Mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo trong Luật Phòng, chống rửa tiền: Đòi hỏi tất yếu của thực tiễn

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 09:22, 10/11/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền - Luật PCRT (sửa đổi) đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ giới thiệu bài viết tập trung đưa ra và bàn luận về việc cần thiết phải mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật PCRT.

Quy định về đối tượng báo cáo trong Luật PCRT năm 2021

Luật được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 là văn bản pháp lý toàn diện quy định về PCRT theo định hướng phù hợp với tình hình xã hội, thông lệ và chuẩn mực quốc tế về PCRT. Trải qua gần 10 năm thi hành, Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn ra đời đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để công tác này được triển khai rộng rãi tới nhiều ngành nghề lĩnh vực, từ đó cải thiện hiệu quả của hoạt động phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng, Bên cạnh đó, Luật PCRT cũng đã bộc lộ những một số bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động PCRT cần sửa đổi, bổ sung Luật PCRT trong thời gian tới.

Luật PCRT quy định bốn (4) nhóm đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức tài chính (FI); Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan (DNFBPs); Tổ chức, cá nhân Việt Nam; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với Tổ chức tài chính (FI); Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan (DNFPBs); Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến PCRT.

 Trong bốn (4) nhóm đối tượng áp dụng, có hai (2) nhóm đối tượng được quy định là “đối tượng báo cáo” gồm (i) các tổ chức tài chính (FIs) là các tổ chức được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật PCRT; và (ii) các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (DNFBPs) thực hiện một hoặc một số hoạt động theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật PCRT, cụ thể:

Các tổ chức tài chính là đối tượng báo cáo khi hoạt động trong các lĩnh vực: Nhận tiền gửi; Cho vay; Cho thuê tài chính; Dịch vụ thanh toán; Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, lệnh chuyển tiền, tiền điện tử; Bảo lãnh ngân hàng và cam kết tài chính; Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; Tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đại lý phân phối chứng khoán; Quản lý danh mục vốn đầu tư; Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; Cung ứng dịch vụ bảo hiểm; hoạt động đầu tư có liên quan đến bảo hiểm nhân thọ; Đổi tiền.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính là đối tượng báo cáo khi hoạt động trong các lĩnh vực sau: Kinh doanh trò chơi có thưởng, casino; Kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản; Kinh doanh kim loại quý và đá quý; Cung ứng dịch vụ công chứng, kế toán; dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; Dịch vụ ủy thác đầu tư; dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; dịch vụ cung cấp giám đốc, thư ký giám đốc của doanh nghiệp cho bên thứ ba.

Về cơ bản, đối tượng báo cáo áp dụng các biện pháp PCRT, thực hiện nghĩa vụ báo cáo, cung cấp, lưu giữ thông tin theo quy định của Luật PCRT. Các đối tượng báo cáo đóng vai trò như người “người gác cổng” với trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Do đó đối tượng báo cáo là các tổ chức, cá nhân có vai trò quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả công tác PCRT.

Các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực có rủi ro rửa tiền nào chưa được đưa vào đối tượng báo cáo?

Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử. Các loại dịch vụ trung gian thanh toán chia làm 2 nhóm là dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, (gồm: dịch vụ chuyển mạch tài chính; dịch vụ bù trừ điện tử; dịch vụ cổng thanh toán điện tử) và nhóm dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, (gồm dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; dịch vụ Ví điện tử). Trong đó, ví điện tử là sản phẩm điền hình của dịch vụ này.

Ví điện tử là hình thức thanh toán mới tại Việt Nam, được định nghĩa là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử theo tỷ lệ 1:1 và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Dịch vụ Ví điện tử được các tổ chức không phải ngân hàng triển khai thí điểm từ năm 2008 và chính thức từ năm 2015 dưới sự quản lý của NHNN. Tính đến nay, tại Việt Nam có hơn 30 tổ chức không phải ngân hàng được NHNN cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu xong với xu hướng số phát triển mạnh mẽ và nhiều tiện ích, Ví điện tử đang ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ để giao dịch qua kênh thương mại điện tử và thanh toán hóa đơn tiện ích và hứa hẹn tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, do đó số lượng các công ty đăng ký cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cũng ngày càng gia tăng. Trong thời gian qua, bên cạnh tiện ích mà ví điện tử mang lại, ví điện tử cũng có dấu hiệu bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…)[1].

