PwC Việt Nam: Làm việc từ xa là xu hướng tất yếu

Công nghệ - Ngày đăng : 09:30, 14/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đây chính là cơ hội cho một kỷ nguyên mới tập trung vào mô hình làm việc kết hợp (hybrid) và những phương pháp làm việc mới.

PwC Việt Nam (thành viên của PwC - công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu thế giới) vừa có đánh giá về mô hình làm việc từ xa trong bối cảnh Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19.

Sau 4 tháng giãn cách xã hội hoàn toàn và sự chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình làm việc tại nhà, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng làm việc từ xa không chỉ là xu hướng nhất thời. Làm việc từ xa là một hình thức cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc ở nơi khác ngoài không gian truyền thống của doanh nghiệp.

Trong Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ năng số Việt Nam công bố tháng 3/2021 của PwC Việt Nam cho thấy, 82% người tham gia khảo sát tin rằng làm việc từ xa sẽ trở nên phổ biến hơn, thậm chí sau đại dịch COVID-19. Trên thế giới, một khảo sát của PwC cho biết, 19% nhân viên tham gia khảo sát đã sẵn sàng làm việc từ xa hoàn toàn và 37% khác mong muốn làm việc từ xa ít nhất 2 ngày/tuần.

Ảnh minh họa

Theo PwC Việt Nam, làm việc từ xa là xu hướng tất yếu của tương lai. Một khảo sát toàn cầu của PwC về “Tương lai của làm việc từ xa” chỉ ra rằng 80% doanh nghiệp tin rằng việc áp dụng hình thức làm việc này là chuẩn mực mới của thị trường lao động. Khảo sát tiếp theo của PwC Việt Nam thực hiện vào tháng 8/2021 cho biết: 19% người tham gia khảo sát mong muốn làm việc từ xa hoàn toàn ngay cả khi đại dịch COVID-19 không còn đáng ngại; 22% người tham gia khảo sát cho biết họ muốn chủ yếu làm việc tại văn phòng (làm việc từ xa 1 ngày hoặc ít hơn mỗi tuần) và có tới 33% người tham gia khảo sát mong đợi một mô hình làm việc kết hợp giữa lực lượng làm việc toàn thời gian tại văn phòng, với lực lượng vừa làm tại văn phòng vừa có thể làm từ xa (hybrid) và lực lượng làm việc hoàn toàn từ xa.

Đây chính là cơ hội cho một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên tập trung vào mô hình làm việc kết hợp (hybrid) và những phương pháp làm việc mới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhân viên chỉ cần ở nhà và doanh nghiệp có thể hoạt động trơn tru tức thì. Sự thay đổi trong môi trường làm việc có thể mang lại nhiều vấn đề liên quan đến tương tác, năng suất, lương thưởng và phúc lợi, v.v...  

Đánh giá về những xu hướng chính thay đổi kỳ vọng về lực lượng lao động và môi trường kinh doanh, PwC Việt Nam nhìn nhận ở góc độ người lao động là sự bùng nổ thế hệ Z (Gen Z) - 80% thế hệ Z tin rằng họ có thể làm việc từ xa hiệu quả. Dự đoán đến năm 2025, thế hệ Z, nhân tố mới nhất tham gia lực lượng lao động, sẽ chiếm 1 phần 3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Công nghệ tiên tiến và những cuộc chiến thu hút nhân tài khiến người lao động kỳ vọng vào khả năng được làm việc linh hoạt. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 kéo dài có thể làm người lao động lo ngại về việc các biến thể mới lây lan khi làm việc trong môi trường văn phòng khép kín.

Đối với người sử dụng lao động, nhu cầu về nhân lực và các bộ kỹ năng cụ thể khiến doanh nghiệp tìm kiếm nhân tài vượt qua khoảng cách địa lý. Các khoản đầu tư vào các công cụ và công nghệ hỗ trợ làm việc nhóm (ví dụ: các phương tiện viễn thông) đang phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp làm việc từ xa. Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch thay đổi về diện tích văn phòng mà họ cần sử dụng cũng như phương pháp hỗ trợ nhân viên làm việc hiệu quả trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

PwC Việt Nam nhận định, rất nhiều tổ chức đang lên kế hoạch cho một mô hình kết hợp bao gồm làm việc tại chỗ, làm việc từ xa và mô hình kết hợp cả hai hình thức trên (hybrid). Để làm chủ mô hình làm việc hiện đại, doanh nghiệp cần chú ý 3 yếu tố chính đó là: Thay đổi hành vi và phong cách quản lý (Quản lý từ xa bằng kết quả, không phải đầu việc, Trao quyền, hướng dẫn và tin tưởng, Áp dụng tư duy AGILE vào quản lý hàng ngày...) ; Phương pháp quản lý hiệu suất mới (Quản trị theo mục tiêu, dựa trên chỉ số có thể đo lường; Thiết lập các chính sách và quy trình làm việc từ xa để duy trì mô hình bền vững; Tận dụng nhiều kênh hỗ trợ giao tiếp và tương tác khác nhau để đảm bảo luồng thông tin...); Xây dựng quan hệ và chủ động quan tâm tới sức khỏe của nhân viên (Chủ động sắp xếp thời gian check-in và huấn luyện (coaching); Phát triển các phương pháp làm việc nhóm từ xa hiệu quả; Trao đổi với các thành viên trong nhóm về các vấn đề ngoài công việc, chia sẻ với nhau về cuộc sống hàng ngày..)

"Cân nhắc thay đổi phong cách và các phương pháp tiếp cận thông thường là một điểm khởi đầu tốt. Trong bối cảnh làm việc từ xa, chúng ta cần xem xét lại phong cách quản lý đã áp dụng trong nhiều năm làm việc tại văn phòng", PwC Việt Nam khuyến nghị. Tuy nhiên, cũng theo PwC Việt Nam, làm việc trực tuyến làm mất đi cơ hội kết nối và giao tiếp mà chúng ta thường có tại môi trường truyền thống. Doanh nghiệp cần áp dụng các hoạt động nhằm xây dựng quan hệ vào quản lý từ xa, qua đó, xây dựng niềm tin giữa các nhân viên . "Đừng đánh giá thấp việc xây dựng quan hệ với đồng nghiệp",  PwC Việt Nam cho biết.

Minh Hoàng