Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu

Tin tức - Ngày đăng : 06:35, 02/11/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trưa ngày 1/11 theo giờ địa phương, tức 19h theo giờ Hà Nội, Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi Khí hậu tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.

Đây là Hội nghị quốc tế có quy mô lớn, quan trọng hàng đầu về biến đổi khí hậu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia cần hành động mạnh mẽ để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris.

 

Tham dự COP 26 có lãnh đạo và đại diện của 197 bên tham gia Công ước, trong đó có hơn 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước. Hội nghị còn có Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, lãnh đạo hàng chục tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn trên thế giới, nhiều tập đoàn đa quốc gia và tổ chức phi Chính phủ.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần hành động ngay để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu trước khi quá muộn, và thực hiện các bước cụ thể để loại bỏ dần than đá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe chạy điện, ngăn chặn nạn phá rừng, và hỗ trợ tài chính các quốc gia đang phát triển trong cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông Johnson nhấn mạnh những hành động này sẽ tạo ra khác biệt lớn trong việc giảm lượng khí thải trong thập kỷ này để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và giới hạn mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris.

Theo các nhà khoa học, thế giới phải cắt giảm một nửa lượng khí thải CO2 vào năm 2030 để có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Johnson cam kết tăng tài chính khí hậu của Anh thêm 1 tỷ bảng (hơn 1,3 tỷ USD) vào năm 2025 nếu nền kinh tế nước này phát triển như dự kiến.

Năm 2019, Anh đã tăng gấp đôi cam kết tài chính khí hậu quốc tế lên 11,6 tỷ bảng trong 5 năm và cam kết mới của Thủ tướng Johnson sẽ đưa con số này lên 12,6 tỷ bảng, đưa Anh trở thành nước dẫn đầu thế giới trong tài trợ khí hậu.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh COP26, các nhà lãnh đạo bày tỏ hết sức lo ngại trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với trái đất, đồng thời tái khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. 

Các diễn giả cũng nhấn mạnh các nước phát triển cần thực hiện đúng cam kết huy động tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển trong các nỗ lực thích ứng và chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu, cho rằng COP26 là cơ hội cuối cùng để khôi phục tự nhiên và bảo vệ tương lai nhân loại.

Thủ tướng Barbados nêu bật các tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu đối với sự tồn vong của các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương và Caribbean, nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề tài chính, chuyển đổi và thích ứng để đạt các mục tiêu của Thoả thuận Paris, nhấn mạnh tình trạng hiện nay là "báo động đỏ" cho các nước G7 và G20.

Thủ tướng Italia Mario Draghi tuyên bố các nước G20 sẽ dừng cung cấp tài chính cho các dự án điện than vào cuối năm nay. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề nghị các nước cam kết ở mức cao nhất, cần xây dựng các liên minh về tài chính và công nghệ để hỗ trợ các nước đang phát triển tăng trưởng xanh, bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự COP 26

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh này vào chiều cùng ngày để khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu - một trong những thách thức lớn nhất đối với toàn cầu hiện nay.

Trong hai ngày Hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra các cam kết quốc gia và đề ra những hành động trong nước và quốc tế, nhằm giảm mức phát thải, đồng mở rộng quy mô thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên, đồng thời thảo luận về huy động tài chính khí hậu và các hành động để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris.

Diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11, Hội nghị COP26 là sự kiện khí hậu quan trọng nhất kể từ khi Hiệp định Paris được hơn 195 quốc gia ký kết tại Hội nghị COP21 ở thủ đô nước Pháp năm 2015 với cam kết hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu.

Là nước chủ nhà COP26, Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên luật hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và mới đây đã công bố Chiến lược trung hòa khí thải vào năm 2050.

H.P