Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm nhằm thúc đẩy xử lý nợ xấu

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 09:05, 17/11/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc hoàn thiện hệ thống pháp pháp luật về giao dịch bảo đảm từ các quy định pháp luật chung đến một số quy định cụ thể tại pháp luật chuyên ngành là rất cần thiết, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp cho TCTD khi tham gia giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ), qua đó tránh rủi ro cho TCTD, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Thông tin trên được các diễn giả đưa ra tại Hội thảo Khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm nhằm thúc đẩy xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD)”, được Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 16/11.

Phát biểu khai mạc Hội thảo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN, Nguyễn Thị Hiền cho biết, ở bất kỳ quốc gia nào, trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của nền kinh tế, nợ xấu luôn là vấn đề bức thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được Quốc hội, Chính phủ xác định là 3 lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

"Nghị quyết 42 là một văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm được giải quyết, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế", bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Thực tế cho thấy, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, hơn 70% các khoản nợ xấu được xử lý; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2016 – 2020 được duy trì dưới mức 3% và giảm liên tục qua các năm. Đặc biệt, Nghị quyết còn có tác động rất tích cực tới thái độ và trách nhiệm của khách hàng trong việc trả nợ hoặc hợp tác thu giữ và phát mại TSĐ). Nhờ vậy, việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu lại các TCTD của toàn hệ thống có nhiều tín hiệu tích cực, đạt được các mục tiêu tại Quyết định số 1058/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trình bày các nội dung chính của đề tài nghiên cứu tại hội thảo, thành viên chính trong nhóm đề tài Nguyễn Thị Lương Trà cho biết, việc nghiên cứu đưa ra các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp pháp luật về giao dịch bảo đảm từ các quy định pháp luật chung đến một số quy định cụ thể tại pháp luật chuyên ngành là rất cần thiết, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp cho TCTD khi tham gia giao dịch bảo đảm, xử lý TSBĐ, qua đó tránh rủi ro cho TCTD, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nhân lực cho các TCTD.

"Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nêu trên, việc nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm là rất cấp thiết, tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD và thúc đẩy xử lý nợ xấu của các TCTD tại Việt Nam. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đề tài: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm nhằm thúc đẩy xử lý nợ xấu của các TCTD”, bà Nguyễn Thị Lương Trà chia sẻ.

Đề tài nghiên cứu với 3 mục tiêu: Một là, rà soát tổng thể thực trạng quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật về giao dịch bảo đảm của một số quốc gia để rút ra bài học cho Việt Nam; Hai là, đánh giá những bất cập, hạn chế của hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm hiện hành, những tác động bất lợi đến việc xử lý nợ xấu của TCTD; Ba là, nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hiệu quả thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm, hướng tới thúc đẩy xử lý nợ xấu của các TCTD.

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm. Về phạm vi nghiên cứu, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến giao dịch bảo đảm theo cả quá trình, từ: (i) xác định các biện pháp bảo đảm trong hoạt động của TCTD; (ii) quá trình thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật để nhận TSBĐ của TCTD; (iii) tiến hành xử lý TSBĐ khi khách hàng không trả được nợ theo quy định.

Đề cập đến Kết quả đạt được và khả năng, phạm vi ứng dụng kết quả của nhiệm vụ, thành viên của đề tài cho biết, đề tài đánh giá tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm, đánh giá những điểm tốt và mặt còn hạn chế, vướng mắc trong các quy định pháp luật hiện hành. Đưa ra các đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch bảo đảm, góp phần tích cực đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của TCTD. Với kết quả nêu trên, đề tài là nguồn tài liệu tham khảo đối với công tác đào tạo, công tác xây dựng chính sách tại NHNN.

Lan Nguyễn