Ngân hàng Chính sách Xã hội An Giang: Chung tay giảm nghèo bền vững

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 15:12, 03/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Giảm nghèo bền vững được xác định là chủ trương lớn, trọng tâm và thường xuyên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, chủ trương giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thực hiện và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Bài viết phản ảnh hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội An Giang thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi với hộ nghèo.

Hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh

Trong giai đoạn vừa qua với sự tập trung chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến huyện, xã, sự phối hợp tham gia tích cực của các cấp, các ngành và cộng động xã hội triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chủ trương, cơ chế, giải pháp nhằm giúp cho hộ nghèo, người nghèo tự thân vươn lên thoát nghèo bền vững, công tác giảm nghèo của tỉnh An Giang đã đạt được một số thành tựu cơ bản như: cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở, cấp thẻ báo hiểm y tế miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo, miễn giảm học phí và hỗ trợ các khoản đóng góp trong học tập, đầu tư xây dựng cơ sở hà tầng cho các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,... Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm đạt theo kế hoạch đề ra (giai đoạn 2006 - 2010 giảm bình quân 1,91%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 giảm 1,36%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 giảm 1,50%/năm). Mức sống các hộ nghèo so với những năm trước từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể.

Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục, đối thoại với người nghèo và tập trung nguồn lực thực hiện chính sách trợ giúp hộ nghèo đã tiếp tục tác động tích cực làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo và cộng đồng xã hội, phong trào chăm lo người nghèo tiếp tục phát triển, huy động được các nguồn lực của cộng đồng, các tổ chức xã hội, từ thiện,... để thực hiện mục tiêu chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành ngày càng được nâng lên, có sự quan tâm và tập trung chỉ đạo, điều hành chương trình có hiệu quả. Quan điểm giải quyết đói nghèo có nhiều thay đổi mang tính toàn diện hơn. Từ chỗ tập trung giải quyết vốn tín dụng nay chuyển sang dạy nghề, giải quyết việc làm và giúp người nghèo biết cách tự tạo việc làm, để tạo ra thu nhập từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Có sự tập trung chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và các tổ chức đoàn thể, ... đã thực hiện khá đồng bộ các chính sách, giải pháp giúp đỡ cho hộ nghèo, người nghèo. Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để giảm nghèo ngày càng bền vững, từng bước đạt kết quả khá tốt, hạn chế đầu tư dàn trãi, tập trung hỗ trợ những đối tượng có khả năng thoát nghèo.

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tạo nguồn việc làm ổn định ngay tại địa phương: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi (mặt bằng, thuế,...) cho các nhà đầu tư sản xuất các nghề chế biến, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương để thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tạo nguồn việc làm thu hút lao động ngay tại địa phương.

Mở rộng nội dung khuyến nông, thực hiện lồng ghép với các chương trình khuyến nông cho người nghèo với các chương trình khuyến nông quốc gia để tạo điều kiện tốt hơn cho người nghèo tham gia tập huấn và xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Nhìn chung, tỷ lệ hộ nghèo đều giảm qua từng năm ở các huyện, thị xã, thành phố. Đời sống các hộ nghèo ngày càng được nâng lên thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt các chủ trương chính sách của Nhà nước như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hộ nghèo được vay vốn làm ăn, hỗ trợ nhà ở, miễn giảm học phí, viện phí,…

Mặt khác, chuẩn hộ nghèo theo từng giai đoạn đều tăng nhưng số lượng hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo cuối giai đoạn đều giảm, cụ thể như: Cuối năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo còn 3,59% (tương đương 18.756 hộ nghèo); cuối năm 2015 còn 2,5% (tương đương 13.500 hộ nghèo); cuối năm 2020 còn 1,90% (tương đương 10.232 hộ nghèo). Điều này chứng tỏ đời sống của các hộ nghèo không ngừng được cải thiện và nâng lên, công tác giảm nghèo ngày càng bền vững và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Cùng với việc đầu tư có trọng điểm cho những hộ có khả năng thoát nghèo, qua khảo sát từ đầu năm đã giúp các hộ nghèo đủ điều kiện vươn lên để thoát nghèo bền vững hơn. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, địa phương và huy động đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi của Chương trình góp phần tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Cùng với các chính sách hỗ trợ chung cho người nghèo, như: bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở hộ nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm xuất khẩu lao động, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện,… thì chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen và học sinh sinh viên phải bỏ học do nguyên nhân gia đình gặp khó khăn về tài chính; .... Bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh giải ngân cho 20.000 hộ vay (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên, ...), với số tiền trên 620.000 triệu đồng/năm.

Một số kết quả hoạt động của NHCSXH An Giang góp phần giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khi mới thành lập năm 2003, NHCSXH tỉnh nhận bàn giao 3 chương trình với tổng dư nợ 96,669 tỷ đồng: cho vay hộ nghèo từ Agribank tỉnh An Giang với dư nợ 74,285 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước với dư nợ 21,130 tỷ đồng và cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng TMCP Công Thương tỉnh với dư nợ 1,254 tỷ đồng.

