Bộ Công Thương cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 15:11, 19/11/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 19/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại (PVTM) cho các cơ quan báo chí.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khai mạc Hội nghị

Dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cùng lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, PVTM là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.

Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương:

PVTM không còn là một khái niệm mới mẻ nhưng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ở nước ta vẫn còn thụ động dẫn đến chịu thiệt hại xảy ra khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu hoặc khi bị nước ngoài điều tra và áp thuế PVTM. Do đó, cần thông tin để doanh nghiệp nắm được khi có vụ việc xảy ra thì liên hệ cơ quan chức năng để có hướng xử lý phù hợp. Việc cảnh báo sơm, tuyên truyền, thông tin về PVTM đóng vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết.

Theo thống kê của WTO, hơn 25 năm qua, kể từ khi WTO ra đời vào năm 1995 cho đến tháng 12/2020, các nước đã khởi xướng, điều tra tổng cộng 6.300 vụ việc chống bán phá giá (CBPG), 632 vụ chống chống trợ cấp (CTC), 400 vụ việc tự vệ. Đây là minh chứng cho thấy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại số lượng lớn các vụ việc PVTM.

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu giai đoạn 2005 - 2010 chỉ có 25 vụ việc thì giai đoạn 2011 – 2015 là 52 vụ việc và giai đoạn 2016 – tháng 9/2021 là 109 vụ.

Để áp dụng một biện pháp PVTM, cơ quan quản lý nhà nước phải điều tra hồ sơ đề nghị của các ngành sản xuất trong nước. Sau đó, cơ quan phải chứng minh đơn vị nước ngoài: Có hành vi bán phá giá và nhập khẩu gia tăng đột biến; có thiệt hại của ngành sản xuất trong nước (thời gian đánh giá trong vòng 1 năm, khẩn cấp không được dưới 6 tháng); có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

 

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - nhận định, các biện pháp PVTM đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước. Nhờ công cụ PVTM, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. Đặc biệt, các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các biện pháp PVTM trong tiến trình hội nhập, Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư, đề án về PVTM. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường… để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do cũng cho thấy có rất nhiều thách thức mới, đòi hỏi Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ hơn, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ để có thể khai thác tốt hơn các cơ hội mà Hiệp định tự do mang lại. Quá trình tham gia các Hiệp định tự do thế hệ mới đặt ra nhiều rủi ro, có nhiều vấn đề đặt ra vì vậy chúng ta cần có những biện pháp để bảo hộ PVTM. Do đó, để nâng cao năng lực PVTM, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về PVTM để ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, đảm bảo hàng hóa sản xuất trong nước được cạnh tranh công bằng.

Bùi Trang