Giảm chi phí để doanh nghiệp phục hồi: Đồng bộ chính sách và cơ chế tạo sự cộng hưởng sức mạnh

Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 21:35, 27/10/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, chiều ngày 27/10, các chuyên gia cho rằng cần sự kết hợp đồng bộ của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, cũng như cần có cơ chế đặc biệt cho ngân hàng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp...

Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”

Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục thuế; ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); bà Ngô Hoài Bắc, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước; ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV; ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); cùng đại diện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp…

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Bình quân một tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ, tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã.

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký VCCI, “trong nguy luôn có cơ”, những quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới”, doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất,… liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam:“Các hoạt động hỗ trợ hiện nay ngành Ngân hàng đang làm, bản chất là doanh nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm lãi giảm phí”

Chia sẻ về những giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết ngay khi dịch bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành yêu cầu các tổ chức tín dụng tạm thời chưa chuyển nhóm nợ. Sau đó là ban hành chính thức Thông tư 01/2020/TT-NHNH về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đến nay thông tư đã thay đổi tới lần thứ 3, mới đây nhất là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01. Điều đó cho thấy ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng là tháo gỡ khó khăn cho chính các ngân hàng. Kết quả đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi cho các doanh nghiệp được khoảng 32.000 tỷ đồng. Đã có 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng được hỗ trợ với dư nợ lũy kế từ năm 2020 đến cuối tháng 9/ 2021 là 5,2 triệu tỷ đồng.

“Các hoạt động hỗ trợ hiện nay ngành Ngân hàng đang làm, bản chất là doanh nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm lãi giảm phí”, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh.

Bên cạnh hỗ trợ từ phía ngành Ngân hàng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp. Trong năm 2020, khi dịch bệnh vừa xảy ra từ tháng 3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thời gian nộp tiền thuê đất. Chính sách này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp với hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế, năm 2021, Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã có phạm vi rộng hơn, nhanh hơn, được gia hạn thuế nhiều hơn, trong đó cho gia hạn thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 8/2020 với những doanh nghiệp khai thuế theo tháng và gia hạn thuế giá trị gia tăng quý 1, quý 2 nếu doanh nghiệp nộp thuế theo quý. Đến ngày ngày 31/12 tới sẽ là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp phải thanh toán khoản những khoản tiền này.

Với tiền thuê đất, một năm đóng hai kỳ, nhưng đến nay cũng được gia hạn đến ngày 31/12. Như vậy trong thời gian doanh nghiệp chưa phải nộp tiền, thì có thể dùng dòng tiền nhàn rỗi tạm thời để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu tại chỗ.

Năm nay, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho phép doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2021. Ông Nguyễn Văn Phụng phân tích cụ thể, do nguồn lực của đất nước có hạn, nên việc giảm thuế này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có mức doanh thu năm dưới 200 tỷ đồng, đồng thời doanh thu năm 2021 phải thấp hơn doanh thu năm 2019.

Cần kết hợp đồng bộ, cộng hưởng sức mạnh của các chính sách

Bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng khi xác định sống chung với dịch bệnh thì chúng ta cần có cơ chế đặc biệt để có thể hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện dư địa giảm lãi suất có thể nói là gần như đã hết. Nếu muốn giảm lãi suất cho vay thì ngân hàng phải giảm lãi suất huy động trong bối cảnh các kênh đầu tư chứng khoán, vàng đều tăng thì khả năng huy động vốn sẽ khó khăn, có thể ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng.

Hơn nữa, tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được cơ cấu, nợ đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn nên việc xem xét cho vay mới là rất khó khăn.

Trong bối cảnh ngân hàng không hạ chuẩn cho vay, doanh nghiệp thì doanh thu giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thậm chí thua lỗ, tài sản bảo đảm thiếu, quản lý dòng tiền khó khăn…. Việc các tổ chức tín dụng tiếp tục cho doanh nghiệp vay cần phải được xem xét trong điều kiện riêng có, vì vậy, cần có cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng nêu đề xuất “Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần có sự đồng bộ, kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ”. Ông Hùng nhấn mạnh “Chính sách tiền tệ đang hỗ trợ doanh nghiệp bằng tiền của các ngân hàng, thực chất đây là doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp. Do vậy, chính sách tài khóa cần có sự chia sẻ. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trung ương, phối hợp với chính sách tiền tệ đồng bộ để người dân và doanh nghiệp tiếp cận được”.

Đồng tình với việc cần có chính sách đồng bộ, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng cần phải xây dựng chính sách để tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Các cơ quan quản lý cần phải ngồi lại với nhau để bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để doanh nghiệp có thể thực hiện.

Toàn cảnh diễn đàn

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Phụng cũng  đề cập việc tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia và chia sẻ cùng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh. “Đã đến lúc phải huy động nguồn lực của người dân, trong đó có sự đóng góp của doanh nghiệp”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng bên cạnh các giải pháp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh các chính sách trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thực hiện mạnh mẽ 2 chương trình:

Thứ nhất, đó là nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động (đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…). Một khảo sát điều tra do VCCI thực hiện vào năm 2020 cho thấy doanh nghiệp gặp nhiều trục trặc trong chủ trương đầu tư, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn cao.

Thứ hai, là nhóm thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan và kiểm tra chuyên ngành). Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà. Tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành còn tồn tại. Một mặt hàng có thể bị quản lý cùng lúc bởi nhiều bộ ngành. Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp. Quy mô xuất khẩu đang rất lớn nên nếu quá trình làm thủ tục này được rút ngắn, thì hiệu quả tạo ra sẽ rất lớn.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để chính những chính sách này cộng hưởng sức mạnh. Trên phương diện kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội.

"Sự hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách", ông Nguyễn Quang Vinh kiến nghị.

Bùi Trang - Thanh Hải