Những lưu ý khi mua bất động sản thanh lý

Kết nối - Ngày đăng : 10:25, 08/11/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đa số những bất động sản do ngân hàng thanh lý đều có giá bán thấp hơn từ 5%-20% so với thị trường. Tuy nhiên, người mua cần nắm rõ những quy định, trình tự để để việc mua bán diễn ra thuận lợi.

Thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay vẫn được xem là kênh thu hút nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Thị trường bất động sản tại nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc,… diễn ra sôi động với đa dạng các sản phẩm đất nền, hoặc các mô hình farmstay, homestay. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh xử lý nợ, thanh lý tài sản là bất động sản đã thu hút nhiều nhà đầu tư với giá bán thường thấp hơn 5%-20% so với thị trường. Các nhà đầu tư am hiểu thị trường, thủ tục, quy trình khi mua các bất động sản ngân hàng thanh lý đều cho đây là cơ hội hấp dẫn. 

Hiện nay, theo các dự báo, tình hình nợ xấu tại ngân hàng có thể sẽ tăng đột biến sau khi Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước (ban hành ngày 7/9/2021) hết hiệu lực cơ cấu nợ. Do đó, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh công tác xử lý nợ, thanh lý tài sản thu hồi nợ đang tồn đọng.

Thông thường, các ngân hàng thanh lý tài sản thông qua hai hình thức chính: ngân hàng thuê bên thứ ba là tổ chức bán đấu giá công khai hoặc bán đấu giá thông qua cơ quan thi hành án. 

Để có được cơ hội đầu tư này, các nhà đầu tư cần nắm rõ những thủ tục, quy định sau đây để việc mua bán diễn ra thuận lợi.

Thứ nhất, cần tìm hiểu, tiếp cận đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản thanh lý như giấy chứng nhận (sổ hồng/sổ đỏ), hợp đồng thế chấp tài sản, kết quả đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản để thể hiện rõ tính pháp lý của tài sản….

Thứ hai, nắm rõ thời hạn hoàn thành nghĩa vụ tài chính đấu giá và thời gian bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá...  

Thứ ba,  tìm hiểu thông tin tài sản có bị tranh chấp, ngăn chặn giao dịch tài sản của bên thứ ba hay không.

Thứ tư, khảo sát thực địa tài sản để việc bàn giao tài sản thuận lợi, đúng thời gian quy định. 

Nguyễn Tấn Lộc