Ngân hàng sẽ phải 'thông minh’ hơn trong kỷ nguyên số

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 18:21, 18/11/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo các chuyên gia, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý thì các ngân hàng cần đẩy mạnh gia tăng trải nghiệm khách hàng nhằm phát triển 'ngân hàng thông minh' trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

Sáng 18/11, hội thảo Phát triển Ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 (Industry Summit 4.0) do Ban Kinh tế trung ương tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất cũng như giải pháp phát triển ngân hàng thông minh.

Tham dự Hội thảo có ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, diễn giả đến từ các ngân hàng thương mại Việt Nam và nước ngoài.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng tham dự và phát biểu trực tuyến. Ảnh: Bảo Đăng

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và bối cảnh đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức đòi hỏi cần có sự chuyển đổi để bắt kịp và thích ứng với bối cảnh mới. Ngành ngân hàng được xác định là lĩnh vực của có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, cần ưu tiên chuyển đổi số bên cạnh mục tiêu xây dựng đô thị thông minh và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nhiều vấn đề đặt ra trong việc hoàn thiện thế chế chính sách cho các ngân hàng cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh hợp tác phát triển giữa các ngân hàng, các công ty Fintech, Bigtech, đặt ra khuôn khổ cho Sandbox, hoàn thiện quy định liên quan như Luật giao dịch điện tử…

“Chúng tôi sẽ lắng nghe, tập hợp ý kiến các chuyên gia, các diễn giả, các nhà khoa học từ đó đề xuất chính sách, kiến nghị dể phục hồi phát triển kinh tế hậu COVID-19 và để phục vụ xây dựng Đề án chủ trương chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa trình Ban Chấp hành trung ương vào tháng 10 năm 2022”, ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Bảo Đăng

Tham dự và phát biểu trực tuyến, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, trong thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp đáp ứng mô hình ngân hàng số, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng… Các thành tựu của CMCN 4.0 được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi, thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm, 90% về số lượng, 150% về giá trị, nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số..

Phó Thống đốc cho biết, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Để thực hiện mục tiêu nói trên, trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung nhiều giải pháp trọng tâm như chuyển đổi nhận thức; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ CMCN 4.0 để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Theo Phó Thống đốc, chuyển đổi số, xây dựng mô hình ngân hàng số cần có sự tham gia, phối hợp tích cực từ các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan không chỉ là ngành ngân hàng.

T.S Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham gia điều hành hội thảo. Ảnh: Bảo Đăng

Tham gia điều hành hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu thiết yếu của các ngân hàng. Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách năng động, sáng tạo vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong tiến trình chuyển đổi số, đạt hiệu quả cao nhất, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận và làm rõ những nội dung về bối cảnh phát triển ngân hàng thông minh trên thế giới và trong khu vực, sự cần thiết chuyển đổi sang mô hình ngân hàng thông minh, các chiến lược và giải pháp toàn diện thúc đẩy phát triển ngân hàng thông minh và các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin cho ngân hàng thông minh.

Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng, một ngân hàng thông minh là cần phải đi trước đón đầu các nhu cầu của khách hàng và gợi mở sản phẩm, dịch vụ mà có thể khách hàng cần đến trong tương lai. Bên cạnh đó, các ngân hàng thông minh sử dụng dữ liệu lớn (big data) để dự báo hành vi chi tiêu của khách hàng cũng như trong đánh giá khác trong vấn đề cho vay. Ngoài ra, ngân hàng thông minh phải đặt vai trò công nghệ lên hàng đầu, kết nối với hệ sinh thái mở (bao gồm các đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ…) để phục vụ cho khách hàng tốt hơn.  

Theo ông Khương, sự thay đổi trong hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng được phản ánh rõ qua kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen. Theo đó, tỷ lệ người Việt Nam dùng mobile banking và internet banking ở thời điểm quý IV/2018 lần lượt là 22% và 28%. Gần 3 năm sau, quý III/2021, tỷ lệ này đã tăng lên 68% và 75%. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy sự dịch chuyển nhanh hơn. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Nielsen trong năm 2021 cho thấy, gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số cho biết họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi COVID-19 được kiểm soát. “Người tiêu dùng đang tìm kiếm công nghệ thông minh, an toàn và nhanh hơn,” ông Khương nói và nhấn mạnh rằng các ngân hàng cũng phải “thông minh hơn, tự động hóa nhanh hơn và cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa tới khách hàng tốt hơn.”

Quang cảnh hội thảo

Từ thực tiễn triển khai dịch vụ ở ngân hàng thương mại, TS. Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank nhận định, chuyển đổi số là xu thế quan trọng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng từ đó phát triển hoạt động kinh doanh trên kênh số. Thời gian qua, Vietcombank đã liên tục nâng cấp đầu tư nền tảng hạ tầng công nghệ mới, nâng cấp ứng dụng số, cải tiến tính năng trên mobile banking để phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong quản trị ngân hàng, nhằm đảm bảo cân bằng rủi ro và đổi mới sáng tạo để phục vụ phát triển, các ngân hàng mong muốn tiếp cận các giải pháp tốt hơn từ các đơn vị tư vấn công nghệ và các đơn vị tư vấn công nghệ hiểu thêm nhu cầu của ngân hàng để hợp tác phát triển các sản phẩm.

Đối với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), ông Nguyễn Viết Châu, Giám đốc Trung tâm Innovation Lab, Khối Ngân hàng số MB chia sẻ, chiến lược của MB từ chỗ “phát triển an toàn” sang “bứt tốc”, đó là số hóa các dịch vụ truyền thống của ngân hàng, áp dụng công nghệ thông tin trong các quy trình và tự động hóa quy trình. MB hướng tới là doanh nghiệp số, cung cấp các sản phẩm dịch vụ số nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng. Theo ông Châu, để chiến lược chuyển đổi số thành công, lực lượng nhân sự phải nắm bắt công nghệ và có thể tham gia quá trình số hóa và dữ liệu khách hàng là tài sản quan trọng bậc nhất đối với việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, trong chuyển đổi số thì việc chuyển đổi tư duy, văn hóa là điều rất quan trọng và khó khăn không chỉ ở MB mà ở nhiều doanh nghiệp khác. 

Bà Sunday Domingo, Giám đốc Điều hành khối sản phẩm số, Standard Chartered Bank cho biết, với bề dày hoạt động hơn 100 năm ở nhiều quốc gia trên thế giới, Standard Chartered Bank đã số hóa các quy trình, đơn giản hóa quy trình tùy theo các phân khúc khách hàng. Standard Chartered Bank cũng sử dụng nguồn dữ liệu dân cư ở mỗi quốc gia để định danh khách hàng điện tử (eKYC) nhằm rút ngắn thời gian xác thực khách hàng, an toàn, bảo mật hơn với công nghệ sinh trắc học. Bà Sunday Domingo cho biết thêm, Standard Chartered Bank cũng áp dụng các phương thức thanh toán mới trong việc “thu hộ trực tuyến”.

Mặc dù chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, ngân hàng, các doanh nghiệp và cả Chính phủ, tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, chuyển đổi số cũng đem lại thách thức về an toàn, an ninh thông tin cho ngân hàng. Các ngân hàng cần gia tăng bảo mật, kịp thời phát hiện ngăn chặn nguy cơ một cách chủ động, có giải pháp chống giao dịch gian lận và thích ứng với chuyển dịch làm việc từ xa.

Bảo Đăng - Bùi Trang