Cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên: Kênh tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 07:08, 09/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chính sách cho vay đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đã và đang được khẳng định bằng hiệu quả thực tế mang lại trong thời gian qua, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, của doanh nghiệp, chính sách này càng cho thấy tính hiệu quả và hiệu ứng mang lại là rất lớn cả về mục tiêu chính sách và những yêu cầu về phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19.

Chính sách tín dụng tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên phát triển theo quy chế cho vay đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực gồm: xuất khẩu, nông nghiệp&nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo đó mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực này, không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Chính sách này đã và đang được khẳng định bằng hiệu quả thực tế mang lại trong thời gian qua, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, của doanh nghiệp, chính sách này càng cho thấy tính hiệu quả và hiệu ứng mang lại là rất lớn cả về mục tiêu chính sách và những yêu cầu về phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19. Đánh giá này phản ánh trên 4 phương diện chính sau:

Thứ nhất, với việc áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không vượt quá mức quy định của NHTW, điều này trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc 5 nhóm ngành, lĩnh vực: xuất khẩu, nông nghiệp&nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng và phát triển nhờ tiếp cận nguồn vốn lãi suất hợp lý, giảm chi phí đầu vào, hoạt động hiệu quả và cạnh tranh.

Hiện nay, mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực này ở mức không quá 4,5%/năm. Đây là mức lãi suất thấp và có ý nghĩa hỗ trợ rất lớn, tạo điều kiện doanh nghiệp duy trì, ổn định và tăng trưởng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi các chi phí của doanh nghiệp phát sinh và tăng cao do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Thứ hai, xét góc độ kinh tế và phân tích theo ngành lĩnh vực đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên này, khi được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, về môi trường kinh doanh sẽ là động lực cho tăng trưởng và phát triển. Trong đó, chính sách tín dụng này đã góp phần quan trọng cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng trưởng và phát triển bền vững. Chỉ tính riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tổng dư nợ cho vay của chương trình đạt gần 190.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là những khoản vay ngắn hạn và áp dụng lãi suất thấp, với vòng quay tín dụng khoảng 2-3 vòng/năm, thì thực tế quy mô hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn hơn nhiều. Theo đó, tổng số tiền vay được hỗ trợ đối với doanh nghiệp là khoảng từ 400 - 600 nghìn tỷ đồng. Như vậy, ý nghĩa mang lại của chương trình là rất lớn.

Thứ ba, chương trình đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế và mục tiêu tiêu chính sách tiền tệ. Đặc biệt, trong những giai đoạn nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay, chương trình tín dụng này càng cần thiết và phù hợp: vừa tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, vừa là động lực để thúc đẩy các ngành lĩnh vực này tăng trưởng, phù hợp với kế hoạch phục hồi kinh tế hiện nay.

Thứ tư, chính sách tín dụng này góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và hoạt động minh bạch. Theo đó, để đáp ứng điều kiện và tiếp cận tốt chính sách, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng cần chứng minh hoạt động hiệu quả, sổ sách kế toán và tài chính công khai minh bạch theo quy định pháp luật về tài chính kế toán. Đây là những yếu tố không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, khắc phục những tồn tại hạn chế của doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà nếu thực hiện tốt sẽ trở thành những động lực để doanh nghiệp không ngừng đổi mới, cạnh tranh và phát triển.

Nguyễn Đức Lệnh