Bài toán phục hồi nền kinh tế thông qua “kích” tổng cầu

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 11:51, 14/11/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Những ngày gần đây, bài toán làm thế nào để phục hồi nền kinh tế đã được bàn thảo rất sôi nổi trên nhiều diễn đàn, trong đó, các giải pháp chính được nhiều chuyên gia đưa ra là sử dụng 2 kênh: tín dụng ngân hàng và Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tăng tổng cầu qua 2 kênh này như thế nào và bằng cách nào cũng như quan hệ giữa hai nguồn TDNH và NSNN cần diễn ra theo cơ chế nào? Đây là những bài toán cần phải giải ngay, càng sớm càng tốt.

Tổng cầu suy giảm nghiêm trọng

Nền kinh tế nước sau 3 quý năm 2021 chỉ tăng 1,42% sau khi đã tăng 4,48% trong quí II và 6,61% vào quý II. Nguyên nhân tăng trưởng kinh tế trong quý III/2021 lao dốc, giảm hơn 6% là do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, doanh nghiệp, người dân phải thực hiện các biện pháp chống dịch, sức sản xuất tụt giảm mạnh, khiến tổng cầu sụt giảm nghiêm trọng. Các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đông Nai lại là những nơi có tăng trưởng âm đã kéo mạnh bức tranh tăng trưởng của toàn nền kinh tế trong quý III/2021. Nhiều tỉnh, thành phía Nam bị ảnh hưởng của dịch bệnh nặng nề, phải thực hiện các biện pháp cách ly, giới hạn đi lại, gây nên sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.

Tăng tổng cầu qua kênh tín dụng ngân hàng và Ngân sách Nhà nước

Những ngày gần đây, bài toán làm thế nào để phục hồi nền kinh tế đã được bàn thảo rất sôi nổi trên nhiều diễn đàn, trong đó, các giải pháp chính được nhiều chuyên gia đưa ra là sử dụng tín dụng ngân hàng (TDNH) và Ngân sách Nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tăng tổng cầu qua 2 kênh này như thế nào và bằng cách nào cũng như quan hệ giữa hai nguồn TDNH và NSNN cần diễn ra theo cơ chế nào? Đây là những bài toán cần phải giải ngay, càng sớm càng tốt. Tất nhiên đối tượng nhận và cần được tiếp nhận sự gia tăng tổng cầu phải là người lao động mất hoặc giảm nguồn thu nói chung và doanh nghiệp (DN) đã và đang chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh đã phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất nói riêng. Trong đó, 4 nhóm chi lớn từ NSNN, bao gồm: Một là, chi hỗ trợ gia đình có người tử vong vì COVID và những người đang là Fo; Hai là, chi hỗ trợ cho người mất việc làm vì dịch COVID; Ba là, chi an sinh xã hội để kích hoạt gọi lao động trở lại nơi làm việc cũ và gọi lao động mới để vận hành nơi sản xuất đang yếu hoặc đang bị đóng cửa; Bốn là, chi hỗ trợ bù lãi suất cho DN và chủ hộ kinh doanh vay vốn TDNH đầu tư sản xuất ngay trong điều kiện chống dịch ở môi trường mới.

Về mối quan hệ giữa TDNH với NSNN trong bối cảnh hiện nay, không còn đơn thuần là TDNH đi vào nền kinh tế tạo hiệu quả để tạo ra nhiều nguồn thu cho NSNN như thông lệ nữa, mà là NSNN vừa phải “khoan sức dân”, tức là phải giảm nhiều loại, nhiều mức thu và đối tượng thu, vừa phải chi ra từ nguồn tích lũy để chi cho 4 nhóm cấp bách nói trên và chi mạnh vào đầu tư công để tạo mồi, tạo hướng cho TDNH có khách hàng, dù là khách hàng chỉ mua được vốn với giá rẻ nhất có thể.

Để hàn nối lại những chuỗi gãy khúc, mở lại nhà máy công xưởng, gọi được sự trở lại của những đơn hàng và hút thêm những đơn hàng FDI mới, thiết nghĩ rât cần những gói hỗ trợ từ NSNN và các gói hỗ trợ này cần đủ lớn, đủ dài và đủ sức hút để tạo mồi, để mở hướng cho TDNH có khách hàng cùng đi vào đầu tư phát triển sản xuất một cách có hiệu quả.