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chưa được quy định là đối tượng báo cáo trong Luật PCRT năm 2012. Nhận thức được rủi ro rửa tiền đối với lĩnh vực này và sự thiếu hụt trong quy định của pháp luật về PCRT nên trong quy định cấp phép của lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ theo quy định của pháp luật PCRT (Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014). Năm 2019, Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 sửa đổi bổ sung Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCRT tiếp tục bổ sung quy định yêu cầu “Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp PCRT theo quy định của pháp luật PCRT như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính được quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật PCRT.”. Việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP như trên về cơ bản tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện các biện pháp PCRT như tổ chức báo cáo, song về bản chất, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vẫn chưa là “đối tượng báo cáo” theo Luật PCRT. Do đó, việc quy định tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là “tổ chức báo cáo” trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCRT là yêu cầu tất yếu.

Trong Báo cáo về rửa tiền thông qua các phương thức thanh toán mới[2] xuất bản năm 2010, Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF)[3] đã đề cập đến các yếu tố dễ bị tổn thương và các rủi ro bị lợi dụng cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố của phương tiện thanh toán mới này. Theo Khuyến nghị của FATF, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (đặc biệt là cung ứng dịch vụ ví điện tử) cần phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT, tài trợ khủng bố.

Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản ảo

Tiền ảo, tài sản ảo cũng là một sản phẩm công nghệ mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố khi chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền "sạch" hoặc chuyển các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.

Báo cáo số 255/BC-BTP ngày 29/10/2018 của Bộ Tư pháp về việc “Rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện” đã đề cập đến việc tiền ảo, tài sản ảo có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp trong đó có rửa tiền, tài trợ khủng bố (chủ yếu do tính ẩn danh khi các thông tin cụ thể được mã hóa và chỉ có người sở hữu khóa cá nhân mới truy cập được vào các thông tin này). Do đó, Báo cáo này cũng đề cập cần thiết phải xây dựng khung pháp lý để quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa để ngăn chặn các rủi ro liên quan đặc biệt là rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Hiện nay, Bitcoin và nhiều đồng tiền ảo hiện được giao dịch rộng rãi trên các sàn giao dịch tiền ảo như một loại “chứng khoán”, với việc gia tăng giá trị nhanh chóng trong thời gian qua, các đồng tiền ảo đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tài sản ảo diễn ra hết sức sôi động và đang tạo ra các cơn sốt giao dịch trong thời gian qua[4] và thật dễ dàng để tìm thấy và tham gia giao dịch trên các sàn giao dịch tiền ảo ở Việt Nam. Trong khi đó hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch tiền ảo, tài sản ảo. Theo đó các hoạt động trao đổi, mua bán tiền ảo trên các các sàn giao dịch tiền ảo hiện vẫn đang năm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào.

Theo Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và Công văn số 11633/VPCP-KTTH ngày 29/18/2018 của Văn phòng Chính phủ về báo cáo về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối đang tiến hành nghiên cứu để đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Bộ này cũng đang nghiên cứu đề tài “Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam”[5]. Trước thực trạng tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi, Bộ Tài chính đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

Tháng 6/2014, FATF đã phát hành tài liệu nghiên cứu về tiền ảo trong đó đưa ra các khái niệm về tiền ảo, tài sản ảo cũng như chỉ ra các rủi ro tiềm tàng về rửa tiền, tài trợ khủng bố[6]. Tiếp đó, vào tháng 6/2019, FATF sửa đổi, bổ sung các Khuyến nghị của mình trong đó bổ sung nội dung về tài sản ảo tại Khuyến nghị số 15 – Công nghệ mới. Theo đó, để kiểm soát và giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố kiểm soát và giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, FATF yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT, tài trợ khủng bố, được đăng ký, cấp phép và chịu sự quản lý giám sát.

