Người dân là trung tâm của mọi quyết sách chống dịch COVID-19

Tin tức - Ngày đăng : 08:58, 27/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong khuôn khổ Hội thảo trực tuyến về ''Tăng cường vai trò của nghị sĩ các nước thành viên Tổ chức quốc tế Pháp ngữ trong tiến trình thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) về quyền con người'' được tổ chức chiều ngày 26/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia ý kiến về ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát đại dịch của các Chính phủ tới quyền con người.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Hội thảo có sự tham dự của các nghị sĩ đại diện cho 17 quốc gia đã được rà soát chu kỳ III tại các phiên họp thứ 32, 33, 34 và 35 của Nhóm công tác thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) gồm Andorra, Albania, Armenia, Bulgaria, Campuchia, Comoros, Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà), Dominica, Ai Cập, Guinea, Guinea-Bissau, Guinea Xích Đạo, Lào, Bắc Macedonia, Madagascar, Cộng hòa Dân chủ Congo, Vanuatu và một số khách mời.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày khái quát về các cơ chế quốc tế về quyền con người; đóng góp của các nghị sĩ trong tiến trình UPR; kinh nghiệm thực tiễn trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới quyền con người trong các ủy ban nghị viện.

Phát biểu tại phiên thảo luận về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với quyền con người, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, thế giới đang chịu ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng do đại dịch COVID-19, gây ra những mất mát to lớn về người và để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Đại dịch cũng bộc lộ rõ nét những hạn chế, làm sâu sắc hơn những mâu thuẫn, bất bình đẳng xã hội, gia tăng thêm khoảng cách giàu nghèo, tạo ra nhiều thách thức trong việc bảo đảm nền dân chủ, giữ vững ổn định chính trị trong bối cảnh đại dịch. Đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định, để chiến thắng đại dịch, các quốc gia cần bảo vệ nền dân chủ, quyền con người, đặt người dân vào trung tâm của mọi quyết sách, tôn trọng quyền và lợi ích của người dân.

Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã được thành lập, có sự tham gia của Quốc hội Việt Nam, xây dựng các kịch bản cho nhiều tình huống phòng chống dịch bệnh. Quốc hội Việt Nam đã nhanh chóng, kịp thời thông qua các đề xuất của Chính phủ về ngân sách và các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngay trong dịp kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV đang diễn ra, Quốc hội Việt Nam đã nghe Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; mất việc làm, doanh nghiệp không hoạt động bằng các biện pháp hỗ trợ tiền mặt cho người dân, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các hoạt động được thực hiện minh bạch, chuẩn xác, công khai và kịp thời thông tin về dịch bệnh với người dân và cộng đồng quốc tế. Số ca mắc, số ca khỏi bệnh và tử vong do COVID-19 đều được cập nhật hàng ngày và công bố để công chúng biết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho biết, Việt Nam thực hiện mục tiêu kép vừa tập trung chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên hàng đầu là kiên quyết chống dịch để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, đặt sức khỏe của nhân dân lên trên hết, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân; tập trung nguồn lực để mọi người dân đều được tiếp cận vắc xin chống COVID-19 một cách công bằng và bình đẳng.

Số liệu được đại biểu Hoàng Văn Cường cung cấp cho biết, tính đến ngày 25/10/2021, tại Việt Nam đã có hơn 73 triệu liều vắc xin COVID-19 được tiêm, 75,66% dân số trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi và 30,66% hiện đã được tiêm chủng đầy đủ.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho biết, Việt Nam đã có chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19; bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại thị trường, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch. Các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế mới tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc, bên cạnh việc rà soát, điều chỉnh quy định liên quan đến tiếp cận một số gói hỗ trợ trước đó về tín dụng, tài khóa, an sinh xã hội. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, Việt Nam đang cố gắng, quyết tâm đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với quyền con người, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng cường xây dựng và hoàn thiện luật pháp, giám sát thực hiện các chính sách với phương châm "lấy người dân làm trung tâm", có sự quan tâm đến nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị Nghị viện các nước cần tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nghị viện trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 để cùng giảm thiểu tác động của đại dịch vì sự ổn định chính trị, bảo đảm dân chủ và thúc đẩy phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia, hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững như đã cam kết.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cần tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng khả năng tiếp cận của người dân và thúc đẩy sự tương tác và tham gia của người dân vào các hoạt động của Nhà nước.

T.H