Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - hành trình 5 năm hành động
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 08:25, 06/11/2021
Mục tiêu của thỏa thuận là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 20C so với mức tiền công nghiệp bằng cách giảm đáng kể lượng khí thải carbon và nhằm mục đích tăng ít hơn 1,50C .
Các quốc đảo nhỏ đặc biệt lên tiếng trong việc nhấn mạnh mục tiêu 1,50C, vì họ là những quốc gia có nguy cơ cao nhất đối với bất kỳ sự thay đổi nào của mực nước biển. Trong khi một số người cho rằng những mục tiêu này là quá cao, vì nhiệt độ toàn cầu năm 2016 đã cao hơn 1,30C so với mức tiền công nghiệp, nhiều người cho rằng Thỏa thuận này chưa đi đủ xa và việc cho phép mỗi quốc gia đặt ra mục tiêu của riêng mình khiến nó không hiệu quả.
Tuy nhiên, đây vẫn là một thỏa thuận lịch sử khi các quốc gia phát thải lớn nhất thế giới - Trung Quốc, Mỹ, Khu vực Kinh tế châu Âu và Ấn Độ - đều đồng ý đặt ra các mục tiêu mới để giảm lượng khí thải. Sau khi Liên minh châu Âu phê chuẩn Hiệp ước vào ngày 5/10/2016, Hiệp định khí hậu Paris đã có đủ chữ ký để có hiệu lực vào ngày 4/11/2016.
Dư luận thế giới ca ngợi Thỏa thuận Paris là một chiến thắng chưa từng có đối với môi trường, cũng như các nhà lãnh đạo đã ký nó, trong đó có tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, ở Mỹ, 5 ngày sau khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực, Donald Trump đã thắng cử để kế nhiệm Obama. Chưa đầy một năm sau, vào ngày 1/6/2017, Trump chính thức tuyên bố chấm dứt việc Mỹ tham gia vào Hiệp định vì cho rằng nó quá tốn kém đối với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, Joe Biden kế nhiệm Trump làm tổng thống và vào ngày 20/1/ 2021 - ngày đầu tiên nhậm chức, ông Biden đã ký một lệnh hành pháp để gia nhập lại Hiệp ước Paris và coi đây là trọng tâm của một loạt các biện pháp nhằm khôi phục vai trò của Mỹ trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu. Mỹ chính thức tham gia lại Hiệp định Khí hậu Paris vào ngày 19/2/2021.
Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ngày 1/11 vừa qua tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc tới các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, hạn hán hay lũ lụt, ông nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới. Nó không chỉ là giả thuyết, nó đang phá hủy cuộc sống và sinh kế của mọi người. Chúng ta có khả năng đầu tư và xây dựng một tương lai sử dụng năng lượng sạch, quá trình đó sẽ tạo ra hàng triệu việc làm và cơ hội trên thế giới. Mỗi ngày trì hoãn, cái giá vì không hành động sẽ tăng lên. Hãy để đây là thời điểm chúng ta đưa ra câu trả lời cho lịch sử, tại Glasgow này".