PwC: ESG là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư toàn cầu
Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững - Ngày đăng : 10:00, 07/11/2021
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Khảo sát ESG về nhà đầu tư toàn cầu được PwC tiến hành vào tháng 9/2021, thu hút sự quan tâm của 325 nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là các nhà quản lý và phân tích tài sản đến từ công ty đầu tư, ngân hàng đầu tư hoặc công ty môi giới. PwC cũng thực hiện thêm 40 cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các nhà đầu tư và nhà phân tích đang quản lý tổng khối lượng tài sản hơn 11,6 nghìn tỷ USD để tìm hiểu thêm về chủ đề này.
Từ khảo sát và phỏng vấn có thể rút ra rằng các nhà đầu tư đang quan tâm hơn tới những rủi ro và cơ hội về ESG mà công ty họ đầu tư đang phải đối mặt và họ sẵn sàng hành động dựa trên tiêu chí ESG. Ủng hộ quan điểm này, 79% người tham gia khảo sát cho rằng phương pháp quản lý rủi ro và cơ hội liên quan tới ESG là yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào một công ty và 49% sẵn sàng rút vốn khỏi các công ty không thực hiện trách nhiệm của họ về ESG.
Cần phương pháp báo cáo ESG toàn diện và đáng tin cậy hơn
Theo khảo sát, các nhà đầu tư thường xuyên sử dụng báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững và các tài liệu đầu tư để tìm hiểu phương pháp một công ty đang giải quyết các vấn đề về ESG. Nghiên cứu của PwC cũng chỉ ra rằng các nhà đầu tư ngày càng có nhu cầu tìm hiểu về cam kết triển khai trách nhiệm ESG của doanh nghiệp với 83% nhà đầu tư tham gia khảo sát nhấn mạnh tầm quan trọng của báo cáo ESG là cung cấp thông tin chi tiết về quá trình triển khai các mục tiêu này.
Trong bối cảnh Việt Nam, việc thông qua Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Luật Bảo vệ Môi trường đồng thời đặt ra khuôn khổ để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai các chính sách liên quan nhằm bảo vệ môi trường thông qua các dòng vốn đầu tư. Dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý và nhà đầu tư, báo cáo hoạt động đã trở thành một công cụ cần thiết góp phần thúc đẩy tiến trình ESG của doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư toàn cầu cũng thể hiện sự quan tâm đến chất lượng của báo cáo ESG, với 79% người tham gia khảo sát cho biết họ tin tưởng hơn vào thông tin ESG đã được kiểm toán và 75% cho rằng sẽ tốt hơn nữa nếu các chỉ số này được kiểm toán độc lập.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, lãnh đạo dịch vụ ESG, bộ phận kiểm toán, PwC Việt Nam cho rằng, tăng cường trao đổi thông tin với nhà đầu tư, cùng với phương pháp báo cáo minh bạch và đáng tin cậy là rất quan trọng. Các doanh nghiệp ngày nay cần hiểu rằng báo cáo ESG sẽ ngày càng cung cấp những thông tin phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đang tận dụng các chuẩn mực hiện có để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhà đầu tư về báo cáo ESG. “Tôi tin rằng một bộ tiêu chuẩn báo cáo bền vững được thống nhất trên toàn cầu sẽ ra đời trong tương lai vì những tiêu chuẩn này đóng vai trò quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định của các nhà đầu tư", ông Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.
Nhà đầu tư mong đợi ESG sẽ trở thành một phần của chiến lược kinh doanh
Phần lớn các nhà đầu tư (82%) cho biết ESG cần được tích hợp vào chiến lược doanh nghiệp và một tỷ lệ lớn (66%) những người tham gia khảo sát tin rằng các vấn đề ESG sẽ được giải quyết nếu có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao. Hơn một nửa số đó (53%) cho rằng cam kết của CEO là cần thiết. Đó là lý do tại sao chỉ đạo từ lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng, góp phần dẫn dắt quá trình chuyển đổi phương pháp doanh nghiệp triển khai các hoạt động ESG.
Tuy nhiên, xác định phạm vi của báo cáo ESG có thể trở thành thách thức lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khi báo cáo về các vấn đề khí hậu. Khảo sát của PwC chỉ ra rằng biến đổi khí hậu vẫn là yếu tố ESG hàng đầu mà các nhà đầu tư mong muốn doanh nghiệp ưu tiên.
Khi được hỏi, các nhà đầu tư cho biết rằng giảm phát thải phạm vi 1 (phát thải trực tiếp từ hoạt động của một tổ chức) và phạm vi 2 (phát thải gián tiếp từ việc tiêu thụ điện, hơi nước, nhiệt và tản nhiệt) là những vấn đề họ mong muốn doanh nghiệp giải quyết nhất. Hai yếu tố tiếp theo là đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người lao động (44%) và nâng cao sự đa dạng, công bằng và hòa nhập cho lực lượng lao động (37%).
Mặc dù hầu hết các nhà đầu tư có thể sẽ phản ứng với doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm ESG, họ cũng đồng ý rằng các hoạt động ESG không nên ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận đầu tư. Đại đa số (81%), cho biết họ sẽ không chấp nhận từ bỏ nhiều hơn một điểm phần trăm lợi nhuận đầu tư để theo đuổi các mục tiêu ESG; gần một nửa (49%), không chấp nhận bất kỳ thiệt hại nào về lợi nhuận.
Ông Bee Han Theng, Chủ tịch và Lãnh đạo dịch vụ ESG, PwC Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát cho thấy các nhà đầu tư đang quan tâm đến kết quả ngắn hạn cũng như các vấn đề xã hội mà có thể mang lại rủi ro và cơ hội cho các khoản đầu tư của họ trong dài hạn. Rõ ràng là các nhà đầu tư mong đợi ESG sẽ trở thành một phần của chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp nên chủ động thể hiện cam kết và truyền đạt lợi ích của các hoạt động ESG đến các nhà đầu tư một cách rõ ràng và có mục đích hơn.