Theo FATF, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) cần chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT, tài trợ khủng bố gồm các tổ chức và cá nhân thực hiện hoặc đại diện cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện các hoạt động: (i) đổi, hoán đổi giữa tài sản ảo và các loại tiền tệ pháp định; (ii) đổi, hoán đổi giữa các hình thức tài sản ảo; (iii) chuyển nhượng tài sản ảo; (iv) bảo quản hoặc quản lý tài sản ảo hoặc các công cụ có khả năng kiểm soát tài sản ảo; (v) tham gia và cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan đến phát hành hoặc bán tài sản ảo của một tổ chức phát hành.

Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, giám sát đối với các loại tài sản ảo, tiền tiền ảo nói chung và quy định pháp lý về PCRT nói riêng là một yêu cầu cấp thiết để các hoạt động này sớm được quản lý cũng như phòng ngừa các rủi ro bị lạm dụng cho hoạt động tội phạm. Tuy nhiên, theo định nghĩa của FATF nêu trên, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) có thể thuộc nhiều lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, tổ chức chấp nhận, quản lý tài sản ảo, các tổ chức cung ứng nền tảng CNTT liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo… Bên cạnh đó, vấn đề tiền ảo, tài sản ảo là một vấn đề khá mới mẻ và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang trong quá trình nghiên cứu. Do đó, việc mở rộng đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo liên quan đến nhiều lĩnh vực ngành nghề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, xin ý kiến các chuyên gia, các cơ quan của Quốc hội, đối tượng tác động cũng như lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.

Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến (cho vay ngang hàng)

Cho vay trực tuyến, cũng thường được gọi là cho vay ngang hàng, cho phép người cho vay và người vay tiền giao dịch trực tiếp trên nền tảng internet mà không thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian tài chính khác. Theo "Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên thị trường có khoảng 100 công ty trong lĩnh vực P2P lending, bao gồm công ty đã hoạt động chính thức lẫn trong giai đoạn thử nghiệm (theo dự thảo mới đây), trong đó, nhiều công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia…[7]. Do đó, hoạt động cho vay trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro (rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng...) tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội. Theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua hoạt động cho vay trực tuyến qua các ứng dụng đang nở rộ và phát triển mạnh mẽ và đã xuất hiện các biến tướng của "tín dụng đen", kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng an ninh, trật tự[8]. Một số đối tượng là người nước ngoài đã cấu kết với số đối tượng trong nước thành lập các công ty trá hình cho vay tài chính, tín dụng phi ngân hàng để hoạt động cho vay qua ứng dụng di động nhằm thu lợi bất chính, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội[9].

Cũng giống như lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động cho vay trực tuyến nhưng cũng không có quy định cấm đối với hoạt động này, trừ trường hợp hoạt động này được xác định là hoạt động ngân hàng và hiện áp dụng theo các quy định của Luật Dân sự. Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đang đặt thách thức lớn trong quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành theo đúng qui định của pháp luật, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh hệ thống tài chính. Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Báo cáo cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng để trình Chính phủ, dự kiến đưa lĩnh vực cho vay ngang hàng vào Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Cơ chế Regulatory Sandbox) dự kiến triển khai trong năm 2021[10].

Theo định nghĩa về “tổ chức tài chính” trong 40 Khuyến nghị của FATF, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cho vay (bao gồm cả cho vay online, cho vay ngang hàng) được coi là “tổ chức tài chính” và phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT. Với các rủi ro bị lợi dụng cho hoạt động tội phạm, việc sớm nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý rõ ràng để quản lý lĩnh vực này. Trên cơ sở đó đưa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này chịu sự quản lý của pháp luật về PCRT là một yêu cầu cấp thiết để tránh tình trạng các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này có thể núp bóng để lừa đảo, rửa tiền, cho vay lãi suất cao... 

