Chuyển đổi số - lựa chọn tất yếu với các doanh nghiệp bảo hiểm

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 20:35, 07/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Future Banking & Financial Services Forum (Dịch vụ tài chính và ngân hàng tương lai 2021) với chủ đề "Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số", chiều 7/10, phiên Tọa đàm chủ đề Phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng số đã diễn ra với sự tham dự của nhiều diễn giả là nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, chứng khoán.

Trong 5 năm qua, riêng thị trường bảo hiểm đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, từ 25 - 30%. Cụ thể năm 2019, tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm nhân thọ ước đạt 129.120 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 107.793 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018. Cùng với đó, các sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hóa với hơn 450 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của hơn 9,8 triệu người tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ cho lĩnh vực bảo hiểm vẫn có phần chưa tương xứng, các ứng dụng di động vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa giải quyết yêu cầu về dữ liệu lớn của ngành bảo hiểm hiện nay như việc từ khối dữ liệu khổng lồ dự đoán được nhu cầu mỗi nhóm khách hàng để xây dựng gói sản phẩm thích hợp. Chính từ thực tế trên, Diễn đàn Dịch vụ tài chính hướng tới việc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, ứng dụng và vận hành các sản phẩm, dịch vụ tài chính số.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm

Chia sẻ tại phiên tọa đàm, ông Lê Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài gòn - Hà Nội (BSH) đánh giá thị trường bảo hiểm có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Đơn cử như việc kênh phân phối đã phát triển rộng rãi nhưng không có biện pháp để kết nối thì sẽ không thâm nhập được vào thị trường. Nếu chỉ bán hàng theo hình thức cũ sẽ có rất ít khách hàng. Hiện nay có các kênh chuyển đổi số, kỹ thuật số… (Digital) phát triển rất mạnh và rất rộng, nếu ứng dụng được sẽ là điểm quan trọng nhất để bán các sản phẩm tốt hơn. Hay như việc, cấu trúc đơn vị bảo hiểm cũng như quy trình đã được xây dựng hàng chục năm trước đây sẽ lấy mất khá nhiều thời gian và công sức trong hoạt động. Với việc áp dụng Digital sẽ giúp giảm thiểu được công sức. Cụ thể hơn, áp dụng số hóa giúp chúng ta giải quyết được cùng lúc các quy trình vận hành cả ở cùng cấp và cả với cấp trên cấp.

“Sử dụng công nghệ là điều tất yếu mà các công ty bảo hiểm phải thực hiện. Các công nghệ hiện nay là đang có và đang được ứng dụng rộng rãi, áp dụng cho từng khâu từng lĩnh vực. Tuy nhiên, khi áp dụng số hóa, con người lại là thách thức lớn nhất. Chúng ta đang áp dụng nhiều máy móc, công nghệ 4.0 nhưng con người thì đang ở mức 0.4. Cho nên chuyển đổi số cũng là thách thức và khó khăn rất lớn.”, ông Nam nói.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life cho biết, sau 5 năm đi vào hoạt động chuyển đổi số luôn là vấn đề được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. MB Ageas Life xác định cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa các doanh nghiệp làm bảo hiểm cùng về một vạch đích. "Đây là cơ hội để chúng tôi có thể bắt kịp so với những công ty đứng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm có kinh nghiệm nhiều năm.

Cũng theo ông Đỗ Tuấn Anh, hiện nay MB Ageas Life đang làm lại chiến lược 5 năm giai đoạn 2021-2026. Trong đó xác định có 3 trụ cột và hai nền tảng chính, thứ nhất là chuyển đổi số và dữ liệu, thứ hai là con người. Khi làm thành công chuyển đổi số sẽ giúp giảm rất nhiều nhân lực nhưng hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. "Một công ty bao hiểm ở nước ngoài mà chúng tôi tìm hiểu thì sau khi chuyển đổi số có thể giảm 70% nhân lực nhưng tăng được đến 32% về doanh số", ông Đỗ Tuấn Anh dẫn ví dụ và cho biết MB Ageas Life sẽ xây dựng khối dữ liệu số để tăng tối ưu trải nghiệm khách hàng và các kênh khác, các khối mới trong mô hình tổ chức để phục vụ chuyển đổi số. "Chúng tôi đã thành lập riêng 1 văn phòng chuyển đổi số, văn hóa làm việc mới với mong muốn chuyển đổi nhanh và linh hoạt", ông Tuấn Anh nói.

