Đại dịch COVID-19 là chất “xúc tác” đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:00, 07/10/2021
Future Banking 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến toàn phần |
Tại Hội thảo Future Banking 2021 với chủ đề "Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số" do IDG Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam đồng tổ chức ngày 7/10 theo hình thức trực tuyến toàn phần, các diễn giả tham dự đều có chung nhận định: Chuyển đổi số đang trở thành một xu thế không thể thay đổi với mọi lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Hơn thế, hoạt động này càng được đẩy nhanh trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, dù làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực lên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính – ngân hàng nói riêng, song không thể phủ nhận đó cũng là tác nhân tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục.
Nhờ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn nên các hoạt động ngân hàng "không tiếp xúc" cũng trở nên phổ biến hơn, việc sử dụng dịch vụ online của khách hàng cũng dần trở thành thói quen. Ngay trong dịch COVID-19, hàng loạt ứng dụng mobile banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.
“Việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn. Nếu như cách đây 2-3 năm, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến khái niệm của các công nghệ này thì hiện nay những công nghệ này đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận hành cho các ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Ông Vũ Viết Ngoạn - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo |
Cùng chung quan điểm đại dịch COVID-19 đã mang lại những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình chống chọi với khó khăn và bất định; song ông Vũ Viết Ngoạn - nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - cũng cho rằng, cơ hội thường nảy sinh từ gian khó và thách thức chính là cái nôi nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo để biến cơ hội thành hiện thực. Bởi vậy, bất chấp khó khăn, số lượng cũng như giá trị giao dịch thanh toán qua phương tiện di động liên tục tăng 3 chữ số trong những năm gần đây. Hay thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng ngoạn mục: Tính đến ngày 30/6/2021, chỉ số VN-Index đạt 1408,55 điểm - tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu cán mốc trên 1 tỷ USD/phiên. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đạt mức cao kỷ lục, 6 tháng đầu năm 2021 tăng 58% so với cả năm 2020. Mức vốn hóa thị trường đạt 6.838 nghìn tỷ đồng - tăng 29,2% so với cuối năm 2020 - tương đương 108,7% GDP. Tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK ước đạt 176.745 tỷ đồng - tăng 65% so với cùng kỳ.
Trong bức tranh chung của thị trường tài chính, ngân hàng thời gian qua, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng: “Gam màu của bức tranh tạo ấn tượng nhất đó là: Chuyển đổi số. Đại dịch COVID-19 như tiếp thêm nguồn nhiên liệu mới làm tăng sức nóng chuyển đổi số của hệ thống tài chính”.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam phát biểu |
“Chuyển đổi số không còn là xu thế. Hoạt động này càng sớm và hiệu quả, càng cho thấy năng lực quản trị kinh doanh, định vị giá trị - thương hiệu doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 tác động đa chiều”, ông Nguyễn Thanh Kỳ - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam - chia sẻ tại hội thảo.
Với lĩnh vực chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Kỳ cho biết, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra khá tích cực, nhiều công ty chứng khoán dùng phần mềm (app) để nhà đầu tư quản lý tài khoản cũng như có ngưỡng cảnh báo rủi ro. Đồng thời, các công ty cũng triển khai cập nhật hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc (KRX), FPT (xử lý nghẽn lệnh cho Sở Giao dịch TP. Hồ Chí Minh HOSE) để bảo đảm thị trường được hanh thông.
“Khi thị trường cải thiện được năng lực công nghệ và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tích cực, dòng tiền chắc chắn sẽ chảy mạnh hơn vào kênh đầu tư chứng khoán. Không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước, mà còn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Để đón dòng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động chuyển đổi số trên thị trường chứng khoán cần chuyển động nhanh hơn”, ông Nguyễn Thanh Kỳ nhấn mạnh.
Dư địa chuyển đổi số còn rất lớn
Để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trên cơ sở đó, ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Điều này cho thấy, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có sự chủ động vào cuộc trong công cuộc chuyển đổi số.
“Ngành Ngân hàng Việt Nam đã có sự chuẩn bị, chủ động vào cuộc và khả năng thích ứng tốt trước những biến động, rủi ro trong công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt là từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tín dụng và các ngân hàng vẫn hoạt động bền bỉ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cùng các cơ quan Chính phủ một cách nhanh chóng, an toàn”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các ngân hàng cần năng động, đổi mới mô hình kinh doanh, tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số, sáng tạo đổi mới mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng.
Nhận định về cơ hội chuyển đổi số, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, không gian đổi mới sáng tạo, cho chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn rất lớn. “Chúng ta hãy hình dung, hiện có tới gần 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh nhưng chỉ khoảng 20% giao dịch ngân hàng trực tuyến và ứng dụng kỹ thuật số; hay dư địa chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán và đầu tư còn lớn hơn nữa nếu so sánh với mức độ chuyển đổi số của các quốc gia trong khu vực”, ông Vũ Viết Ngoạn chia sẻ.
Dù dư địa là rất lớn, nhưng các tổ chức tài chính có tận dụng được những cơ hội mới giữa và sau đại dịch không? Có khả năng đổi mới sáng tạo mang tính đột phá để thích ứng với mô hình tiêu dùng mới của khách hàng sau đại dịch không?... sẽ phụ thuộc vào quyết tâm chuyển đổi số ở mỗi tổ chức tài chính, ngân hàng.
“Doanh nghiệp nào không bắt tay ngay vào công cuộc chuyển đổi số, thay đổi mô hình kinh doanh sẽ tự đặt mình vào tình trạng rủi ro – cái bẫy phá sản”, ông Vũ Viết Ngoạn đưa ra lời khuyên.