Dự kiến Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ hoạt động từ ngày 15/10/2021

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 10:01, 13/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự kiến ngày 15/10, Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ đi vào hoạt động. Khi đi vào hoạt động, Sàn giao dịch nợ VAMC hứa hẹn sẽ tạo lập một môi trường mua bán, xử lý nợ xấu sôi động, hiệu quả tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Trả lời các câu hỏi liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu và Sàn giao dịch nợ VAMC tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2021 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều ngày 12/10, ông Nguyễn Trọng Du cho biết, tháng 4/2021, NHNN đã phê duyệt đề án thành lập Sàn giao dịch nợ Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản (Sàn giao dịch nợ VAMC). Đến nay, VAMC cũng đã triển khai các bước cuối cùng để Sàn đi vào hoạt động.

"Theo thông tin từ VAMC, dự kiến ngày 15/10 Sàn giao dịch nợ sẽ di vào hoạt động", ông Nguyễn Trọng Du cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Du, Sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

Khi đi vào hoạt động, Sàn giao dịch nợ VAMC được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của các tổ chức tín dụng và nhiều nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký thành viên, sử dụng dich vụ và giao dịch trên sàn. Sàn giao dịch hoạt động hứa hẹn sẽ tạo lập một môi trường mua bán, xử lý nợ xấu sôi động, hiệu quả tại Việt Nam.

Với các câu hỏi liên quan đến tác động của Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, ông Nguyễn Trọng Du cho biết, việc NHNN ban hành Thông tư 14 nhằm phù hợp với tình hình mới khi làn sóng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và để lại nhiều tác động cho nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nói riêng.

Các sửa đổi tại Thông tư 14 được quy định theo hướng mở rộng các đối tượng, phạm vi, cũng như các cơ chế để hỗ trợ ngân hàng trong cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ.

Đối với khách hàng: Thông tư 14 hỗ trợ khách hàng có những khoản nợ đến hạn có thể được tiếp tục cơ cấu, không chuyển nhóm nợ. Qua đó tạo thêm thời gian cho các khách hàng thu xếp nguồn vốn trả nợ. Đồng thời, khách hàng cũng có cơ hội được vay mới khi hoạt động trở lại trong bình thường mơi, nếu có nhu cầu và có phương án khả thi.

Về phía ngân hàng: Thông tư 14 tiếp tục cho phép duy trì cơ chế cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ nhưng đồng thời vẫn yêu cầu phải tiến hành trích lập dự phòng rủi ro trong 3 năm đối với những khoản nợ được cơ cấu. Các quy định này tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm thời gian thu xếp nguồn lực, cũng như nguồn tài chính để có thể đảm bảo trong trường hợp đến hạn các khoản nợ chuyển nợ quá hạn hoặc chuyển nhóm thì ngân hàng có đủ nguồn dự phòng để xử lý và đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng.

Để ứng phó với nợ xấu gia tăng trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Du cho biết, NHNN đã triển khai một số giải pháp, có thể kể đến như:

Thứ nhất, về cơ chế chính sách, NHNN sẽ ban hành và sửa đổi thường xuyên để vừa hỗ trợ cho khách hàng vượt qua dịch COVID-19 nhưng đồng thời cũng phải lường tới những khó khăn hệ thống ngân hàng phải đối mặt. Qua đó, giúp các ngân hàng và khách hàng có thêm nguồn lực xử lý được các khoản nợ khi phát sinh.

Thứ hai, NHNN luôn luôn chỉ đạo các TCTD phải dành các nguồn lực trong việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro; trong trường hợp kinh doanh có lãi, NHNN khuyến khích các TCTD chia cổ tức bằng cổ phiếu để dành nguồn lực tối đa cho việc xử lý khi nợ xấu gia tăng.

Quay trở lại với Sàn giao dịch nợ VAMC, được biết, việc thành lập sàn giao dịch nợ xuất phát từ thực hiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 đã được phê duyệt của NHNN. Cuối tháng 6 vừa qua, VAMC phát đi thông báo Sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động theo mô hình chi nhánh, đã được Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Đại diện VAMC chia sẻ, khi đi vào hoạt động, Sàn chỉ giao dịch các khoản nợ, không bao gồm giao dịch tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Mảng giao dịch tài sản bảo đảm chỉ dừng ở chức năng tư vấn, môi giới. Đại diện VAMC cũng từng chia sẻ phiên mở hàng của sàn giao dịch nợ sẽ có ít nhất 3.000 tỷ đồng nợ xấu được giao dịch.

Ngô Hải