IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 đạt 5,9%

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 10:33, 21/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Phục hồi trong đại dịch” – báo cáo mới nhất cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nêu ra 3 vấn đề cần quan tâm đặc biệt: sức khỏe cộng đồng, đứt gãy cung ứng và áp lực về giá.

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang tiếp tục, ngay cả khi đại dịch bùng phát trở lại. Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta và mối đe dọa của các biến thể mới đã làm tăng sự không chắc chắn về việc có thể vượt qua đại dịch nhanh chóng. Các lựa chọn chính sách ngày càng trở nên khó khăn hơn, đối mặt với những thách thức đa chiều bao gồm tăng trưởng việc làm thấp, lạm phát gia tăng, mất an ninh lương thực, trở ngại trong tích lũy vốn con người và biến đổi khí hậu.

Kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 5,9% vào năm 2021 (thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với Bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) hồi tháng 7) và 4,9% vào năm 2022 . Mức tăng trưởng dự báo giảm cho năm 2021 phản ánh sự sụt giảm của các nền kinh tế phát triển - một phần do gián đoạn nguồn cung - và đối với các nước đang phát triển có thu nhập thấp thì chủ yếu là do độc lực của đại dịch ngày càng trầm trọng.

Sau năm 2022, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ ở mức trung bình khoảng 3,3% trong trung hạn. Sản lượng của nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ vượt quá các dự báo trung hạn trước đại dịch - phần lớn phản ánh sự gia tăng hỗ trợ chính sách được dự đoán khá lớn ở Mỹ. Ngược lại, thị trường mới nổi và nhóm các nền kinh tế đang phát triển có thể dự đoán được những thiệt hại về sản lượng liên tục do việc triển khai vắc xin chậm hơn và nhìn chung có ít hỗ trợ chính sách hơn so với các nền kinh tế phát triển.

Tỷ lệ lạm phát toàn phần đã tăng nhanh chóng ở Mỹ và ở một số thị trường mới nổi cũng như các nền kinh tế đang phát triển.

 Trong hầu hết các trường hợp, lạm phát gia tăng phản ánh sự bất cân xứng giữa cung - cầu liên quan đến đại dịch và giá hàng hóa cao hơn so với mức thấp từ một năm trước. Tuy nhiên, phần lớn áp lực giá dự kiến ​​sẽ giảm vào năm 2022. Ở một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, áp lực giá dự kiến ​​sẽ tiếp tục do giá lương thực tăng, tác động “trễ” của giá dầu cao hơn, và tỷ giá hối đoái giảm giá làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, sự không chắc chắn lớn bao quanh triển vọng lạm phát - chủ yếu xuất phát do đại dịch, thời gian gián đoạn nguồn cung và cách kỳ vọng lạm phát có thể phát triển trong môi trường này.

Nhìn chung, cán cân rủi ro đối với tăng trưởng đang nghiêng về phía giảm với e ngại đối với các biến thể SARS-CoV-2 hung hãn hơn có thể xuất hiện trước khi tiêm chủng rộng rãi.

Rủi ro lạm phát nghiêng theo chiều ngược lại và có thể thành hiện thực nếu sự không tương xứng giữa cung - cầu do đại dịch gây ra tiếp tục lâu hơn dự kiến ​​(bao gồm cả nếu thiệt hại đối với tiềm năng nguồn cung trở nên tồi tệ hơn dự đoán), dẫn đến áp lực giá cả được duy trì và kỳ vọng lạm phát tăng cao dẫn đến việc bình thường hóa chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến ​​ở các nền kinh tế phát triển.

