Chi phí chống dịch chiếm 20% chi phí vận hành của doanh nghiệp dệt may, da giày
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 09:59, 09/10/2021
|
Kết quả khảo sát này được chia sẻ tại buổi Đối thoại “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may – da giày Việt Nam” do VITAS và LEFASO đồng tổ chức chiều 8/10.
TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết nhóm nghiên cứu đã khảo sát 2 đợt. Đợt 1, nhóm khảo sát online 256 doanh nghiệp dệt may, dày dép cùng 3 nhãn hàng. Đợt 2 nhóm nghiên cứu phỏng vấn qua điện thoại với 300 công nhân trong ngành.
Kết quả cho thấy có sự chênh lệch lớn về khả năng duy trì hoạt động các các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong các khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, có 65,3% doanh nghiệp Việt Nam đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, có tới 62,7% doanh nghiệp FDI trong ngành dệt may, da giày vẫn duy trì hoạt động.
Trong bối cảnh dịch bệnh, chi phí vận hành doanh nghiệp tăng mạnh. Ước tính của nhóm khảo sát cho thấy DN phải chi thêm chi phí 3 tại chỗ cho 1 lao động trong 1 tuần là 2,2 triệu đồng bao gồm phụ cấp, xét nghiệm và ăn ở. Bình quân, một DN có 1.000 lao động sẽ phải chi thêm 2,2 tỷ đồng cho 1 tuần. Trong khi thời gian áp dụng 3 tại chỗ trung bình là 10,4 tuần. Chi phí chống dịch chiếm khoảng 20% trong chi phí vận hành của doanh nghiệp.
Trong khi chi phí tăng cao, dịch bệnh khiến cho tiến độ hoàn thành đơn hàng bị chậm trễ, hơn 48% DN tham gia khảo sát bị chậm tiến độ giao hàng và 68% bị nhãn hàng phạt vì giao hàng không đúng hạn.
Các doanh nghiệp chậm giao hàng có khả năng bị khách hàng hủy giữa chừng và rút đơn hàng đang sản xuất chuyển sang các quốc gia khác. Khi nhãn hàng đồng ý giãn thời gian giao thì doanh nghiệp sản xuất phải trả chi phí xuất hàng bằng đường hàng không. Còn nếu doanh nghiệp dệt may, da giày xin lùi ngày xuất khẩu thì đối tác đề nghị giảm giá 15%. Trong khi đó, các đơn hàng cho năm 2022 bị tạm dừng hoặc giảm số lượng.
Chia sẻ từ một nhãn hàng cho thấy các nhãn hàng đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế như tốc độ sản xuất, hiệu suất, năng lực, lao động trẻ, có trình độ, vị trí chiến lược và lộ tuyến vận chuyển thuận lợi tới Mỹ và EU. Đợt dịch này không làm mất đi các lợi thế đó nên DN vẫn tiếp tục làm ăn ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều công ty sẽ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng để phòng ngừa rủi ro.
Một nhãn hàng có 100 nhà cung ứng ở Việt Nam cho biết, để kịp mùa Giáng sinh, chắc chắn phải dùng hình thức vận chuyển bằng đường hàng không với chi phí rất cao.
Để phục hồi sản xuất nhanh chóng, doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt với vấn đề thiếu lao động cũng như sự khủng hoảng trong vận tải đường biển (thiếu nhân công, tắc nghẽn vận chuyển) khi thời gian vận chuyển tăng gấp đôi (từ 40 ngày lên 80 ngày với hành trình từ châu Á đến Mỹ).
Trên 60% người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, con cái. Họ bị kiệt quệ về tâm lý, sức khỏe và kinh tế trong thời gian giãn cách. Tuy nhiên, có 89% người lao động di cư và 96% người lao động địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại.
“Mặc dù người lao động muốn tiếp tục làm việc ở nhà máy, nhưng họ còn nhiều nỗi lo về sức khỏe và gia đình, do đó nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, sẽ phải mất 3 – 5 tháng để người lao động di cứ trở lại nhà máy” – TS. Đỗ Quỳnh Chi cho biết.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng có một số yếu tố tích cực như tỷ lệ phủ vắc-xin ít nhất một mũi của 2 ngành dệt may, da giày khá cao, khoảng 73%. Người lao động mong muốn trở lại làm việc tại các nhà máy. Một số nhãn hàng hỗ trợ tiền xét nghiệm, chia sẻ chi phí ship air, cam kết đơn hàng sau dịch…
VITAS dự tính, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm nay chỉ đạt từ 30-33 tỷ USD và thấp hơn kế hoạch được đề ra từ đầu năm 6-9 tỷ USD. |