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Theo báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, hoạt động cầm đồ ngày càng có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng hiệu cầm đồ cũng như quy mô vốn, việc đăng ký hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ dường như rất dễ dàng. Nếu như trước đây hoạt động cầm đồ chủ yếu là cầm cố điện thoại, xe đạp, đồng hồ (những tài sản có giá trị không lớn) thì ngày nay hoạt động này đã chuyển mạnh mẽ sang cầm cố các tài sản có giá trị lớn nhưng lại rất khó kiểm soát như giấy tờ có giá trị lớn, ô tô, đồ trang sức đắt tiền… trong đó có cả việc nhận cầm cố, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, dịch vụ cầm đồ đang có dấu hiệu “biến tướng” tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, là nơi tiêu thụ các tài sản do phạm tội mà có do đó tiếp tay cho tội phạm lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc…[11] trong thời gian qua.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường cầm đồ bắt đầu xuất hiện hệ thống/chuỗi cầm đồ của của một số công ty như F88, T99, Vietmoney… Mặc dù mới ra đời, nhưng các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho thấy tiềm năng tăng trưởng doanh số đáng kinh ngạc, thu hút lượng lớn vốn đầu tư và không ngừng mở rộng hệ thống cầm đồ.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với 1 số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì“Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản sở hữu hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố”. Theo quy định trên, hoạt động của dịch vụ cầm đồ là hoạt động “cho vay” và theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật PCRT, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cầm đồ được xếp vào nhóm các “tổ chức tài chính” là đối tượng báo cáo theo Luật PCRT. Tuy nhiên, do Luật PCRT không chỉ đích danh hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ là đối tượng báo cáo cũng như chưa phân công cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát PCRT đối với nhóm đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực này nên trên thực tế hoạt động PCRT chưa được triển khai trong lĩnh vực này. Do đó, việc quy định rõ trong Luật PCRT việc tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ là “đối tượng báo cáo” theo Luật PCRT cũng như xác định cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, giám sát về PCRT đối với các đối tượng kinh doanh dịch vụ cầm đồ là một yêu cầu cấp thiết.

Sự cần thiết phải mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo

Như đã phân tích, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động của các FI và DNFPBs phát triển nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều loại hình, phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ đa dạng mới. Bên cạnh mặt tích cực, các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới này cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng cho các mục đích tội phạm nói chung trong đó có rửa tiền. Theo Khuyến nghị của FATF, các quốc gia trên thế giới đã và đang đưa thực hiện các biện pháp để quản lý các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền, một trong các biện pháp đó là đưa các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các lĩnh vực này trở thành đối tượng báo cáo và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT.

Việc bổ sung các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp các loại hình dịch vụ tiềm ẩn rủi ro rửa tiền là đối tượng báo cáo và chịu sự điều chỉnh của Luật PCRT là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn. Mặc dù điều này sẽ dẫn tới việc gia tăng chi phí và công việc cho các tổ chức báo cáo và các cơ quan quản lý nhưng chi phí này chắc chắn không lớn mà sẽ phục vụ cho lợi ích chính đáng trong quá trình điều hành, phòng ngừa rủi ro của các tổ chức này mặt khác mang lại nhiều lợi ích về nhiều mặt cho xã hội.

Việc mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền; đối tượng báo cáo bắt buộc phải xây dựng và triển khai cơ chế PCRT và tuân thủ các nghĩa vụ PCRT như thực hiện nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, báo cáo giao dịch đáng ngờ… qua đó giảm thiểu rủi ro rửa tiền xảy ra ở đối tượng báo cáo, góp phần làm lành mạnh, an toàn và ổn định cho hệ thống tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền được cung cấp thêm nhiều nguồn thông tin từ các đối tượng, lĩnh vực khác nhau để phân tích, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc liên quan đến rửa tiền, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh PCRT.

