Cộng đồng quốc tế đạt được một thỏa thuận thuế đột phá cho thời đại số

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 19:56, 10/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cải cách lớn đối với hệ thống thuế quốc tế đạt được thỏa thuận tại các quốc gia thành viên OECD vào ngày 8/10/2021 sẽ đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia (MNE) sẽ phải chịu mức thuế tối thiểu 15% từ năm 2023.

Thỏa thuận này nhằm mục đích ngăn các công ty lớn cố tình “đặt” lợi nhuận ở các quốc gia có thuế thấp, bất kể khách hàng của họ ở đâu, một vấn đề ngày càng trở nên cấp bách với sự phát triển của những gã khổng lồ 'công nghệ lớn' có thể dễ dàng kinh doanh xuyên biên giới.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt, được 136 quốc gia và khu vực pháp lý đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu đồng ý, cũng sẽ phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới cho các quốc gia trên toàn thế giới, đảm bảo rằng các công ty này nộp thuế công bằng ở bất cứ nơi nào họ hoạt động và tạo ra lợi nhuận.

Sau nhiều năm đàm phán ráo riết nhằm cải cách hệ thống thuế quốc tế, 136 khu vực pháp lý (trong số 140 thành viên của Khuôn khổ toàn diện về chống xói mòn thuế và chuyển dịch lợi nhuận, BEPS của OECD/G20) đã tham gia Tuyên bố về Giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh từ số hóa nền kinh tế. Tuyên bố này là sự cập nhật và hoàn thiện thỏa thuận chính trị đạt được trong tháng 7 của các thành viên trong Khuôn khổ toàn diện nhằm cải cách cơ bản các quy tắc thuế quốc tế.

Với việc Estonia, Hungary và Ireland đã tham gia hiệp định, hiệp định này hiện được tất cả các nước OECD và G20 ủng hộ. Bốn quốc gia Kenya, Nigeria, Pakistan và Sri Lanka vẫn chưa tham gia hiệp định.

Giải pháp hai trụ cột sẽ được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 tại Washington D.C vào ngày 13/10, sau đó là Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 tại Rome vào cuối tháng 10.

Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu không tìm cách loại bỏ cạnh tranh về thuế, nhưng đặt ra những hạn chế đã được thỏa thuận đa phương và sẽ chứng kiến ​​các quốc gia thu về khoảng 150 tỷ USD doanh thu mới hàng năm. 

Trụ cột 1 sẽ đảm bảo phân phối lợi nhuận và quyền đánh thuế công bằng hơn giữa các quốc gia đối với các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất. Trụ cột này cũng sẽ phân bổ lại một số quyền đánh thuế đối với các MNE tại bản quốc và các thị trường nơi các công ty này có hoạt động kinh doanh và phát sinh lợi nhuận, bất kể doanh nghiệp có hiện diện thực tế ở đó hay không. Cụ thể, các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 20 tỷ EUR và lợi nhuận trên 10% - có thể được coi là người chiến thắng trong toàn cầu hóa - sẽ được áp dụng các quy định mới, với 25% lợi nhuận trên ngưỡng 10% sẽ được phân bổ lại tại các khu vực pháp lý khác.

Theo Trụ cột 1, quyền đánh thuế đối với hơn 125 tỷ USD lợi nhuận dự kiến ​​sẽ được phân bổ lại cho các khu vực pháp lý thị trường mỗi năm. Thu nhập từ các nước đang phát triển dự kiến ​​sẽ lớn hơn so với các nền kinh tế phát triển, tính theo tỷ lệ thu nhập hiện có.

Trụ cột 2 đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu được là 15%. Mức thuế tối thiểu mới sẽ áp dụng cho các công ty có doanh thu trên 750 triệu EUR và ước tính tạo ra khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu hàng năm. Các lợi ích khác cũng sẽ được tạo ra từ sự ổn định của hệ thống thuế quốc tế và tính chắc chắn về thuế đối với người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cho biết: “Thỏa thuận sẽ giúp các quy định thuế quốc tế của chúng ta trở nên công bằng hơn và hoạt động tốt hơn”. “Đây là một thắng lợi lớn của chủ nghĩa đa phương cân bằng và hiệu quả. Thỏa thuận có ảnh hưởng sâu rộng này đảm bảo hệ thống thuế quốc tế của chúng ta phù hợp với nền kinh tế thế giới được số hóa và toàn cầu hóa. Bây giờ chúng ta cần làm việc khẩn trương và chăm chỉ để đảm bảo thực hiện hiệu quả cuộc cải cách lớn này” , Tổng Thư ký Cormann nói.

V.Hiệu