G7 ban hành nguyên tắc chính sách đối với tiền kỹ thuật số bán lẻ của Ngân hàng trung ương

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 15:26, 16/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 13/10/2021, bên cạnh Tuyên bố về đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) và thanh toán kỹ thuật số, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G7 cũng đã công bố 13 nguyên tắc chính sách đối với CBDC bán lẻ.

Theo đó, 13 nguyên tắc cụ thể như sau:

Nguyên tắc 1. Ổn định tiền tệ và tài chính

Bất kỳ CBDC nào cũng phải được thiết kế để hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu chính sách công, không cản trở năng lực của ngân hàng trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình và 'không gây hại' cho sự ổn định tài chính và tiền tệ.

Nguyên tắc 2. Khuôn khổ pháp lý và quản trị

G7 đánh giá cao việc hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế hướng dẫn việc thiết kế và vận hành bất kỳ CBDC nào, cụ thể là tuân thủ pháp quyền, quản trị kinh tế lành mạnh và minh bạch phù hợp.

Nguyên tắc 3. Quyền riêng tư của dữ liệu

Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quyền riêng tư, trách nhiệm giải trình trong việc bảo vệ dữ liệu của người dùng và tính minh bạch về cách thông tin sẽ được bảo mật và sử dụng là điều cần thiết đối với bất kỳ CBDC nào để có được sự tin tưởng và tin cậy. Quy định của pháp luật ở mỗi khu vực tài phán thiết lập và củng cố thêm cho những cân nhắc đó.

Nguyên tắc 4. Khả năng vận hành và An ninh mạng

Để có được hệ thống thanh toán kỹ thuật số đáng tin cậy, lâu bền và có thể thích ứng; bất kỳ hệ sinh thái CBDC nào đều phải an toàn và có khả năng chống chịu với rủi ro mạng, gian lận và các rủi ro vận hành khác.

Nguyên tắc 5. Cạnh tranh

Các CBDC nên cùng tồn tại với các phương tiện thanh toán hiện có và phải hoạt động trong một môi trường mở, an toàn, có sức chống chịu tốt, minh bạch và cạnh tranh, có thể thúc đẩy sự lựa chọn và tính đa dạng trong các phương án thanh toán.

Nguyên tắc 6. Tài chính bất hợp pháp

Bất kỳ CBDC nào cũng cần tích hợp nhu cầu thanh toán nhanh hơn, dễ tiếp cận hơn, an toàn hơn và rẻ hơn với cam kết giảm thiểu việc sử dụng chúng tạo điều kiện cho tội phạm.

Nguyên tắc 7. Hiệu ứng lan tỏa

Các CBDC cần được thiết kế để tránh các rủi ro có hại cho hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế, bao gồm chủ quyền tiền tệ và sự ổn định tài chính của các quốc gia khác.

Nguyên tắc 8. Năng lượng và Môi trường

Việc sử dụng năng lượng của bất kỳ cơ sở hạ tầng CBDC nào phải hiệu quả nhất có thể để hỗ trợ các cam kết chung của cộng đồng quốc tế để chuyển đổi sang nền kinh tế cân bằng giữa giữa lượng khí thải tạo ra và lượng khí thải được lấy ra khỏi bầu khí quyển (net zero).

Nguyên tắc 9. Kinh tế số và đổi mới, sáng tạo

Các CBDC nên hỗ trợ và là chất xúc tác cho sự đổi mới, sáng tạo có trách nhiệm trong nền kinh tế kỹ thuật số và đảm bảo khả năng tương tác với các giải pháp thanh toán hiện tại và tương lai

Nguyên tắc 10. Tài chính bao trùm

Các nhà chức trách nên xem xét vai trò của CBDC trong việc đóng góp vào tài chính bao trùm. CBDC không nên cản trở và nếu có thể nên tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán cho những người bị hệ thống tài chính hiện tại loại trừ hoặc không phục vụ, đồng thời bổ sung vai trò quan trọng sẽ tiếp tục được thực hiện bởi tiền mặt.

Nguyên tắc 11. Thanh toán cho và từ khu vực công

Bất kỳ CBDC nào, được sử dụng để hỗ trợ các khoản thanh toán giữa chính quyền và công chúng, cần được thực hiện một cách nhanh chóng, ít tốn kém, minh bạch, toàn diện và an toàn, cả trong thời gian bình thường và trong thời gian khủng hoảng.

