Tài chính tiêu dùng: Góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội và hạn chế tín dụng đen
Tin Hiệp hội Ngân hàng - Ngày đăng : 15:31, 29/10/2021
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Hội nghị |
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước; đại diện lãnh đạo các công ty tài chính là hội viên Hiệp hội; cùng đại diện Ủy ban Chính sách, Ủy ban Công nghệ, lãnh đạo các Ban, đơn vị trong Hiệp hội…
Tích cực mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục
Báo cáo tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 (đối với nhóm hội viên là các công ty tài chính), ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng có tổng số 74 tổ chức hội viên (bao gồm 61 hội viên chính thức, 9 hội viên liên kết, 4 hội viên danh dự), được chia thành 4 nhóm: ngân hàng; công ty tài chính tiêu dùng; trung gian thanh toán; tổng hợp (đào tạo, truyền thông…). Trong đó, nhóm hội viên là các công ty tài chính gồm 12 công ty (8 công ty là hội viên chính thức, 4 công ty là hội viên liên kết).
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên, thời gian qua các công ty tài chính tiêu dùng là hội viên của Hiệp hội đã rất tích cực mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội và hạn chế tín dụng đen.
Theo số liệu thống kê, tổng vốn điều lệ của 12 công ty tài chính hội viên tính đến nay đạt: 22.195 tỷ đồng, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính. Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020; Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu bình quân: 9-10% trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.
Mặc dù cũng chịu khó khăn và tác động không nhỏ do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng các công ty tài chính vẫn tích cực hỗ trợ các khách hàng của mình, điển hình như: FECredit, Lotte Finance, Mirae Asset, SHB Finance, MB SHINSEI… Trong đại dịch, các công ty tài chính đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng. Những công ty tài chính này đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các công ty tài chính tiêu dùng đã cơ cấu nợ cho khoảng trên 30.000 khách hàng, với số dư nợ cơ cấu lại khoảng 1.000 tỷ đồng. Các công ty tài chính cũng miễn giảm lãi cho khoảng 36.000 khách hàng, với số tiền miễn giảm lãi khoảng 600 tỷ đồng…
Chú trọng quản trị rủi ro và đẩy mạnh ứng dụng CNTT
Cùng đó, công tác quản trị rủi ro được các công ty tài chính chú trọng triển khai quyết liệt, toàn diện với các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ nhóm 2, nợ xấu phát sinh thông qua việc rà soát chính sách sản phẩm, kiểm soát chất lượng nợ theo cơ cấu sản phẩm/vùng miền/kênh bán để kịp thời có giải pháp điều chỉnh tổng thể danh mục. Áp dụng các chiến thuật thu hồi nợ linh hoạt theo từng thời kỳ giúp kiểm soát tỷ lệ chuyển nợ quá hạn của khách hàng ngay từ giai đoạn thu hồi nợ sớm.
Các công ty tài chính còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho hoạt động thu hồi nợ địa bàn (thông qua Mobile Apps Collection) giúp cải thiện năng suất và hiệu quả thu hồi.
Bên cạnh đó, nhiều công ty tài chính tiêu dùng chú trọng đẩy mạnh triển khai các sản phẩm tài chính tiêu dùng trên nền tảng số (digital lending), tận dụng ứng dụng CNTT để giảm chi phí bán hàng, hướng tới mức lãi suất cho vay hợp lý để đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, thực hiện đánh giá định kỳ danh mục sản phẩm. Đối với những sản phẩm có nợ quá hạn/nợ xấu cao sẽ được rà soát và điều chỉnh điều kiện sản phẩm, giới hạn doanh số giải ngân hoặc ngừng bán khi chạm ngưỡng giới hạn quản trị rủi ro quy định.
Hiệp hội Ngân hàng đồng hành cùng các công ty tài chính
Về hoạt động hỗ trợ từ phía Hiệp hội, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, với mong muốn góp phần chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng các tổ chức hội viên vượt qua đại dịch COVID-19, trong 9 tháng đầu năm 2021, với vai trò cầu nối liên kết, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng đã bám sát, lắng nghe, tập hợp ý kiến, hỗ trợ và phản ánh kịp thời với Chính phủ, NHNN và các cơ quan quản lý khác nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức hội viên.
Hiệp hội đã hỗ trợ thiết thực cho các tổ chức hội viên trong việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các vấn đề liên quan hoạt đến khởi kiện và thi hành án,... thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo,... để tạo điều kiện cho các hội viên chia sẻ, trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và đề xuất giải pháp xử lý: Tổ chức gần 20 tọa đàm, hội thảo (về cơ cấu giãn nợ; giảm lãi suất; giảm phí; Thông tư 01, 03, 14; Mua bán trái phiếu;...).
Công tác truyền thông cũng được tăng cường. Trong 9 tháng đầu năm, Hiệp hội đã đổi mới nhận diện Website, hỗ trợ hiệu quả cho công tác truyền thông… Đồng thời phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài ngành để thực hiện tuyên truyền, phổ cập cơ chế chính sách. Tại hội nghị, Tổng Thư ký cũng cho biết, trong tháng 11/2021, Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo về mở rộng tín dụng tín dụng tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen, nhằm góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen.
Đối với đề nghị của đại diện các công ty tài chính về việc xem xét thành lập Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, để tăng sự liên kết, giảm cạnh tranh trong hoạt động của ngành cũng như truyền thông và giáo dục tài chính tốt hơn, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng đã có, Hiệp hội đang nghiên cứu, triển khai để sớm ra mắt.
Nhận diện những khó khăn
Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình triển khai hoạt động, tại hội nghị, các công ty tài chính cũng thẳng thắn chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Với đặc thù khách hàng của các công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương… đây là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19. Trong đại dịch, nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định… dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu,... Những yếu tố này vừa tác động lớn đến kết quả doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.
Do khách hàng vay của các công ty tài chính đều là khách hàng dưới chuẩn nên nguy cơ nợ xấu do đại dịch COVID-19 đang hiện hữu. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, theo thống kê tỷ lệ nợ xấu bình quân tại các công ty tài chính đang vào khoảng 9-10%, trong khi đó, vào thời điểm cuối năm 2020 tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 6%. Dự kiến đến cuối năm 2021, nợ xấu sẽ tiếp tục tăng.
Sau khi lắng nghe các phát biểu tại hội nghị, đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan thanh tra giám sát, ghi nhận và đánh giá cao các đóng góp tích cực của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhất là những đóng góp trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách trong thời gian qua.
Đại diện các vụ của NHNN cũng cho biết, NHNN tiếp tục tục cầu thị và lắng nghe các ý kiến góp ý, đồng thời khẳng định, các ý kiến góp ý tại hội nghị sẽ được tiếp thu và có những chỉnh sửa phù hợp với thực tế hoạt động của các công ty tài chính.
Kết luận hội nghị, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, qua hội nghị ngày hôm nay, Hiệp hội cũng sẽ tập hợp các kiến nghị và có đề xuất các giải pháp phù hợp đối với các công ty tài chính tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh năm 2022. Tất cả chung tay để làm tốt việc đẩy lùi tín dụng đen.
“Hiệp hội Ngân hàng rất mong muốn các Vụ, Cục phối hợp tham mưu với lãnh đạo NHNN ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động thực tế của các công ty tài chính”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nói đồng thời khẳng định: Hiệp hội cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức hội viên. Đồng thời, có những chia sẻ các vấn đề của ngành để xã hội và các cơ quan quản lý hiểu hơn về hoạt động của các công ty tài chính.