Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020: Nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19

Diễn đàn tài chính tiền tệ - Ngày đăng : 14:50, 10/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) -Bài viết chỉ rõ những tác động của dịch COVID-19 đến các lĩnh vực, ngành kinh tế của nước ta, tìm hiểu các biện pháp đã thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, đồng thời nêu một số khuyến nghị để phát triển giai đoạn hậu COVID-19.

Tóm tắt: Việt Nam là một trong số ít quốc gia được đánh giá thành công trong phòng chống dịch COVID-19 nhưng  năm 2020 thực sự là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Vietnamese enterprises in 2020: efforts to overcome difficulties caused by the COVID-19 pandemic

Abstract: Vietnam is one of the few countries recorded successful in the management of COVID-19 outbreak. However, 2020 is really a difficult year for businesses due to impacts of the pandemic. The article specifies the impacts of the COVID-19 pandemic on the economic sectors and industries of our country, exploring measures implemented to remove difficulties for businesses affected by the pandemic, and at the same time proposes  a number of recommendations for the development of the post COVID-19 stage.

1. Thực trạng các ngành kinh tế của Việt Nam năm 2020

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đang hoạt động năm 2020 giảm 6,4% so với năm 2019. Năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019, bao gồm: 46,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp Việt Nam rút lui khỏi thị trường.

Bảng 1: Số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam

(Đơn vị: nghìn)

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam.

- Ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu các sản phẩm nông - thủy sản. Các thị trường nhập khẩu chính các sản phẩm nông – thủy sản của Việt Nam như Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN, Mỹ, EU đều bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nên đã giảm lượng hàng hóa nhập khẩu. Ngành phụ trợ nông nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp, dẫn đến sản lượng của ngành hóa chất, phân bón, thiết bị nông nghiệp giảm, các yếu tố đầu vào của những ngành phụ trợ này phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

- Ngành công nghiệp và xây dựng: Mức độ tăng trưởng của ngành này năm 2019 là 8,9%, năm 2020 là 3,98%, đây là năm có tốc độ tăng trưởng của ngành thấp nhất trong giai đoạn 2015-2020. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu – đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử; dệt may; da - giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô.... Do đó, khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất trong thời gian đầu năm 2020. Các ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, da giày… đều bị ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào, không tiêu thụ được các sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2020, khi các quốc gia nêu trên có các biện pháp chống dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi. Song các quốc gia nhập khẩu những sản phẩm đầu ra của những ngành này như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số khu vực.

Nguyên nhân của việc ngành công nghiệp ở Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVDID-19 do nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế giai đoạn 2015-2020

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

- Ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất so với các ngành khác do tổng cầu giảm (cả trong và ngoài nước). Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ đại dịch (gồm dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành). Năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% và giảm 13%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3% và giảm 59,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 534,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,6% và giảm 4% so với năm 2019. Nguyên nhân chính là do lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 78,7%, cụ thể: khách đến từ châu Á đạt giảm 80,4%; khách đến từ châu Âu giảm 69%; khách đến từ châu Mỹ giảm 75,7%; khách đến từ châu Úc giảm 76,2%; khách đến từ châu Phi giảm 73,9% so với năm trước. Năm 2020, doanh thu du lịch lữ hành giảm 59,5%; doanh thu dịch vụ khác  giảm 4% so với năm 2019.

- Ngành vận tải, kho bãi cũng chịu tác động rất mạnh bởi dịch bệnh COVID-19. Năm 2020, vận tải hành khách giảm 29,6%; vận tải hàng hóa giảm 5,2% so với năm trước. Doanh thu của các ngành hàng không, đường sắt và đường bộ đều giảm, riêng ngành hàng không bị thiệt hại nặng nề do việc dừng và giảm các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam trong nội địa và quốc tế.

- Bán lẻ cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, chủ yếu do tổng cầu giảm ở giai đoạn đầu năm 2020, tuy nhiên đến cuối năm 2020 ngành này có những hồi phục nhất định do Việt Nam đã kiểm soát dịch tương đối tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2019.

- Hoạt động kinh doanh bất động sản chịu ảnh hưởng nhiều nhất là mảng cho thuê mặt bằng thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ. Do lượng khách du lịch quốc tế giảm nên các khách sạn hầu như vắng khách. Tuy nhiên, về cuối năm 2020, thị trường bất động sản có những dấu hiệu phục hồi. Nguyên nhân là một số giải pháp, cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản được đề ra và ban hành từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng, tác động tích cực đến thị trường như: Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 trong đó, có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 và một số nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Trong năm 2020, hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam đều gặp khó khăn như thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào, thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu đều bị thu hẹp. Với tiềm lực tài chính và khả năng thanh khoản của khu vực doanh  nghiệp nước ta còn yếu, khi đại dịch COVID-19 lan rộng và diễn biến phức tạp, gây đình trệ sản xuất làm cho các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn về vốn cho sản xuất, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Các đơn hàng xuất khẩu bị suy giảm và khó khăn trong lưu thông hàng hóa đang là những khó khăn lớn nhất của đại bộ phận doanh nghiệp; chi phí vận chuyển, lưu kho, lưu bãi tăng lên làm giảm hiệu quả tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Hình 2: Các khó khăn doanh nghiệp gặp phải do ảnh hưởng của dịch COVID-19 

(Nguồn: Báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam và các khuyến nghị - Kết quả khảo sát của Trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 2020)

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2020 có tới trên 80% doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch, chỉ có 3,3% số doanh nghiệp nhận được ảnh hưởng tích cực từ đại dịch, các doanh nghiệp này hoạt động trong những ngành như bảo hiểm, y tế, bưu chính và chuyển phát... Nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn do: (1) Để tránh lây lan dịch bệnh, nhiều quốc gia đã thực hiện giãn cách và cách ly xã hội, hạn chế đi lại giữa các quốc gia đã khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, lưu thông hàng hoá, dịch vụ và lao động toàn cầu cũng như mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế không thể thông suốt và hiệu quả, do vậy kinh tế và thương mại quốc tế không thể hoạt động như các năm trước, thậm chí còn rơi vào tình trạng suy thoái; (2) Dịch bệnh đã làm suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội, ảnh hưởng nhiều nhất đến lĩnh vực du lịch và dịch vụ, do đó ngành dịch vụ tại các nước có dịch bệnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất và tiêu cực nhất bởi đại dịch này; (3) Chính phủ và các doanh nghiệp quyết định ngừng hoạt động kinh tế ở những nơi bị dịch bệnh, đồng thời chuyển dịch cơ sở sản xuất ra nơi khác, các doanh nghiệp giảm các hoạt động sản xuất kinh doanh do lo sợ các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, điều này tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, mức độ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các đối tác trên thế giới trong đó có Việt Nam với các quốc gia khác.

2. Các biện pháp đã thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để giảm bớt khó khăn, cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện hình thức liên kết  trong đó hình thức được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất là cho trả chậm tiền hàng, với 33,3% doanh nghiệp áp dụng; chia sẻ đơn hàng với 7,9%; hàng đổi hàng với 3,8%; cho vay với 2,8% doanh nghiệp áp dụng. Trong hoạt động này, nhóm doanh nghiệp vừa và lớn có mối quan hệ mật thiết giữa các doanh nghiệp hơn nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp khu vực công nghiệp và xây dựng có mối liên hệ chặt chẽ nhất với tỷ lệ là 50,1%, tiếp theo là ngành dịch vụ 46,8%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 43,5%.

Theo “Báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam và các khuyến nghị”- Kết quả khảo sát của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2020 cho thấy, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Năm 2020, Chính phủ đã có sự điều hành chủ động, sát sao, kịp thời. Một loạt các văn bản được ban hành và đi vào thực tế như: (1) Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; (2) Quyết định 437/QĐ- TT ngày 30/3/2020  về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19; (3) Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do COVID-19; (4) Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; (5) Quyết định 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. Chính phủ cũng thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (2 đợt) cho khách hàng sử dụng điện. Chính phủ thực hiện hàng loạt giải pháp ứng phó, các gói hỗ trợ kinh tế nên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện và đạt kết quả tích cực vào cuối năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN  nhằm đưa ra quy định cho các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp mà vẫn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Theo báo cáo của NHNN, năm 2020 các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270 nghìn khách hàng với dư nợ 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590 nghìn khách hàng với dư nợ hơn một triệu tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi (thấp hơn từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội (không thuộc đối tượng điều chỉnh của TT 01/2020/NHNN) đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168 nghìn khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng đến hết năm 2020 và sau 2 đợt giảm phí, tổng số phí được miễn giảm ước tính khoảng 1.004 tỷ đồng.

Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, NHNN đã ba lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô lớn, tổng mức giảm khoảng 1,5 - 2%/năm lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (Quyết định 418, 419, 420/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020, Quyết định 918, 919, 920/ QĐ-NHNN ngày 12/5/2020 và Quyết định 1729/ QĐ-NHNN ngày 30/9/2020) nhằm giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đối với doanh nghiệp, NHNN đã giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên…

Bên cạnh việc điều chỉnh giảm lãi suất, NHNN điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ như:  công cụ tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở nhằm bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, đồng thời chủ động kiểm soát tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Bộ Tài chính cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm khôi phục kinh tế. Các chính sách Bộ Tài chính áp dụng miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế, phí… thông qua các văn bản như Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết số 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; Quyết định số 155/2020/QĐ-BTC về ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu khẩu phục vụ việc phòng, chống dịch; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô… Một loạt các loại phí, lệ phí đã được Bộ Tài chính trình cắt giảm nhằm giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp. Theo thống kê, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành ước tính thực hiện cả năm 2020 là khoảng 110 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 80 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 30 nghìn tỷ đồng).

 

3. Một số khuyến nghị

Đối với các doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần phải chủ động chuyển mình thích ứng với bối cảnh kinh tế hiện nay: thay đổi cách vận hành doanh nghiệp, áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tập trung nguồn lực khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; áp dụng mô hình kinh doanh trên Internet để giảm thiểu chi phí…

Doanh nghiệp cần chủ động quản lý khủng hoảng và quản lý thanh khoản. Việc quản lý khủng hoảng của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa tốt, các doanh nghiệp có thể thực hiện như thiết lập đội phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề bất thường phát sinh về an toàn lao động, nguồn cung ứng, nguyên liệu sản xuất…. Để quản lý thanh khoản, các doanh nghiệp phải tính toán, cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết và theo dõi chặt chẽ công nợ, các kế hoạch mua sắm tài sản cố định có thể thay thế bằng việc đi thuê tài sản để có thể duy trì lượng tiền mặt dự phòng đủ lớn, có khả năng phòng ngừa đươc các rủi ro bất thường. Cần xây dựng khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động, thay đổi định hướng kinh doanh và chiến lược để đối phó với các thay đổi của môi trường kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần đưa ra giải pháp ngắn hạn, có thể thực hiện ngay nhằm tăng hiệu quả hoạt động và tăng dòng tiền. Các giải pháp bao gồm rà soát lại danh mục đầu tư và bán hoặc thoái vốn thích hợp, phân bổ lại nguồn lực đầu tư nhằm tối ưu hiệu quả, và tối ưu các khoản vay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xem xét lại cơ cấu sản phẩm, cơ cấu khách hàng, và chính sách giá; rà soát lại công tác mua sắm và chi phí chuỗi cung ứng, thực hiện kế hoạch sử dụng vốn tối ưu. Việc cắt giảm chi phí cũng phải được tính toán hợp lý để không ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển trong dài hạn, bởi vì việc siết chặt chi phí và các nguồn lực quá mức có thể tác động tiêu cực đến khả năng tăng trưởng và phát triển trong tương lai - đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó cạnh tranh và dẫn đến một trạng thái khủng hoảng mới sau khủng hoảng.

Doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược tái định vị, cải cách mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tương tác tốt và hiệu quả hơn với hành vi và nhu cầu khách hàng. Doanh nghiệp phải kiểm soát tốt sự gia tăng về chi phí của chuỗi cung ứng, lựa chọn các nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy hoặc không sẵn sàng của chuỗi cung ứng.

Đối với Chính phủ

Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát để thu hút đầu tư và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đề ra. Đây là nền tảng và định hướng quan trọng nhất cho nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành. Theo Nghị quyết 01/2021/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số. Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng thị trường, khai thác tận dụng các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý.

Đối với Ngân hàng Nhà nước

NHNN đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng và tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Để đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, NHNN thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động và độ chính xác của thông tin mà các ngân hàng thương mại cung cấp nhằm gia tăng tính minh bạch của hệ thống ngân hàng, các thông tin về quản trị rủi ro, nợ xấu, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cần phản ánh đúng nhằm đánh giá chính xác được tình trạng của hệ thống ngân hàng để đưa ra được các biện pháp xử lý thích hợp. NHNN cần đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu trong bối cảnh mới, tiếp tục lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng khả năng quản trị rủi ro, nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.

NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, nhưng cần thích ứng trong bối cảnh mới; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối

NHNN tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tín dụng tăng trưởng dư nợ có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ. NHNN cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có đủ nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đối với Bộ Tài chính

Đẩy mạnh xúc tiến triển khai dịch vụ thuế điện tử eTax. Tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế và phí, lệ phí như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, giảm thuế suất thuế GTGT cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn… Các công ty nước ngoài mở rộng hoạt động đầu tư trong nước nên được xem xét hỗ trợ thuế bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm đầu hoạt động.

Thực hiện hỗ trợ đúng các nhóm đối tượng theo quy định của Chính phủ, để tránh bị lạm dụng, kể cả từ phía cơ quan quản lý cũng như đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế tạo điều kiện về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp khi kê khai các thủ tục giãn thuế.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ, không để lợi dụng để trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có. Để làm được điều này, việc triển khai các gói hỗ trợ phải dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2021), Nghị quyết 01/2021/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

2. Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2020), Báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam và các khuyến nghị

3. Phạm Thị Thanh Thanh (2020), Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và một số khuyến nghị, Tạp chí Tài chính tháng 05/2020

4. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020

Bài viết đăng tải trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số tháng 3/2021

 TS. Nguyễn Thị Thái Hưng