Thị trường tháng 10: Đón đầu các cơ hội mới

Thị trường - Ngày đăng : 13:18, 06/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau tháng 9 đầy thận trọng, thị trường tháng 10 được dự báo có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực như nền kinh tế dần mở cửa nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, thu nhập trong quý IV của các doanh nghiệp niêm yết phục hồi…

Trong tháng 9/2021, chỉ số VN-Index dao động trong biên độ hẹp từ 1.316 - 1.366 điểm do tâm lý thị trường vẫn thận trọng sau cảnh báo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc giám sát chặt chẽ các giao dịch bất thường, cùng với lo ngại đợt lây nhiễm COVID-19 lần thứ 4 kéo dài. Thanh khoản giảm nhẹ, giá trị giao dịch bình quân phiên giảm 5,5% so với tháng trước xuống 27.445 tỷ đồng (tăng 342,3% so với cùng kỳ).

Đáng chú ý, trong tháng 9, dòng tiền đổ vào các mã vốn hóa nhỏ. Thanh khoản của VNSML - VNSmallcap (đại diện cho các mã vốn hóa nhỏ) tăng 17,9% so với tháng trước, dẫn đến mức tăng ấn tượng 5,2% so với cuối tháng 8 của VNSML Index. Ngược lại, dòng tiền rút khỏi các cổ phiếu vốn hóa lớn và vốn hóa trung bình với thanh khoản bình quân phiên trong tháng 9 giảm lần lượt 21,9% và 4,5% so với tháng 8.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán VNDIRECT có một số yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10 gồm kỳ vọng số ca mắc mới hàng ngày tiếp tục giảm nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao hơn; kỳ vọng tăng trưởng GDP và thu nhập của các công ty niêm yết phục hồi trong quý IV/2021 khi nền kinh tế dần dần mở cửa trở lại và định giá của TTCK Việt Nam trở về mức hấp dẫn với góc nhìn trong dài hạn.

Mức 1.280-1.300 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh cho VN-Index trong tháng 10. Bên cạnh những yếu tố tích cực như triển khai vắc xin nhanh hơn và vắc xin sản xuất trong nước được đưa ra thị trường sớm hơn dự kiến, vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn bao gồm triển vọng thu nhập năm tài chính 2021 thấp hơn dự kiến do dịch bệnh kéo dài và các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt hơn được thực thi để ngăn chặn dịch bệnh.

VNDIRECT dự báo lợi nhuận của một số ngành như dầu khí, bất động sản, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, ngân hàng sẽ phục hồi trong quý IV/2021 trong khi lợi nhuận của ngành chứng khoán và thép duy trì ở mức cao. Tăng trưởng EPS năm 2021 của các công ty niêm yết trên HOSE có thể đạt tỷ lệ 26%. Năm 2022, tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HOSE duy trì ở mức cao 21% so với cùng kỳ. Một số ngành có thể cải thiện mạnh mẽ lợi nhuận trong năm tới bao gồm hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, bất động sản và dầu khí. Năm 2023, tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HOSE là 18% so với cùng kỳ.

Bùi Trang