Về quy mô hoạt động hiện nay, NHCSXH tỉnh ngoài trụ sở chi nhánh đặt tại trung tâm, ngân hàng còn có 10 phòng giao dịch ở 9 huyện 1 thành phố và 156 điểm giao dịch trải rộng khắp trên địa bàn tỉnh và đã thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh và huyện, thị xã, thành phố ủy thác.

Đến cuối quý II/2021, ngân hàng có tổng tài sản là 3.716 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 10,2% và so với cuối năm 2020 tăng 7,4%, nguyên nhân tăng chủ yếu là do tăng trưởng về cho vay, kết quả kinh doanh có lợi nhuận dương, chênh lệch thu nhập - chi phí là 75 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng có mức tăng trưởng tổng nguồn vốn huy động lớn so với cùng kỳ năm trước, mức tăng là 30,1%, chủ yếu là do tăng huy động vốn từ khách hàng và tăng vốn tài trợ, ủy thác cho vay.

Ngoài ra, ngân hàng có tổng dư nợ cho vay là 3.636 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước mức tăng là 10,3% và so với cuối năm 2020 mức tăng 7,2%, tăng 16 lần so thời điểm mới thành lập 3.143 tỷ đồng. Về cơ cấu dư nợ, chủ yếu là cho vay trung, dài hạn chiếm 99,98%/tổng dư nợ, dư nợ cho vay ngắn hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,02%/tổng dư nợ. Do đặc thù đối tượng cho vay của đơn vị chủ yếu là các hộ gia đình chính sách, học sinh sinh viên nên thời gian hỗ trợ cho vay tương đối dài.

Hiện có 8.717 hộ được vay vốn từ các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo; cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn. Tổng dư nợ ủy thác đạt 3.467 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 99,75% tổng dư nợ của chi nhánh), trong đó, dư nợ trung ương ủy thác qua hội đoàn thể 3.294 tỷ đồng (chiếm 95% tổng dư nợ ủy thác), dư nợ địa phương ủy thác qua hội đoàn thể 173 tỷ đồng (chiếm 5%/ tổng dư nợ).

Nguồn: Tác giả tính toán từ nguồn tổng hợp thống kê của NHNN Chi nhánh An Giang

NHCSXH tỉnh cũng đã thực hiện nghiêm túc quy định về công khai chính sách tín dụng ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, quy trình, thủ tục, thông tin rộng rãi đến khách hàng vay tại các điểm giao dịch lưu động xã. Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức giao dịch lưu động tại 156/156 xã, thị trấn, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân tại các điểm giao dịch.

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa việc giải ngân cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Đối với nguồn tiền nhàn rỗi, các nguồn quỹ của tổ chức, cá nhân chuyển sang gửi hoặc ủy thác qua NHCSXH tỉnh để cho vay phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM; các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh thường xuyên thực hiện nghiêm chương trình kiểm tra, giám sát theo kế hoạch được phân công….

Hiệu quả hoạt động của NHCSXH tỉnh trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng phát triển kinh tế- xã hội, trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội; hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do nguyên nhân gia đình gặp khó khăn về tài chính. Nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh; nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn...

Đặc biệt, vốn vay ưu đãi giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện… tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong Nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thành thị - nông thôn, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, đóng vai trò quan trọng ổn định và phát triển kính tế - xã hội trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp hơn 58.118 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sản xuất - kinh doanh; giúp hơn 31.619 hộ thoát nghèo và hơn 4.606 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm hơn 7.458 lao động, trang trải chi phí xuất khẩu lao động 305 đối tượng; giúp trang trải chi phí học tập hơn 35.488 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường nghề; giúp hơn 1.795 hộ tiếp cận vốn vay ưu đãi xây dựng nhà ở; giải ngân cho hơn 42.497 hộ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc được cải thiện... góp phần tích cực giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng NTM, ngăn chặn “tín dụng đen”.

Tín dụng chính sách còn góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Hiện, tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện là TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Thoại Sơn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 61 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy vai trò là công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, động viên người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được NHCSXH tỉnh triển khai đến 100% khóm, ấp tại 156/156 xã, phường, thị trấn; giúp các địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân trong phát triển sản xuất, giúp Nhân dân bám đất, bám làng ở các vùng biên giới, vùng khó khăn, ổn định và nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ năm 2015-2020, đã có hơn 31.619 hộ thoát nghèo và hơn 4.606 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ tái nghèo thấp, chỉ có 16 hộ tái nghèo và 68 hộ tái cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,62%, hộ cận nghèo còn 5,45%.

Phương thức quản lý tín dụng chính sách ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, NHCSXH tỉnh thực hiện phát huy hiệu quả. Từ ủy thác 1 chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, đến nay đã ủy thác 18/18 chương trình tín dụng chính sách qua 4 hội đoàn thể. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động 3.605 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% ấp, tổ dân phố; hình thành 156 điểm giao dịch tại 156 xã, phường, thị trấn.

Có thể khẳng định, hoạt động NHCSXH tỉnh không ngừng phát triển và ngày càng ổn định; nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng tốt hơn. Chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Thông qua nguồn vốn vay của NHCSXH tỉnh đã tạo thêm việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, ổn định kinh tế - xã hội, đặc biệt góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Trần Trọng Triết