Việc mở rộng phạm vi của đối tượng báo cáo góp phần tăng cường nhận thức về công tác PCRT đến nhóm các đối tượng báo cáo được mở rộng. Hoạt động PCRT được tăng cường sẽ góp phần giảm thiểu tội phạm, đặc biệt là các tội phạm kinh tế gắn với tham nhũng, lừa đảo, buôn lậu…, tăng cường trật tự, an toàn xã hội, tăng niềm tin của dân chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Việc mở rộng phạm vi của đối tượng báo cáo nói riêng và việc sửa đổi, bổ sung Luật PCRT cũng cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về PCRT và sẽ nhận được sự đánh giá và ghi nhận của cộng đồng quốc tế, qua đó tạo vị thế, môi trường hợp tác đầu tư, thương mại, tạo thuận lợi để Việt Nam được hưởng các chính sách ưu đãi (chi phí vay, thời gian vay, thời gian trả nợ, nội dụng vay, hạn mức vay...) cũng như góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, phát triển các ngành kinh tế.

Kiến nghị với các cơ quan chức năng

Một số đề xuất kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền:

Bổ sung đối tượng báo cáo trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCRT:

- Đề nghị nghiên cứu, bổ sung làm rõ các tổ chức, cá nhân cung cấp: (i) dịch vụ trung gian thanh toán, (ii) dịch vụ kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo, (iii) dịch vụ cho vay online; (iv) dịch vụ cầm đồ là đối tượng báo cáo theo Luật PCRT trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo phạm vi rộng nhất các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT.

- Đề nghị xác định và bổ sung quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCRT cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, thanh tra về PCRT của các đối tượng báo cáo được mở rộng nêu trên.

Quy định về đối tượng báo cáo tại Luật PCRT năm 2012 đã bộc lộ thiếu hụt, chưa theo kịp sự phát triển trong các hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính trên thực tế khi chưa bao quát đầy đủ các hoạt động, loại hình dịch vụ có rủi ro cao về rửa tiền. Theo đó, nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh các loại hình dịch vụ tiềm ẩn rủi ro rửa tiền được Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) khuyến nghị cần được điều chỉnh bởi pháp luật về PCRT vẫn chưa được quy định là đối tượng báo cáo nên chưa có cơ sở để yêu cầu các tổ chức này thực hiện một hay một số các biện pháp PCRT phù hợp. Việc khắc phục các hạn chế, thiếu hụt này là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn để nâng cao hiệu quả của công tác PCRT ở Việt Nam cũng như đưa các quy định của pháp luật về PCRT tuân thủ tốt hơn các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này.


[1] https://tuoitre.vn/canh-giac-voi-chieu-lua-an-theo-vi-dien-tu-20210509074946526.htm; https://tienphong.vn/duong-day-danh-bac-nghin-ty-o-ha-noi-rua-tien-co-bac-qua-vi-dien-tu-sim-0-dong-post1381864.tpo.

[2] FATF Report on Money Laundering using new payment methods (October, 2010);

[3] FATF là một cơ quan liên chính phủ được thành lập vào năm 1989 với chức năng xây dựng, ban hành các chuẩn mực và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hoạt động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt và những hiểm họa có liên quan khác đe dọa sự thống nhất của hệ thống tài chính quốc tế.

[4] https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tai-chinh/994887/giao-dich-tai-san-ao-tien-ao-can-khung-phap-ly-ngua-rui-ro

[5] https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/tai-chinh/35177/bo-tai-chinh-nghien-cuu-cach-quan-ly-tien-ao-tai-san-ao

[6] FATF Report – Virtual Currencies Key Definitions and potential AML/CFT Risks (June, 2014);

[7] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/lo-p2p-lending-trung-quoc-tran-sang-viet-nam-704539.html

[8] https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/ngan-chan-toi-pham-tin-dung-den-online-638712/

[9] https://cand.com.vn/Ban-tin-113/khuyen-cao-nguoi-dan-canh-giac-voi-cac-app-vay-tien-tren-mang-i623792/

[10] https://vtv.vn/kinh-te/vay-ngang-hang-can-mot-hanh-lang-phap-ly-20210302111026717.htm

[11] https://congan.com.vn/vu-an/bien-tuong-o-dich-vu-cam-do_116813.html

SBV