Các nỗ lực đa phương nhằm tăng tốc độ tiếp cận vắc xin toàn cầu, cung cấp thanh khoản và giảm nợ cho các nền kinh tế gặp khó khăn, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn là những điều cần thiết. Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho dân số thế giới vẫn là ưu tiên chính sách hàng đầu, trong khi tiếp tục thúc đẩy thử nghiệm rộng rãi và đầu tư vào phương pháp điều trị. Điều này sẽ cứu hàng triệu sinh mạng, giúp ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể mới và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. IMF cũng đã đưa ra một đề xuất gồm các bước cụ thể, hiệu quả về chi phí để tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở mọi quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Điều quan trọng nữa là đảm bảo rằng  các quốc gia khó khăn về tài chính có thể tiếp tục chi tiêu thiết yếu trong khi vẫn đáp ứng các nghĩa vụ khác. Việc phân bổ chung quyền rút vốn đặc biệt gần đây của IMF, tương đương với 650 tỷ đô la, đã cung cấp tính thanh khoản quốc tế rất cần thiết cho các quốc gia thành viên. Hơn nữa, việc tăng cường nỗ lực để hạn chế phát thải khí nhà kính là rất quan trọng - các hành động và cam kết hiện tại không đủ để ngăn chặn tình trạng quá nóng nguy hiểm của hành tinh. Cộng đồng quốc tế cũng cần giải quyết căng thẳng thương mại và đảo ngược các rào cản thương mại  thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2019, củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc và sớm đạt được một thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm ngăn chặn cuộc đua về thuế và giúp tăng cường tài chính tài trợ cho các khoản đầu tư công quan trọng

Ở cấp quốc gia, việc sử dụng chính sách hỗn hợp cần tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế và đại dịch của quốc gia đó, hướng tới mục tiêu tối đa hóa việc làm bền vững trong khi bảo vệ độ tin cậy của các khuôn khổ chính sách.

IMF đưa ra một số lưu ý chính sách như sau:

Chính sách tài khóa: Chi tiêu liên quan đến chăm sóc sức khỏe vẫn được ưu tiên. Ở các quốc gia đại dịch vẫn tồn tại và không gian tài chính bị hạn chế thì các chính sách cứu sinh và cứu trợ sẽ ngày càng cần được nhắm mục tiêu đến những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cung cấp đào tạo lại cũng như hỗ trợ phân bổ lại. Khi các chỉ số về sức khỏe cho phép, cần tập trung vào các biện pháp để đảm bảo sự phục hồi và đầu tư vào các mục tiêu cơ cấu dài hạn. Các sáng kiến ​​nên được đưa vào khuôn khổ trung hạn với các biện pháp thu - chi đáng tin cậy để đảm bảo tính bền vững của nợ.

Chính sách tiền tệ: Mặc dù các ngân hàng trung ương nhìn chung có thể thấy áp lực lạm phát là nhất thời và tránh thắt chặt cho đến khi có sự rõ ràng hơn về các động lực giá cơ bản, nhưng cũng cần sẵn sàng hành động nhanh nếu sự phục hồi tăng nhanh hơn dự kiến ​​hoặc rủi ro về kỳ vọng lạm phát gia tăng trở nên hữu hình.

 Trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng khi tỷ lệ việc làm vẫn ở mức thấp và rủi ro giảm kỳ vọng đang trở nên rõ ràng, chính sách tiền tệ có thể cần được thắt chặt để đối phó với áp lực giá cả, ngay cả khi điều đó làm trì hoãn việc phục hồi việc làm. 

Việc chờ đợi các kết quả về việc làm mạnh hơn có nguy cơ khiến lạm phát gia tăng, làm suy yếu độ tin cậy của khung chính sách và tạo ra nhiều bất ổn hơn. Sự nghi ngờ gia tăng có thể kìm hãm đầu tư tư nhân và dẫn đến việc phục hồi việc làm chậm hơn, điều mà các ngân hàng trung ương tìm cách tránh khi ngừng thắt chặt chính sách. Ngược lại, chính sách tiền tệ vẫn có thể phù hợp khi áp lực lạm phát được kiềm chế, kỳ vọng lạm phát vẫn thấp hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương, và thị trường lao động vẫn trì trệ. Tình thế chưa từng có này khiến việc truyền thông minh bạch và rõ ràng về triển vọng của chính sách tiền tệ càng trở nên quan trọng hơn.

Chuẩn bị cho nền kinh tế sau đại dịch: Điều quan trọng là phải đối phó với những thách thức của nền kinh tế sau đại dịch: đảo ngược sự tác động do đại dịch gây ra đối với tích lũy vốn con người, tạo điều kiện cho các cơ hội tăng trưởng mới liên quan đến công nghệ xanh và số hóa, giảm bất bình đẳng và đảm bảo tài chính công bền vững. Theo đó, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản đối với việc thúc đẩy tăng trưởng năng suất có tầm quan trọng.

Hải Yến