Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng

Văn hóa - Ngày đăng : 11:01, 02/11/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hội thảo trực tuyến Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa tổ chức một lần nữa khẳng định tính thiết yếu của ứng dụng công nghệ số khi đưa Bảo tàng ngày càng đến gần hơn với công chúng.

Đại dịch COVID-19 đã khiến các Bảo tàng trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết, nhưng cũng đồng thời mở ra cánh cửa mới để biến “nguy” thành “cơ” và chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong thời đại công nghệ 4.0.

Sức sống mới cho từng hiện vật

TS Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết, cả quý III/2021, lượng khách đến tham quan Bảo tàng chỉ có gần 500 lượt. Thực tế đó buộc Bảo tàng phải tìm hướng đi phù hợp tình hình mới, đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần hơn với người xem. “Số hóa là con đường giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với những tài liệu, hiện vật quý mà không cần trực tiếp đến tận nơi…”, bà Ngân chia sẻ.

Tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua 3D Tour

Với hướng đi này, từ tháng 7/2021, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo trực tuyến Bảo tồn và giáo dục di sản văn hóa trên nền tảng số: Góc nhìn Á - Âu, với sự tham gia của 120 diễn giả đến từ các quốc gia trên thế giới; tiếp nối là hội thảo trực tuyến Công nghệ số kết nối Bảo tàng và công chúng. Trong vòng 3 tháng, Bảo tàng xây dựng được 14 video clip giới thiệu các câu chuyện hiện vật gắn với không gian trưng bày, không gian văn hóa ngoài trời và đưa lên Internet, mở ra hướng mới cho hoạt động bảo tàng dần tiến tới số hóa hiện vật trong các khâu kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giáo dục di sản văn hóa trên diện rộng.

Bối cảnh đại dịch khiến phần lớn bảo tàng ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn, giáo dục di sản ở các mức độ khác nhau. Mỗi Bảo tàng cũng đứng trước yêu cầu cần tiếp cận công nghệ đồng bộ, trên cơ sở xác định bản sắc riêng để thu hút du khách tìm đến tham quan, tìm hiểu, khám phá đầy đủ câu chuyện hiện vật. Hầu hết các Bảo tàng đã số hóa một số hiện vật dưới dạng 2D, 3D, xây dựng video clip, liên kết các mảnh ghép của không gian, thời gian thành các câu chuyện hiện vật sống động. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam… đã sử dụng công nghệ đồng bộ trên nền tàng Android và IOS cho phép khách tải App và sử dụng quét mã QR để xem câu chuyện hiện vật…

Nhiều câu chuyện về bước chuyển mình đã được đại diện các Bảo tàng chia sẻ. Đại diện Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, đã thực hiện đổi mới cách tiếp cận công chúng thông qua ứng dụng các thành tựu của công nghệ số. Nổi bật là việc thực hiện các video clip tái hiện các câu chuyện lịch sử một cách sinh động, gần gũi thông qua các sưu tập hiện vật cũng như hệ thống trưng bày của Bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng Đà Nẵng còn thực hiện các video giới thiệu các Di sản văn hóa trên địa bàn thành phố, nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng. Các video sau khi hoàn thành được đăng trên website và các trang mạng xã hội Facebook, YouTube, Zalo, Instagram của Bảo tàng.

Khẳng định việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tăng cường kết nối Bảo tàng với công chúng nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị di sản bằng hình thức trực tuyến hiện nay không còn là giải pháp tình thế mà là xu hướng tất yếu, bà Nguyễn Thị Hữu (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho biết, Bảo tàng Mỹ thuật đã có nhiều hoạt động chuyển đổi số hiệu quả trong thời gian qua. Tháng 4/2021, sau hơn hai năm chuẩn bị, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseumVFA. Trong tầm tay, du khách có thể tự do tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu. IMuseumVFA đã nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn, công chúng trong và ngoài nước. Tháng 8/2021, Bảo tàng tiếp tục ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour, giới thiệu không gian trưng bày thường xuyên. 3D Tour liên kết link với iMuseumVFA để khách tham quan có thể trả phí, khai thác thông tin chi tiết hơn và tham quan trực tuyến khi có nhu cầu.

Kể chuyện kho báu trên không gian ảo

Theo nhận định của các chuyên gia, phần lớn các bảo tàng đều chưa đưa ra được điều mình đang cần, đó là làm cho các kho báu trở lên hấp dẫn bằng công nghệ, đồng bộ dữ liệu lên nền tảng Android và IOS để công chúng đến với bảo tàng, tìm hiểu các câu chuyện văn hóa ẩn giấu sau mỗi hiện vật. Hội thảo Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng giúp các Bảo tàng tiếp cận cách nhìn mới từ chia sẻ của ông Paolo Russo, Chủ tịch và Đồng sáng lập CRHACK LAB FOLIGNO 4D (Foligno, Italia) về “Museater”, liên kết câu chuyện xung quanh hiện vật bảo tàng. Sự kết hợp giữa Bảo tàng và nhà hát dựa trên 5 yếu tố: Kho báu, kể chuyện, tài năng, sân khấu và công nghệ. Ở đó, công nghệ trao quyền cho cán bộ bảo tàng và diễn viên kể chuyện hiện vật, hấp dẫn người xem.

Chia sẻ khó khăn khi chưa có điều kiện để xây dựng riêng một chức năng triển lãm trực tuyến tích hợp trên website, Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng cần thiết kế, xây dựng tư liệu, hình ảnh phù hợp, mang đến cho công chúng cảm giác chân thật, gần gũi như khi đi tham quan trực tiếp. Triển lãm online thử nghiệm Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ đã giúp Bảo tàng này giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về quá trình hình thành và phát triển của đô thị biển Đà Nẵng, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho công chúng.

 

“Không thể phủ nhận rằng, công nghệ số đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ bảo tàng giới thiệu hiện vật đến với công chúng một cách mới lạ, hiện đại và đầy sức hấp dẫn. Mặc dù còn rất nhiều thách thức nhưng thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào công tác chuyển đổi số, đặc biệt là số hóa các tài liệu, hiện vật và các chuyên môn sâu khác như đẩy mạnh nghiên cứu, chỉnh trang trưng bày, xây dựng những trưng bày không chỉ hiện đại về công nghệ mà còn hấp dẫn về nội dung…”, bà Nguyễn Thị Hữu chia sẻ về hướng đi sắp tới của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đang từng bước đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan. Thành công từ triển lãm trực tuyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ATK Thái Nguyên mới đây đã khẳng định đây là hình thức thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, phù hợp bối cảnh. Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Lương Thị Duyên cho biết, quá trình ứng dụng chuyển đổi số còn gặp khó khăn do kinh phí còn hạn hẹp, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng đơn vị đã cố gắng từng bước tiếp cận, nghiên cứu thực hiện những chuyên đề trực tuyến, xây dựng các clip trưng bày để giới thiệu qua fanpage, website…

Từ góc nhìn này, các Bảo tàng hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những ứng dụng công nghệ mới trong việc trưng bày và giáo dục di sản văn hóa. Ở đó, các chuyên gia công nghệ sẽ giúp đỡ các bảo tàng “khoe” kho báu của mình, gắn kết các câu chuyện hiện vật thông qua nền tảng công nghệ số và các hướng dẫn viên chính là những nghệ sĩ chuyển tải thông điệp văn hóa đến công chúng. 

Hà Phương