Chia sẻ về chuyển đổi số ở doanh nghiệp của mình, ông David A Chan, Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Liberty cho biết các dịch vụ mới hiện nay của công ty đều được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo. Cũng như các nền tảng đều trực tuyến toàn bộ từ khâu giao dịch đến khâu thanh toán với hệ sinh thái rất rộng giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Trong vòng 3 năm tới, các dịch vụ mới hiện nay của công ty sẽ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo. Các dịch vụ cơ bản sẽ được hỗ trợ qua các đại lý và các trung gian số hóa. Phía công ty chỉ cần tập trung đào tạo nhân lực của mình để triển khai, hỗ trợ, tư vấn sâu đối với khách hàng. Việc số hóa sẽ giảm thiểu các thủ tục, giấy tờ, thời gian như hiện nay và chuyển sang hợp đồng điện tử.

Từ góc độ cơ quan quản lý, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng trong giai đoạn hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đã triển khai số hóa hoạt động trên các nền tảng ứng dụng (app), quy trình khai thác sản phẩm bảo hiểm trực tuyến, quy trình giải quyết bồi thường bảo hiểm trực tuyến. Bên cạnh đó, các đơn vị bảo hiểm cũng chủ động hợp tác với bên thứ 3 (ngân hàng số, sàn giao dịch điện tử, công ty công nghệ…) để phát triển sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã hình thành được hệ sinh thái số khép kín phục vụ khách hàng. Nâng cao khả năng của doanh nghiệp bảo hiểm trong tình hình mới đặc biệt là qua đại dịch COVID-19. Quá trình số hóa của doanh nghiệp bảo hiểm hiện tương đồng với các nước trên thế giới, các doanh nghiệp đã có chiến lược, kế hoạch phù hợp.

Tuy nhiên, bà Phạm Thu Phương cũng thẳng thắn nhìn nhận, doanh thu qua kênh bảo hiểm trực tuyến còn thấp, tiềm lực về tài chính để đầu tư công nghệ cũng như mức độ kết nối hệ sinh thái số của doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế. Nguyên nhân của những bất cập này là do các doanh nghiệp bảo hiểm còn khó khăn trong quá trình số hóa sản phẩm, năng lực tài chính, trình độ công nghệ, nhân lực cao cấp. 

Về hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp bảo hiểm chuyển đổi số, bà Phương cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được sửa đổi với nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số như: định rõ nguyên tắc bán bảo hiểm online đảm bảo minh bạch, công bằng, bảo mật thông tin khách hàng; đơn giản hóa tối đa thủ tục phê chuẩn, đăng ký sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, để vừa trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, vừa giúp họ rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường; hình thành cơ chế kết nối dữ liệu với các ngành khác để hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm hình thành hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đa dạng.

Để chuyển đổi số thành công, theo bà Phương, bản thân các công ty bảo hiểm cần kiên định triển khai quá trình này với việc đầu tư thỏa đáng về thời gian, chi phí, nhân lực.

Có thể nói, các ý kiến tại tọa đàm đều thống nhất quan điểm đánh giá cao sự cần thiết tất yếu và vai trò của chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Nhưng để đạt được thành công với việc chuyển đổi, thì như ông Lê Trung Thành, Giám đốc Chuyển đổi số, IDG Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp phải nỗ lực vượt qua được những khó khăn đúc kết với 3 chữ T: Triết lý - Tài năng - Tốc độ.

T.Dũng