nó gây ra những tác động sâu rộng lên môi trường, sức khỏe con người và có thể ảnh hưởng nặng nề lên tăng trưởng kinh tế. Việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế có phát thải các-bon bằng 0 là rất quan trọng.
“Chúng tôi đã đưa ra cam kết hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có việc đưa mức phát thải các-bon về 0 trong hoạt động vận hành vào năm 2030 và trong bảng cân đối kế toán vào năm 2050. Chúng tôi đã và đang tiếp thu ý kiến của các nhà đầu tư và khách hàng để đẩy thúc đẩy nỗ lực này mà không làm chậm quá trình phát triển. Chúng tôi sẽ huy động và cung cấp nguồn vốn để hỗ trợ khách hàng và chuỗi cung ứng giảm phát thải các-bon”, bà Michele Wee cho biết.
“Trong quá trình phát triển bền vững, các quốc gia, thị trường, doanh nghiệp và cá nhân cần chung tay nỗ lực để đạt được mục tiêu chung trong giảm phát thải khí nhà kính. Hội thảo này là một phần trong nỗ lực đó và Britcham rất mong được hợp tác chặt chẽ với Standard Chartered để thúc đẩy tiến trình này trong thời gian tới”, ông Denzel Eades, Thành viên Hội đồng quản trị Britcham bày tỏ.
Tại hội thảo, ông Tăng Thế Cường cho biết, để có thể tiếp tục phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp, cũng như tạo thêm các cơ chế khuyến khích sự tham gia của xã hội trong nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng đề án phát triển thị trường các bon tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021. Theo đó, trong giai đoạn tới, hệ thống văn bản pháp lý và cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường các-bon được xây dựng. Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ tăng cường năng lực, tiếp cận thông tin để có thể sẵn sàng tham gia giao dịch thí điểm thị trường các-bon từ 2025.
"Thông qua nghiên cứu kinh nghiệm triển khai thực hiện thị trường các-bon của các nước trên thế giới, Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện các điều kiện cần thiết và triển khai thị trường các-bon trong nước, tiến tới tham gia thị trường các-bon thế giới để góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện NDC của Việt Nam", ông Tăng Thế Cường chia sẻ.