Đôn đốc nhà đầu tư và NHTM làm việc, thu xếp vốn thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 14:35, 28/10/2021
Ngày 27/10, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 283/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức thực hiện của các địa phương và các bộ, ngành trong 4 tháng vừa qua (kể từ Hội nghị ngày 30/6/2021 tại Ninh Bình) đã đạt được kết quả rất cụ thể, giải quyết tháo gỡ được nhiều vướng mắc về giá nguyên vật liệu; ban hành chính sách trong cấp phép khai thác kháng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án (từ lúc thiếu hụt trên 22 triệu m3, đến nay chỉ thiếu trên 10 triệu m3); giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành (chỉ còn lại khoảng 5 km trên toàn tuyến); giải ngân cho công tác xây lắp, tư vấn, quản lý dự án đạt trên 67% kế hoạch vốn năm 2021…
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục phát huy với quyết tâm cao nhất để giải quyết các tồn tại, phấn đấu hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất.
Về cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, tạo điều kiện nhanh nhất cho các nhà thầu có đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công, bảo đảm tiến độ dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng rút kinh nghiệm từ dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 nghiên cứu giải pháp để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng thông thường cho dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, trong đó lưu ý điều kiện khu vực ĐBSCL thiếu nguồn đất đắp và phải xử lý nền đất yếu.
Về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương còn khối lượng chưa hoàn thành (Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai,Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Tiền Giang) khẩn trương thực hiện bảo đảm tiến độ cam kết (ngày 15/11/2021).
Về di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông), chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Tập đoàn EVN, VNPT, Viettel để giải quyết kịp thời các vướng mắc còn lại (theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, còn 15.673 m đường ống nước, 37.303 m cáp viễn thông, 72 vị trí điện cao thế, 123 vị trí điện trung thế và 138 vị trí điện hạ thế).
Về thu xếp nguồn vốn tín dụng cho 3 dự án PPP, Bộ Giao thông vận tải đôn đốc các nhà đầu tư làm việc với nhiều ngân hàng thương mại để thu xếp vốn tín dụng và cân đối đủ các nguồn vốn để thực hiện dự án.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã cam kết cung cấp tín dụng với các nhà đầu tư, sớm thẩm định cho vay theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các ban quản lý dự án, các nhà thầu rà soát tiến độ tổng thể, tăng cường thiết bị, phương tiện, tăng ca, tập trung tối đa nhân lực… để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; lưu ý rà soát lại tiến độ cầu Mỹ Thuận 2 (đến nay khối lượng đã đạt 68,25% giá trị của 4/5 hợp đồng đang triển khai, tương đương 38,53% tổng giá trị 5 hợp đồng).
Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp giao ban hàng tuần để kiểm soát tiến độ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.