Các TCTD đã dành gần 31.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 18:35, 12/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tổng số tiền lãi vay các tổ chức tín dụng (TCTD) đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng từ năm 2020 đến nay đạt khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 TCTD giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng với tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng. Cùng với đó, các ngân hàng đã dành khoảng 3.400 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội.

 Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo

Ngành Ngân hàng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19

Phát biểu tại buổi Họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2021 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều ngày 12/10, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong bối cạnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, hoạt động ngân hàng vẫn diễn ra an toàn, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ vẫn được NHNN điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”.

Tính đến ngày 7/10/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020.

Trong điều hành lãi suất: Từ đầu năm 2021, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cuối tháng 8/2021 tiếp tục giảm so với tháng 12/2020.

Theo báo cáo từ các TCTD, đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.

Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng đạt khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 TCTD (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.​

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng được các TCTD đặc biệt quan tâm, số liệu được Phó Thống đốc đưa ra tại buổi họp báo cho thấy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, các TCTD đã dành khoảng 3.400 tỷ đồng để thực hiện các công tác an sinh, xã hội trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát. "Như vậy, cộng với tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng, thì các TCTD đã dành gần 31.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19", Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Trong 9 tháng năm 2021, thị trường ngoại tệ, tỷ giá và thị trường tiếp tục diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, cụ thể: Đến cuối tháng 9/2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn 462 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP với số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn để trả lương 130.741 lượt người lao động; tái cấp vốn cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay Vietnam Airlines; tháo gỡ khó khăn cho thu mua, tiêu thụ lúa gạo, với dư nợ tăng gần 5.000 tỷ đồng, hạn mức cấp tín dụng tăng 1.500 tỷ đồng, sau hơn 1 tháng các TCTD triển khai Công văn 5747/NHNN-TD.

Về kết quả triển khai cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN, Phó Thống đốc cho biết, đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.

Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực cho biết, do tác động của dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020; thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81%  và 133,12% .

Mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng

 Toàn cảnh buổi họp báo

Với nhận định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế rủi ro khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế vay mới và chấp nhận thu hẹp sản xuất, tạm dừng kinh doanh. Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD. Dư địa chính sách tiền tệ, tín dụng ngày càng hạn hẹp trong điều kiện rủi ro lạm phát gia tăng và dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, quan điểm chung trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm thực hiện được mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; giữ vững an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.

Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đảm bảo thanh khoản ổn định trên thị trường tiền tệ; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục chỉ đạo và giám sát việc TCTD thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

"Trước mắt NHNN tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện tại, đồng thời sẽ theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường để điều hành lãi suất một cách phù hợp trong thời gian tới", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

NHNN cũng tiếp tục bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và quốc tế để triển khai các giải pháp kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đề ra, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.

Thừa nhận những giải pháp trên không phải là mới nhưng Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định, các giải pháp trên cần phải được duy trì. Bởi lẽ, nếu bây giờ thực hiện các biện pháp nới lỏng thì rủi ro sẽ rất lớn. "Qua kinh nghiệm điều hành thực tế chúng tôi thấy rằng, nếu như hôm nay chúng ta dễ dãi thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt gấp nhiều lần trong tương lai", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phó Thống đốc cũng cho rằng, nếu nhu cầu của nền kinh tế cần thiết thì mở rộng tín dụng sẽ được thực hiện, còn giảm chất lượng hay điều kiện tín dụng thì không đặt ra. Tuy vậy, các TCTD vẫn phải mở rộng tín dụng để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp khó khăn nhiều mặt do tác động của dịch COVID-19 nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng để kiểm soát nợ xấu, không chỉ trong trung dài hạn mà còn cho cả năm 2021 và 2022.

NHNN tiếp tục theo dõi kết quả thực hiện của các TCTD về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Đồng thời, đôn đốc, theo dõi việc giảm lãi suất của 16 TCTD như cam kết để thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP, Quyết định 1284/QĐ-NHNN và cam kết tại cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng. Tiếp tục hỗ trợ tín dụng để góp phần không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giá trị, chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa để tăng nhanh vòng quay vốn tín dụng...

Trong hoạt động thanh toán, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo TCTD triển khai chính sách về giảm phí giao dịch thanh toán; Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ người dân, đặc biệt người dân ở khu vực ảnh hưởng dịch COVID-19, mở và sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ mà không cần phải đến các điểm giao dịch của ngân hàng.

NHNN cũng sẽ tăng cường giám sát thường xuyên và tổ chức ngay các đợt thanh tra chuyên đề khi dịch bệnh đã được kiểm soát; Các TCTD tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, nhất là đối với các khoản cho vay cũ và các khoản cho vay trung, dài hạn; tập trung bổ sung, tăng vốn điều lệ của các TCTD.

"Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp đang thực hiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do COVID-19, dành tối đa mọi nguồn lực hiện có, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, trong khuôn khổ quy định của pháp luật; đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi nền kinh tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát...", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ:

"Dư địa tín dụng còn lại của năm 2021 là phù hợp"

Trong điều kiện hiện nay, lạm phát bình quân 9 tháng là 1,82% thấp hơn so với mức chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Qua theo dõi, ngay từ đầu năm NHNN cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống là 12%. Tính đến tuần đầu tháng 10/2021, tín dụng tăng khoảng 7,42%, như vậy chúng ta vẫn còn dư địa trên 4,5% cho những tháng còn lại của năm. NHNN sẽ tiếp tục theo sát diễn biến lạm phát, tăng trưởng tín dụng để có thể điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD khi cần thiết. Qua theo dõi, dư địa tín dụng còn lại là trên 4,5% khá là phù hợp cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay.

Đến năm 2022, dự báo cũng có nhiều thách thức cho kiểm soát lạm phát (kinh tế toàn cầu cũng hồi phục, cầu tăng lên; chính sách tiền tệ các nước bắt đầu thu hẹp dần...). Tuy nhiên trong điều hành, một mặt NHNN vẫn theo sát diễn biến vĩ mô và lạm phát nhưng mặt khác vẫn sẽ cố gắng dùng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có chỉ tiêu tín dụng tiếp tục được điều hành phù hợp để góp phần giúp nền kinh tế phục hồi sớm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế:

"Hy vọng gói cấp bù lãi suất sẽ sớm được triển khai"

Với gói cấp bù lãi suất theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, NHNN thấy rằng, gói này hết sức cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Khi có Nghị quyết chính thức, NHNN sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để triển khai. Chúng tôi hy vọng, gói hỗ trợ này sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán:

"Không có vướng mắc lớn trong triển khai Mobile Money"

Một trong những mục tiêu quan trọng của Mobile Money là cung ứng dịch vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo... chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính. Tất cả các Bộ, ngành đều làm theo Quyết định 316/QĐ-TTg của Chính phủ, NHNN cam kết tuân thủ các quy định về Mobile Money mà Thủ tướng đưa ra

Ngân hàng Nhà nước đã nhận được hồ sơ về Mobile Money của 3 đơn vị. Sau khi lấy ý kiến từ Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hồ sơ đã được gửi doanh nghiệp viễn thông hoàn thiện. Theo đánh giá của chúng tôi, đến thời điểm hiện nay không có vướng mắc gì lớn trong quá trình triển khai Mobile Money. Khi nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, NHNN sẽ cấp phép triển khai Mobile Money cho các doanh nghiệp viễn thông.

 

Lan Nguyễn