Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:00, 03/11/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa phối hợp với Văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức tọa đàm “Ổn định tài chính và thực trạng triển khai tại Việt Nam” trong khuôn khổ Kế hoạch thực hiện năm 2021 của Dự án “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam”.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Thông qua Tọa đàm này, NHNN mong muốn tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là với Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện tốt công tác ổn định tài chính, dự báo và xử lý tốt những rủi ro đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, NHNN cũng hi vọng tăng cường quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ từ WB, SECO, các tổ chức quốc tế và NHTW các nước để cùng nhau xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính Nguyễn Vĩnh Hưng cho biết, bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã giúp cơ quan quản lý nhận thức rõ hơn vai trò, sự cần thiết phải khắc phục những khoảng trống về mặt pháp lý, những thiếu hụt về dữ liệu, cũng như sự cần thiết tăng cường nhận thức về các mối liên kết tài chính vĩ mô, các công cụ chính sách xử lý rủi ro hệ thống.

Cơ quan giám sát tài chính các nước đã từng đánh giá chưa đầy đủ về những mối liên kết vĩ mô này, về những rủi ro mang tính hệ thống của khu vực tài chính, cũng như sự gắn kết giữa khu vực có sự ổn định tài chính với ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều nước mặc dù đã thực hiện tốt các chức năng giám sát tài chính truyền thống (giám sát vi mô) và duy trì chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, tuy nhiên khủng hoảng tài chính vẫn xảy ra. Khi dịch bệnh COVID-19, nhiều nền kinh tế trên thế giới lâm vào tình trạng khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát có xu hướng tăng cao. Điều này khiến Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực tìm ra các giải pháp vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống an toàn và ổn định cho người dân.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Điều phối viên Khu vực Tài chính, cho biết, những cú sốc về tài chính được gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau, chứ không chỉ đến từ một rủi ro riêng lẻ của các định chế tài chính. Những rủi ro này có tính lan truyền, lây lan giữa các hệ thống, giữa các thị trường tài chính và phi tài chính, giữa các lĩnh vực của nền kinh tế thực, và có tính tương tác giữa các tổ chức và thị trường với nhau. Sự tác động của bất ổn tài chính tới nền kinh tế và ngân sách của quốc gia là rất lớn.

Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 gây ra tại nhiều quốc gia cho thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng những bộ đệm về chính sách an toàn vĩ mô ngay cả khi tình hình kinh tế ổn định; sẵn sàng thực hiện các công cụ khi có khó khăn xảy ra; và có thể sẵn sàng nới lỏng các bộ đệm khi nền kinh tế gặp khó khăn. Do đó, ông Ketut Ariadi Kusuma cho rằng, việc phối hợp giữa chính sách an toàn vi mô, vĩ mô cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những chính sách về tài khóa, tránh được những tác động tiêu cực. Trong đó, các ngân hàng, các khu vực tài chính đóng vai trò quan trọng trong sự khôi phục của nền kinh tế.

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh các nội dung như tổng quan chính sách an toàn vĩ mô và công cụ chính sách an toàn vĩ mô; các yếu tố cấu thành chính sách an toàn vĩ mô hiệu quả; phân tích ổn định tài chính; đặc điểm chính của thực trạng an toàn vĩ mô tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát; kinh nghiệm quốc tế thực thi chính sách an toàn vĩ mô;…

Được biết, dự án Hỗ trợ kỹ thuật do WB và SECO phối hợp tài trợ và hỗ trợ triển khai nhằm tăng cường năng lực tổng thể cho NHNN trong việc giải quyết những tồn tại về cơ cấu trong hệ thống ngân hàng và tiệm cận hơn những chuẩn mực quốc tế. Trong đó, nội dung quan trọng là tăng cường năng lực giám sát an toàn vĩ mô của NHNN để dự đoán và quản lý rủi ro tiềm ẩn phát sinh từ khu vực ngân hàng và thị trường tài chính, góp phần đảm bảo ổn định tài chính.

T.H