Quỹ Bảo lãnh cho vay cần có quy mô tương xứng đáp ứng yêu cầu phục hồi của nền kinh tế
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 14:05, 06/10/2021
Vừa qua, Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ Bảo lãnh cho vay Doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản bảo đảm là bất động sản.
Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bày tỏ sự ủng hộ những quyết sách quyết liệt của Chính phủ trước muôn vàn khó khăn để ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như giải pháp nỗ lực hồi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp này cho rằng việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều thách thức. Các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng do cơ chế chưa có tiền lệ trước đây. Các chính sách đúng đắn từ Chính phủ được các địa phương triển khai chậm chạp, không đồng bộ, thậm chí là chưa triển khai.
Để vượt qua đại dịch song song với việc ổn định nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất Thủ tướng Chính phủ dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này để giúp cho các doanh nghiệp SME (chiếm trên 95% số lượng doanh nghiệp) vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động.
Cụ thể, Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ Bảo lãnh cho vay Doanh nghiệp vừa và nhỏ với hạn mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản. Trong đó, doanh nghiệp phải chứng minh hoạt động tốt trước dịch (có báo cáo tài chính lành mạnh); doanh nghiệp phải có hợp đồng/đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới để được nhận bảo lãnh.
Trước kiến nghị này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng Quỹ bảo lãnh tín dụng là rất cần thiết. Quỹ bảo lãnh cho các ngân hàng để ngân hàng cho vay doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không trả được nợ, Quỹ sẽ trả nợ thay cho doanh nghiệp. Đây là một dạng bảo hiểm rủi ro cho ngân hàng. Nhờ bảo lãnh này ngân hàng có thể mạnh tay cho vay, nếu không có quỹ bảo lãnh này, rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng.
Hiện tại, chúng ta có Quỹ bảo lãnh tín dụng được quy định tại Nghị định 34/2018/QĐ-TTg. Đây là quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, vốn điều lệ 100 tỷ đồng, được bảo lãnh gấp 3 lần trên vốn tự có, tương ứng với hạn mức bảo lãnh là 300 tỷ đồng. Đối với một địa phương, mức bảo lãnh này như muối bỏ biển. Chưa kể trong thời gian vừa qua, Quỹ này có hiện tượng tiêu cực, bảo lãnh không đúng đối tượng, không trả nợ được dẫn đến Quỹ phải gánh nợ thay. Vì vậy, Quỹ bảo lãnh tín dụng theo Nghị định 34 hoạt động yếu, không có nhiều tác dụng.
Đối với Quỹ bảo lãnh cho vay mà Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất thành lập, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khả năng bảo lãnh 100.000 tỷ đồng vẫn chưa đủ đối với nhu cầu của nền kinh tế. Để có sự hỗ trợ tổng thể và hiệu quả hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần một giải pháp có sự tham gia từ phía các ngân hàng cũng như Quỹ bảo lãnh tín dụng. Theo đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất xây dựng tổ hợp tín dụng trong đó tất cả các ngân hàng cùng tham gia và tổ hợp tín dụng này có thể tạo ra lượng vốn thứ cấp lên đến 300 nghìn tỷ đồng để cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh. Lãi suất cho vay nên từ 3 – 5% và vay dưới hình thức tín chấp.
Hình thức cho vay tín chấp có độ rủi ro rất cao cho các ngân hàng, vì vậy cần có Quỹ bảo lãnh tín dụng đứng ra bảo lãnh các khoản vay này. Tổ hợp tín dụng này cần có sự liên kết với quỹ bảo lãnh. Để đáp ứng khả năng bảo lãnh cho 300.000 tỷ đồng, Quỹ bảo lãnh tín dụng cần vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng và phải được bảo lãnh gấp 10 lần vốn tự có. Chỉ có cơ chế như vậy các ngân hàng mới dám cho vay ra.
Để có được nguồn lực 30.000 tỷ đồng, Chính phủ có thể cân đối từ nguồn ngân sách hoặc một phần từ nguồn ngân sách, một phần kêu gọi các ngân hàng tham gia với tư cách thành viên hoặc kêu gọi góp vốn từ các tổ chức quốc tế.
“Tôi cũng đã nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ từ chính sách tiền tệ như cắt giảm lãi suất, miễn giảm phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ nhưng trong bối cảnh cả nền kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp lao đao thì cần có biện pháp mạnh tay hơn.” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.