Xử lý nợ xấu: Ngân hàng khó khăn thu hồi tài sản bảo đảm
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 21:03, 24/11/2021
Ngày 24/11, Ủy ban Chính sách (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Vietcombank tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Vụ trưởng Vụ I - Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp); bà Vũ Ngọc Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); ông Lê Trung Kiên – Phó Cục trưởng Cục IV - Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); ông Trần Quốc Hùng - Trưởng Phòng Xử lý nợ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV; cùng đại diện Đại học Luật Hà Nội, Câu lạc bộ Xử lý nợ, Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng), các tổ chức tín dụng (TCTD) và đơn vị nghiệp vụ xử lý nợ của các TCTD.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Tạ Dũng |
Nghị quyết 42 đã hỗ trợ tích cực cho xử lý nợ xấu
Sau gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, Công ty Quản lý tài sản VAMC mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tăng thêm niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế so với trước đây.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/8/2021 là 424,1 nghìn tỷ, đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng kể từ 15/08/2017 - 31/08/2021. Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD vì nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu là cực kỳ quan trọng, có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, TCTD và nền kinh tế.
“Nghị quyết 42 hết hiệu lực sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn”, ông Hùng bày tỏ lo lắng và kiến nghị cần luật hóa xử lý nợ xấu là rất cần thiết giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) Ảnh: Tạ Dũng |
Ngân hàng khó khăn thu hồi tài sản bảo đảm
Ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế và nền khách hàng của các TCTD. Nợ xấu 9 tháng đầu năm 2021 của các TCTD đã có sự gia tăng mạnh. Các TCTD cũng đã áp dụng biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 như hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ… Tuy nhiên, việc thu hồi nợ nội bảng tiền qua các biện pháp thu nợ dưới hình thức phát mại xử lý tài sản 9 tháng đạt thấp hơn thời gian trước do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngoài các khó khăn khách quan, theo ông Phương, các TCTD gặp khó khăn trong việc nhận gán nợ tài sản bảo đảm là bất động sản, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán, là phương tiện vận tải, là dự án bất động sản, vướng mắc trong triển khai áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm
Theo đại diện ngân hàng Vietcombank, nhằm hạn chế tối đa nợ xấu, phía ngân hàng đã tăng cường rà soát, đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh, tài sản bảo đảm, khả năng trả nợ của khách hàng. Chủ động, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với nợ xấu, nợ có khả năng chuyển xấu. Phân loại khách hàng vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo đúng tình trạng khoản nợ và kiểm soát chất lượng tín dụng bằng các chính sách cho vay.
Đối với việc xử lý nợ, Vietcombank tích cực áp dụng biện pháp bán nợ để xử lý dứt điểm khoản nợ, đặc biệt là các khoản nợ lớn, phức tạp. Tuy nhiên việc áp dụng bán nợ vẫn còn một số vướng mắc từ chính sách pháp luật. Ngoài ra, còn áp dụng các giải pháp hỗ trợ khách hàng trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ (cơ cấu nợ), phương án trả nợ (giảm, miễn lãi vay), chia sẻ khó khăn khách hàng trong dịch bệnh, các phương án thoả thuận xử lý tài sản bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả; hoà giải tại toà để rút ngắn thời gian tố tụng…
Tuy nhiên, đại diện ngân hàng Vietcombank cũng cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nợ xấu gia tăng nợ xấu và làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, văn bản quy định pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều văn bản chưa rõ ràng, chưa hỗ trợ công tác xử lý, thu hồi nợ. Trong khi đó một bộ phận khách hàng, chủ tài sản chây ỳ, bất hợp tác, không có ý thức phối hợp trả nợ xử lý tài sản bảo đảm. Việc xử lý nợ thông qua cơ quan pháp luật tại một số địa phương còn chậm.
Bà Vũ Ngọc Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước). Ảnh: Tạ Dũng |
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Phương – Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) cho rằng, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, đạt được kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên, cần thiết lập hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm và xử lý nợ đồng bộ, trong đó có việc xác định thật rõ ràng, toàn diện về quyền của TCTD trong việc xử lý tài sản bảo đảm bởi theo bà Phương, các ngân hàng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14, TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhưng phải đáp ứng các quy định theo Bộ luật Dân sự 2015, đồng thời tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Điều này rất khó cho các ngân hàng bởi thực tế Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời sau Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, các ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn tại tòa.
Đề xuất kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42 hoặc xây dựng Luật về xử lý nợ xấu
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đại biểu và TCTD đều khẳng định sự cần thiết luật hóa pháp luật về giao dịch bảo đảm và luật hóa Nghị quyết 42 2017 /QH 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Bà Vũ Ngọc Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Nghị quyết 42 là thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm đến ngày 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khi đó, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD.
Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nhằm tiếp tục duy trì, phát triển các chính sách tại Nghị quyết 42. Trong đó có hai phương án đề xuất bao gồm kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 hoặc đề xuất Quốc hội xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Tạ Dũng |
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Vụ trưởng Vụ I - Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, do dịch COVID-19 bùng phát nên hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự bị gián đoạn, công tác tác nghiệp tại cơ sở, xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với đương sự bị ảnh hưởng, dẫn tới công tác xử lý nợ cũng bị ảnh hưởng. Bà Hà cũng cho rằng, công tác phối hợp với các ngân hàng chưa hiệu quả dẫn tới kết quả thu hồi hồi nợ cho ngân hàng chưa cao. Theo bà Hà, một phần nguyên nhân nữa cũng xuất phát từ khó khăn, vướng mắc từ thể chế, trong đó là một số điều khoản của Nghị quyết 42. Vì thế, bà Hà thống nhất quan điểm luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 2017 /QH 14 dưới hình thức ban hành Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, bà Hà kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự) trong việc rà soát kỹ các nội dung cần sửa đổi để không còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc khác.