Về quan hệ giữa NSNN và TDNH thông qua gói cấp bù lãi suất, mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ xem xét các khả năng thực hiện cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN - nơi tạo ra 60% GDP của nền kinh tế. Còn nhớ, hơn 10 năm trước, trước ảnh hưởng khủng hoảng tài chính năm 2008 trên thế giới, Việt Nam đã phải đưa ra gói kích cầu năm 2009. Vào thời điểm đó, gói kích cầu đã đạt được một số mục tiêu nhưng chưa có được thành công toàn diện - mới chỉ mang tính cấp phát nhỏ lẻ chứ chưa mang tính kích hoạt. Bài học này do đó sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý trong giai đoạn hiện nay tính toán đến một giải pháp hỗ trợ cho DN trong việc xử lý tình huống, khôi phục lại sản xuất sau đại dịch COVID- 19 đủ tầm hơn, hiệu quả hơn.

Vậy, nguồn ở đâu để thực hiện gói hỗ trợ lãi suất nói trên? Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Bộ Tài chính buộc phải vay, phải phát hành trái phiếu hoặc vay Ngân hàng trung ương (NHTW) để có nguồn. Mức dự trữ ngoại tệ của Chính phủ tại NHTW đang khá lớn, gấp 4 lần năm 2009, tương ứng với 12 tuần nhập khẩu theo doanh số hiện nay(3).  

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nêu quan điểm: “Chúng ta chú trọng sử dụng chính sách tiền tệ (CSTT) để hỗ trợ DN, chúng ta đang dùng DN hỗ trợ DN. Trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh, các DN đều khó khăn, nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ quyết liệt thì các TCTD khó có thể cho DN vay khi DN đang khó khăn, dừng sản xuất, không có doanh thu, đứt gãy chuỗi cung ứng”. Việc các ngân hàng miễn, giảm lãi suất, phí, cơ cấu thời hạn nợ cho các DN cũng như việc các DN viễn thông, điện lực giảm phí cũng chính là gói “DN hỗ trợ DN”, trong khi thực sự đây cũng là các DN cùng phải chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như các DN khác nhưng họ hầu như không được hưởng chính sách hỗ trợ. Việc giãn hoãn thuế bản chất cũng chỉ là khoản nợ không phải trả lãi, khối các NHTM không phải là đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập DN bởi không nằm trong diện DN vừa và nhỏ có doanh thu dưới 200 tỷ đồng trong năm 2021 nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì vừa phải đối diện với rủi ro, vừa phải “bán” vốn giá rẻ cho nền kinh tế chống chọi với đại dịch”.

Gợi ý về chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, Chính phủ có thể xem xét áp dụng các quy định về khoanh nợ tạo điều kiện cho các TCTD xác định đây là nợ Chính phủ khoanh lại trong một khoảng thời gian. Từ đó, các TCTD có thể xem xét cho DN vay mới để mở rộng sản xuất kinh doanh. Việc này không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu của các TCTD. Vì việc cơ cấu thời hạn trả nợ bản chất vẫn là nợ xấu nhưng được giữ nguyên nhóm 1 - điều này rất nguy hiểm cho các TCTD nếu không có sự bảo lãnh của Chính phủ.   

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng để hỗ trợ DN hiệu quả, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải có sự kết hợp chặt chẽ. “Nếu chúng ta sử dụng chính sách tiền tệ mãi thì vài năm nữa gánh nặng nợ xấu sẽ rất lớn, để lại hệ quả nặng nề”. Do đó các Bộ, ngành phải nâng cao trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, nhìn nhận đúng thực trạng, đúng đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ tương xứng để đề xuất các giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta phải đánh giá đúng thực trạng nếu tiếp tục lạm dụng chính sách tiền tệ sẽ gây hệ quả rất lớn, do đó phải có sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa một cách hiệu quả và tránh lạm dụng chính sách tiền tệ nếu không muốn đổi rủi ro nhỏ hôm nay lấy rủi ro lớn hơn trong tương lai. 

Ngoài các biện pháp phối kết hợp hiệu quả giữa NSNN với TDNH thì biện pháp mang tính cấp bách và ngắn hạn lúc này là phải nhanh chóng phủ sóng vác xin trên toàn quốc, nhanh chóng bình thường hóa việc thông thương hàng hóa, đi lại của người dân và mở rộng giao thương hàng hóa với nước ngoài trong môi trường mới.

Tài liệu tham khảo:

1.Báo Quân đội nhân dân, ngày 29/10/2021

2.Thitruongtaichinhtiente.vn: Kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để phục hồi nền kinh tế, ngày 9/11/2021

TS. Nguyễn Đại Lai