Cần cải cách để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh dân số già hóa tại Việt Nam

Tin tức - Ngày đăng : 16:40, 01/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Già hóa dân số có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại, làm tăng chi tiêu công và gia tăng áp lực đối với hệ thống cung cấp dịch vụ công nếu không có các cải cách kịp thời – nhận định từ một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hôm nay, ngày 1/10.

Báo cáo “Việt Nam: Thích ứng với xã hội già hóa” do Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện cho thấy so với các quốc gia đã từng trải qua tình trạng già hóa dân số như Việt Nam đang trải qua hiện nay, thì cả trình độ phát triển kinh tế lẫn thu nhập bình quân của Việt Nam đều thấp hơn. Viễn cảnh “chưa giàu đã già” có nghĩa là Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức quan trọng mà để giải quyết sẽ không tránh khỏi những lựa chọn chính sách khó khăn.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã thành công trong việc tận dụng lực lượng lao động dồi dào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ba thập kỷ qua. Giờ đây, cùng với quá trình già hóa dân số, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động để thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất nền kinh tế cũng như bắt đầu tiến hành cải cách lương hưu ngay từ bây giờ để duy trì sinh kế cho người cao tuổi trong những thập kỷ tới.”

Với tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng, người cao tuổi dự kiến sẽ chiếm từ 10%-20% dân số Việt Nam vào năm 2035. Tỷ lệ phụ thuộc tuổi già của Việt Nam, được tính bằng số người trên 65 tuổi chia cho số người trong độ tuổi lao động, ước tính sẽ tăng gấp đôi từ 0,11 năm 2019 lên 0,22 năm 2039.

Báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn 2020–2050 sẽ chậm lại 0,9 điểm phần trăm so với 15 năm qua khi Việt Nam chuyển dần sang cơ cấu dân số già. Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu của một xã hội già hóa cũng được dự báo sẽ tiêu tốn thêm từ 1,4% đến 4,6% GDP. Việc mở rộng phạm vi bao phủ và cải thiện chất lượng dịch vụ tất yếu sẽ dẫn đến tăng chi phí tài khóa.

Báo cáo đưa ra khuyến nghị để Việt Nam có thể quản lý tình trạng già hóa dân số một cách hiệu quả, dựa trên bài học kinh nghiệm ở các quốc gia khác đã trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học tương tự, ví dụ như Nhật Bản. Các khuyến nghị này bao gồm những cải cách cần thiết để cải thiện sự tham gia của lực lượng lao động và nâng cao năng suất, tăng cường hiệu quả chi tiêu công và củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ. Báo cáo cũng khuyến nghị các hành động chính sách trong bốn lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ xu hướng già hóa là thị trường lao động, lương hưu, y tế và chăm sóc người cao tuổi.

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết: “Kể từ khi trở thành quốc gia siêu già vào năm 1960, Nhật Bản đã trải qua nhiều hệ lụy khác nhau của quá trình già hóa, đặc biệt là những tác động liên quan đến việc điều chỉnh các chương trình bảo trợ xã hội và thúc đẩy chăm sóc tại cộng đồng. Đã có nhiều thành công nhưng cũng không ít kinh nghiệm cay đắng. Chúng tôi hy vọng những bài học chia sẻ này sẽ hữu ích để giúp Việt Nam không chỉ ứng phó được với tình trạng thay đổi nhân khẩu học mà còn thu được lợi ích từ đó”.

Báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa JICA và Ngân hàng Thế giới nhằm hỗ trợ các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam đưa ra các giải pháp chuẩn bị cho một xã hội già hóa.

Các phát hiện chính trong báo cáo

Việt Nam đang trên đà già hóa dân số. Năm 2015, Việt Nam trở thành một xã hội già hóa và đến năm 2035, sẽ là một xã hội già. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.

Không giống như nhiều xã hội đã trải qua quá trình chuyển đổi sang xã hội già, Việt Nam đang “già đi trước khi giàu lên”. Với mức bình quân đầu người bằng 40% mức trung bình toàn cầu, Việt Nam vẫn còn cách xa vị thế thu nhập trên trung bình. Với tốc độ già hóa dân số như vậy có nghĩa là sẽ có ít thời gian hơn để thích nghi với một xã hội già so với nhiều nền kinh tế tiên tiến.

Việt Nam hiện đang ở giai đoạn quan trọng. "Cơ hội nhân khẩu học" đang bắt đầu đóng lại khi quá trình lão hóa gia tăng. Dân số trong độ tuổi lao động đã giảm kể từ năm 2014 và xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục cho đến năm 2042, khi “cơ hội nhân khẩu học” sẽ đóng lại.

“Già đi trước khi giàu” có nghĩa là Việt Nam phải đối mặt với một loạt thách thức duy nhất đòi hỏi những nỗ lực cải cách lớn. Việt Nam phải hướng tới việc tận dụng “cơ hội” đồng thời giảm thiểu những trở ngại về nhân khẩu học đối với tăng trưởng và những thách thức do chi phí tài khóa cao của quá trình già hóa. Điều này sẽ đòi hỏi phải có những lựa chọn khó khăn và thực hiện các cải cách chính sách lớn.

Việt Nam phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách “bây giờ hoặc không bao giờ”. Nếu không có những cải cách lớn, sự thay đổi nhân khẩu học sẽ dẫn đến sự chậm lại đáng kể trong tăng trưởng dài hạn, cùng với áp lực tài khóa lớn của một xã hội già hóa - có thể dẫn đến thâm hụt và nợ ở mức cao, đẩy lãi suất lên cao, lấn át cả đầu tư trong và ngoài nước vốn rất cần thiết và đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Với những chính sách đúng đắn, Việt Nam vẫn có thể phát triển mạnh về kinh tế và xã hội trong giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học này. Những cải cách lớn bao gồm xây dựng thị trường lao động tạo điều kiện thúc đẩy năng suất và kéo dài tuổi thọ lao động, đầu tư vào nguồn nhân lực, mở rộng hệ thống phúc lợi xã hội đồng thời đảm bảo tính bền vững và phát triển hệ thống chăm sóc dài hạn sôi động.

 

Anh Lê