Nguyên tắc 12. Chức năng xuyên biên giới

Các cơ quan tài phán xem xét phát hành CBDC nên tìm hiểu cách thức có thể tăng cường thanh toán xuyên biên giới, bao gồm thông qua các ngân hàng trung ương và các tổ chức khác làm việc cởi mở và hợp tác để xem xét các khía cạnh quốc tế của thiết kế CBDC.

Nguyên tắc 13. Phát triển quốc tế

Bất kỳ CBDC nào được triển khai để cung cấp hỗ trợ phát triển quốc tế đều phải bảo vệ các chính sách công chính của các nước ban hành và nước tiếp nhận, đồng thời cung cấp đủ minh bạch về bản chất của các đặc điểm thiết kế của CBDC.

CBDC bán lẻ sẽ là tiền của ngân hàng trung ương dưới dạng số, đại diện cho đơn vị tiền tệ quốc gia, khác với dự trữ điện tử (mà cá nhân không thể truy cập) và tiền mặt vật chất. Với trách nhiệm trực tiếp của ngân hàng trung ương, các CBDC cũng sẽ khác với tiền của ngân hàng thương mại. Nếu được phát hành, CBDC, như một dạng tiền của ngân hàng trung ương, có thể hoạt động như một tài sản thanh toán an toàn, thanh khoản và như một mỏ neo cho hệ thống thanh toán. CBDC không phải là tài sản/ tiền ‘mã hóa' - cryptoassets.

Các loại tiền mã hóa không do ngân hàng trung ương phát hành, có thể biến động mạnh và hiện không được sử dụng rộng rãi để thanh toán. CBDC về cơ bản khác với các loại tiền kỹ thuật số do tư nhân phát hành như stablecoin. 

Trong những năm gần đây, các ngân hàng trung ương G7, cùng với Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Sveriges Riksbank) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, bao gồm cả một nhóm do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Ngân hàng Anh chủ trì, đã hợp tác làm việc để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến  CBDC bán lẻ. 

Trong một báo cáo chung được xuất bản vào tháng 10/2020, nhóm nghiên cứu đã phác thảo các nguyên tắc cơ bản và các đặc điểm cốt lõi của một CBDC tiềm năng. Các nguyên tắc này nhấn mạnh rằng bất kỳ CBDC nào cũng không được làm tổn hại đến sự ổn định tài chính và tiền tệ; nên cùng tồn tại và bổ sung cho các hình thức tiền hiện có, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và hiệu quả trong thanh toán. 

Để đáp ứng các nguyên tắc này, nhóm này đã xác định rằng CBDC có thể là một công cụ quan trọng cho các ngân hàng trung ương trong tương lai và thiết kế của bất kỳ CBDC nào phải có khả năng đáp ứng nhu cầu thanh toán trong tương lai. Đồng thời, rõ ràng là CBDC, nếu được phát hành, sẽ có các ý nghĩa chính sách công quan trọng, ngoài ý nghĩa về khả năng chi trả của riêng ngân hàng trung ương, mà bất kỳ cơ quan tài phán nào cân nhắc phát hành CBDC đều phải xem xét ngay từ đầu.

Trong thông cáo phát hành ngày 5/6/2021, G7 đã cho biết các bộ tài chính và ngân hàng trung ương của nhóm đang làm việc cùng nhau để nghiên cứu các hàm ý chính sách công rộng lớn hơn  và phát triển một bộ nguyên tắc chung cho các CBDC bán lẻ. Các nguyên tắc này nhằm hướng dẫn và cung cấp thông tin cho việc thăm dò và phát triển tiềm năng của CBDC bán lẻ liên quan đến các cân nhắc chính sách công rộng rãi hơn này. Các nguyên tắc này đã được G7 phát triển, nhưng có liên quan đến các quốc gia khác khi họ nghiên cứu CBDC trong phạm vi quyền hạn của mình. Trong khi các nguyên tắc này tập trung vào các cân nhắc đối với CBDC bán lẻ, có thể có các khía cạnh liên quan đến các dự án tiềm năng khác như việc xem xét phát hành CBDC bán buôn. Như đã nêu trong thông cáo chung tháng 6/2021, mục tiêu của G7 là đảm bảo rằng bất kỳ CBDC nào đều được xây dựng dựa trên các cam kết lâu dài về tính minh bạch, pháp quyền và quản trị kinh tế lành mạnh.

                                       (Nguồn: https://assets.publishing.service.gov.uk)

Mai Hiên