Ngân hàng lo ngại “khoảng trống” pháp lý về xử lý nợ xấu

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 07:12, 23/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các ngân hàng lo ngại “khoảng trống” pháp lý về xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42/2017/NQ-QH sắp hết hiệu lực trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân và nguy cơ nợ xấu hiện hữu.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2021 của các tổ chức hội viên là ngân hàng do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 22/10, đại diện nhiều ngân hàng kiến nghị cần sớm có hành lang pháp lý mới xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42/2017/NQ-QH sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022.

Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 nhóm hội viên ngân hàng tổ chức trực tuyến với đầu cầu chính tại Hà Nội

Đại diện các ngân hàng đề nghị cần rà soát các cơ chế chính sách vừa qua liên quan tới việc cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí và rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42/2017/NQ-QH về xử lý nợ xấu bởi Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực vào năm 2022.

“Thời gian không còn nhiều nên việc rà soát, đánh giá là rất cần thiết” lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ. Được biết, sắp tới Ủy ban Chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng sẽ phối hợp với tổ chức hội viên để tổ chức hội thảo về xử lý nợ xấu, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.

Các ngân hàng cũng kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng đã cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (cho vay theo Nghị định 67; các dự án BOT...). Đồng thời kiến nghị thúc đẩy quá trình vận hành sàn giao dịch nợ VAMC cũng như hình thành thị trường mua bán nợ và xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD thu hồi nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả.

Thời gian qua, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ các khách hàng bằng cách tiết giảm chi phí, giảm lương, thưởng để miễn giảm lãi, phí.... để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đây là nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới ngành Ngân hàng thường có độ trễ sau các ngành khác. Đây cũng là vấn đề được các ngân hàng hết sức quan tâm và để đảm bảo an toàn hoạt động bền vững, một trong những nội dung được các ngân hàng chú trọng là việc xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu. Vì vậy, ý kiến chung của các ngân hàng là thời gian tới cần sớm “luật hóa” Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 để xây dựng khuôn khổ pháp lý mới xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho các ngân hàng hoạt động thuận lợi, an toàn.

Đại diện bảo vệ quyền lợi cho hội viên, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng  đồng tình quan điểm trên và mong muốn Ngân hàng Nhà nước sớm đề xuất chính phủ tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14 trên cơ sở đó xem xét kiến nghị quốc hội luật hóa việc xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD nhằm tạo môi trường pháp lý phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của các TCTD.

Theo Đại diện Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến các TCTD để hoàn thiện chính sách, nhằm đảm bảo tính khả thi, đồng bộ.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Đồng thời, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với ngành ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các TCTD trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14. Tuy nhiên, Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 sẽ hết hiệu lực vào 15/8/2022 trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng nhanh trong thời tới do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nặng nề.

 

Nhóm P.V