Hỗ trợ nhưng phải đảm bảo an toàn
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 13:54, 01/10/2021
An toàn là mục tiêu hàng đầu
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngân hàng là một trong những bộ, ngành đi tiên phong trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo đó, ngay khi đại dịch xuất hiện ở Việt Nam, NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo hành lang pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2021, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4, NHNN cũng rất kịp thời ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN và mới đây là Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Song song với đó, NHNN còn chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất, phí dịch vụ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cho dù ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt áp lực nợ xấu tăng khiến các ngân hàng chịu sức ép không nhỏ về tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Hoạt động của các ngân hàng phải tuân thủ nghiêm các quy định để hạn chế rủi ro |
Theo thống kê của NHNN, lũy kế đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ vào khoảng 520.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến ngày 31/8/2021, tổng số tiền lãi mà các TCTD miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng vào khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng từ ngày 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.
Ghi nhận những giải pháp hỗ trợ hết sức thiết thực từ phía ngân hàng, đặc biệt Thông tư 14 được ban hành kịp thời đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, tuy nhiên ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, yêu cầu phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi COVID-19 và được ngân hàng đánh giá là “có khả năng trả nợ sau thời gian giãn nợ” đang làm khó doanh nghiệp. Từ đó, ông kiến nghị NHNN xem xét việc giãn nợ đồng loạt từ 6 tới 9 tháng và không để xuống nhóm nợ với tất cả doanh nghiệp, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như y tế, thực phẩm, sắt thép. Còn đại diện của VCCI kiến nghị ngân hàng xem xét mở rộng diện vay tín chấp với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm...
Liên quan đến những kiến nghị trên, một chuyên gia ngân hàng cho biết, thời gian qua hệ thống ngân hàng đã có nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của mình, trong khi các ngân hàng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là sự chia sẻ rất lớn từ phía các ngân hàng. Tuy nhiên hoạt động của các ngân hàng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là phải đảm bảo an toàn hệ thống. “Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế nên sự an toàn của hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Lãnh đạo một ngân hàng cũng chia sẻ, ngân hàng sẵn sàng giảm lợi nhuận để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, song không thể hạ chuẩn tín dụng bởi nếu hạ chuẩn tín dụng có thể dẫn đến rủi ro nợ xấu, từ đó ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống. “Việc cấp tín dụng mới, tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho đa số khách hàng là quá khả năng của ngân hàng, đặc biệt trước lo ngại về rủi ro. Vì vậy, ngân hàng mong Chính phủ sẽ có bài toán phù hợp, hỗ trợ các ngân hàng chống đỡ với rủi ro để yên tâm triển khai kế hoạch cho vay đối với các doanh nghiệp trên toàn thị trường”, vị này kiến nghị.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, trong đó có Thông tư 01, 03, 14 tạo hành lang pháp lý để các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.
Tuy nhiên, để tăng tính khả thi, hiệu quả của những thiết chế này, TS. Cấn Văn Lực đề nghị NHNN tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng để các TCTD có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi…
Liên quan đến việc tiếp cận tín dụng của các DNNVV, ông cho rằng, cần phải nhanh chóng vực dậy và phát huy vai trò của các Quỹ bảo lãnh tín dụng. “Hiện Việt Nam có 28 quỹ nhưng hoạt động không hiệu quả. Các quỹ này cần sẵn sàng đứng ra bảo lãnh DNNVV như một số quốc gia vẫn làm. Vì các DNNVV đang không có khả năng tồn tại, thiếu dự án khả thi, nếu ngân hàng cho vay sẽ rất rủi ro. Trong khi đó, Luật TCTD không cho phép các ngân hàng cho doanh nghiệp thua lỗ vay; Luật Quản lý nợ công quy định Chính phủ không được bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.
Thế nhưng theo vị chuyên gia này, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, bên cạnh các giải pháp từ phía ngân hàng, cần kết hợp đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa nhiều giải pháp khác như các gói hỗ trợ tài khóa, an sinh xã hội, giảm tiền điện, giảm cước viễn thông cho cả dịch vụ thanh toán, chuyển tiền của hệ thống ngân hàng… Làm như vậy mới giúp được doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch và duy trì sức khỏe, tính bền vững của hệ thống ngân hàng.
Có chung quan điểm như vậy, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, một số biện pháp hỗ trợ như giãn, hoãn thuế... chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh đầu ra của nền kinh tế còn khó khăn. Để giải quyết bài toán lớn trên cần có những giải pháp căn cơ. Trong đó nhấn mạnh đến việc cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19. Trước mắt nên ưu tiên phòng chống dịch kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô trong đó thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sau khi kiểm soát dịch COVID-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Vấn đề đổi mới cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục duy trì để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp…