Hỗ trợ nền kinh tế: Dư địa chính sách tiền tệ đã gần tới hạn

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 11:14, 11/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và không ngừng nỗ lực, toàn hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Song, thời điểm này đã có những chỉ dấu cho thấy ngân hàng cũng cần được trợ lực để tiếp tục thực hiện tốt vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Đặc biệt, độ trễ từ chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng sẽ tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Hỗ trợ nền kinh tế khắc phục khó khăn do dịch COVID-19

Ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện, ngành Ngân hàng đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và kịp thời xây dựng, triển khai các giải pháp mới trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế của đại dịch. NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN), tạo khung khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ; tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ; khuyến khích TCTD cho vay mới để khách hàng duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn. Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, ngày 7/9/2021, NHNN đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN để tạo điều kiện cho TCTD tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Đến 31/8/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 227.009 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 520.000 tỷ đồng.

Các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 1,14 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,6 triệu tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/8/2021 đạt trên 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Bên cạnh đó, triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 42/NQ-CP, NHNN đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động. Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, đến ngày 10/9/2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 367,4 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền 280,5 tỷ đồng đối với 523 đơn vị sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 80.729 lượt người lao động.

Ngành Ngân hàng cũng đã cùng với các bộ ngành thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu mua lúa gạo. Từ đầu năm 2021 đến nay, các TCTD tại Đồng bằng sông Cửu Long đã cấp hạn mức tín dụng hơn 70 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ thóc, gạo; đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế hơn 93 nghìn tỷ đồng để thu mua hơn 12 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 đạt khoảng 56 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 80% hạn mức tín dụng được cấp và tăng hơn 30% so với cuối năm 2020, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung.

Áp lực từ độ trễ chính sách

Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đến ngày 9/9/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9,84 triệu tỷ đồng, tăng 7,04% so với cuối năm 2020, tăng 14,82% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng trưởng khá. Bốn trong số 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng nền kinh tế, trong đó tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng mạnh, ở mức 19,02%.

Nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh sẽ tăng trong thời gian tới. Song các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức cao và có xu hướng tăng, quy mô tín dụng hiện đã rất lớn (dư nợ hiện trên 9,8 triệu tỷ đồng).

Việc cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung, dài hạn) vẫn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng, từ đó luôn tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng, kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống TCTD. Do đó, cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường vốn, từng bước thay thế kênh tín dụng trung dài hạn của hệ thống ngân hàng theo chủ trương và lộ trình của Chính phủ.

Chuyên gia cho rằng, qua gần hai năm dịch COVID-19 xuất hiện, việc sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới hạn. Bởi, thứ nhất, lãi suất điều hành của NHNN ở mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, nhiều thời điểm lãi suất liên ngân hàng sát 0%. Thứ hai, việc gia tăng tỷ lệ nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng ngày càng hiện hữu sẽ làm suy giảm chất lượng Bảng cân đối của các TCTD, ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Thứ ba, hệ thống TCTD vẫn đang phải dành nguồn lực để tiếp tục cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.

Thực tế, do tác động của dịch bệnh COVID-19, nợ xấu của các TCTD có xu hướng tăng. Đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73% (cuối năm 2020 là 1,69%). Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý là 78,86 nghìn tỷ đồng, trong đó: sử dụng dự phòng rủi ro là 33,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 42%; thông qua bán nợ là 18,66 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,7%; khách hàng trả nợ là 20,55 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,11%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu đến cuối tháng 6/2021 là 3,66%. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%). Từ thực tế này, chuyên gia đề xuất cần sớm Luật hoá các chính sách quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của các TCTD, theo hướng ban hành Luật riêng quy định về xử lý nợ xấu.

Để giảm áp lực tỷ lệ nợ xấu cao, duy trì sự an toàn của hệ thống TCTD, nganhg Ngân hàng kiến nghị Chính phủ cần có bố trí nguồn vốn xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (NSNN) Trung ương, địa phương; nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ; phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi và phải sử dụng NSNN để xử lý.

Kinh tế trong nước từ năm 2022 dự kiến phục hồi nhờ các đối tác thương mại lớn phục hồi, tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát cơ bản và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao. Với dư địa chính sách tài khóa Việt Nam đang tích cực và bền vững hơn các nước trong khu vực là cơ sở để Chính phủ có thể thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, tăng quy mô các gói an sinh xã hội nhằm kích thích mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng khi sức cầu trong nước phục hồi, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung và chuỗi cung ứng chưa kịp phục hồi. CPI bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 0,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cả năm 2021, lạm phát bình quân dưới 4%.

Song, rủi ro áp lực lạm phát tăng cao trong các tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022 là hiện hữu do các nguyên nhân: Xu hướng tăng của giá nhiên liệu thế giới; Chuỗi cung ứng trong nước và thế giới bị đứt gẫy, khả năng phục hồi chậm so với tốc độ tăng của tổng cầu khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh. Đặc biệt, các yếu tố như độ trễ từ các biện pháp tài khóa, tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế; lộ trình điều chỉnh một số dịch vụ do nhà nước quản lý... là những áp lực lớn lên nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của NHNN.

Mục tiêu lúc này là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, song kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô luôn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.

Hằng-An